Mục đích của Hội thảo nhằm đánh giá đích thực những sự kiện, quá trình lịch sử phản ánh về người phụ nữ Việt Nam qua các thời kỳ và vai trò của người phụ nữ Việt Nam trong di sản văn hóa. Qua đó, để thế hệ hôm nay học tập, phát huy truyền thống tốt đẹp này trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, đặc biệt là đối với tỉnh Thừa Thiên - Huế, vùng đất có bề dày văn hóa lịch sử. Đây là một trong những chương trình trọng điểm của lễ hội đền Huyền Trân 2010 và là hoạt động mở đầu cho năm 2010, năm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của quốc gia, nhiều hoạt động văn hóa lễ hội diễn ra khắp cả nước để hướng về kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Với hơn 20 tham luận về nhiều chủ đề, nghiên cứu ở nhiều khía cạnh khác nhau về vai trò của người phụ nữ trong từng giai đoạn của lịch sử đất nước như phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giữ nước và giải phóng dân tộc thời cổ trung đại; Vai trò phụ nữ Việt Nam trong lịch sử ngoại giao thời hiện đại; Vai trò người phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế… cho đến những nghiên cứu mang tính đối sánh về người phụ nữ trong tín ngưỡng giữa Việt Nam và Nhật Bản - Quyền linh của người phụ nữ: Tín ngưỡng thờ bà cô ở Việt Nam và Onari ở Okinawa – Nhật Bản của GS.TS Michio Suenari đến từ đại học Tokyo.
Hội thảo là dịp để các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học trong và ngoài nước gặp gỡ trao đổi và làm rõ hơn vai trò của người phụ nữ Việt Nam trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bản sắc văn hóa Huế, những đóng góp của các thế hệ phụ nữ Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…
MH