Sau khi trực tiếp thăm phố hoa Hà Nội, nhiều du khách và ngưòi dân Thủ đô đều trầm trồ khen đẹp và rực rỡ, Tuy nhiên, cũng không ít ngưòi nhận xét: phố hoa Hà Nội 2010 đẹp và thành công nhưng chưa trọn vẹn, bởi vẫn còn nét chưa đẹp. Trong những ngày tổ chức phố hoa, tuyến phố Đinh Tiên Hoàng được cấm các loại phương tiện lưu thông để dành cho người đi bộ, các tuyến phố quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm xuất hiện hàng chục điểm trông giữ xe tự phát hoặc sai phép. Hầu hết các điểm trông xe này đều thu quá giá quy định gấp 15-20 lần, trong đó không ít điểm đã được các quận của Hà Nội cấp phép.
Tối 31/12, mặc dòng người đông nghẹt đổ về khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm ngắm phố hoa, hàng chục bãi trông giữ xe tự phát tại các phố Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, Hàng Bài, Đinh Lễ... ken đặc xe trên vỉa hè khiến nhiều người phải đi dưới lòng đường. Tại mỗi bãi giữ xe đều có 5 - 6 nhân viên đứng ghi vé, thu tiền. Mỗi chiếc xe máy gửi vào các điểm này đều phải trả giá rất cao, từ 30.000 - 50.000 đồng/xe. Do quá đông khách, nhiều điểm chủ xe còn xếp xe thành hai hàng dưới lòng đường, bất chấp cảnh ùn tắc giao thông.
Cố nài nỉ 2 nhân viên bãi giữ xe đầu phố Hàng Bài - Tràng Tiền trông giúp chiếc xe để dẫn cô con gái vào phố hoa, chị Phương (ở phố Lò Đúc) nhăn nhó: "Tôi vào mấy điểm rồi chỗ nào họ cũng đuổi vì quá nhiều xe. Biết rằng nài nỉ sẽ bị thu quá giá nhưng đã trót hứa cho con gái đi xem phố hoa nên đành phải thế".
Khoảng 20h, vừa đẩy chiếc xe vào một bãi xe đầu ngã tư Hàng Bài - Hai Bà Trưng, chị Hoàng Lan (ở phố Bạch Mai) đã bị một nhân viên đòi 50.000 đồng. Nhăn mặt rút tiền ra trả, chị Lan lắc đầu: "Đúng là ngày lễ, tết. Nhưng mọi lần có bị chặt chém cũng chỉ 10.000 đồng".
Phố sách Nguyễn Xí, Đinh Lễ, từ vỉa hè đến lòng đường đều bị chiếm dụng làm nơi gửi xe. Một số cửa hàng sách ở đây tỏ ra nhanh nhạy bằng cách tận dụng vỉa hè của mình làm nơi trông xe. Những người có mục đích mua sách thực sự sẽ được “cảnh báo”, một là đọc tên sách để nhân viên vào tìm, hai là nên để hôm khác mua nếu không muốn tốn tiền gửi xe. Dù trên quy định gửi xe máy ban ngày là 2.000đ/xe nhưng khách đều phải trả 10.000đ/xe. Tìm chỗ gửi ôtô còn khó khăn hơn. Nhiều người đã phải gửi ở Nhà hát Lớn rồi đi bộ ra Hồ Gươm vì nơi gửi xe trên đường Lý Thái Tổ đã quá tải. Điểm gửi xe của Công ty khai thác điểm đỗ xe Hà Nội cũng vô tư thu 20.000 đồng/xe ô tô dù quy định chỉ là 10.000 đồng. Các điểm gửi xe tư nhân thì có nơi thu đến 100.000 đồng/xe ô tô.
Một người dân ngậm ngùi so sánh: “Tôi đã cố đợi đến ngày cuối cùng mới lên xem cho thoải mái nhưng không ngờ người vẫn đông như thế này, xem hoa mà cứ như đi mua hàng. Năm nay, ý thức người dân cao hơn thì bảo vệ trông coi hoa cứ như hàng quốc cấm. Chỗ tượng đài Lý Thái Tổ, nơi có con rồng được kết bằng hoa, năm ngoái ai cũng được vào nhưng năm nay thì không. Như thế, công sức của các nghệ sĩ làm ra thật uổng phí...”.
Phố hoa Hà Nội năm nay đã mang lại cho những du khách một nét thanh lịch tràng an, lịch sự và hơn hết là ý thức của người dân về việc giữ gìn bảo vệ hoa trong lễ hội có thể nói là bước thành công lớn của lễ hội hoa năm nay so với năm ngoái, nhưng vẫn còn đó là những điểm yếu cần khắc phục mà tiêu biểu là việc trông giữ xe chưa có tổ chức gây ra việc ùn tắc giao thông như đã nêu, người đi xem lễ hội phải vất vả để có thể tìm được một chỗ giữ xe với một cái giá… trên trời.
Lời giải đáp của hạt sạn trong sự kiện lớn này là gì? Một hình ảnh đẹp về Hà Nội, một dấu son kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội sẽ đẹp hơn, hoàn mỹ hơn khi chúng ta thực sự biết hoàn thiện nó một cách trọn vẹn. Hà Nội đã có lễ hội hoa như TP HCM và Đà Lạt, song bao giờ mới có được không gian thưởng ngoạn lễ hội đúng như ý nghĩa của nó, là điều mà người dân còn phải chờ đợi và hy vọng./.
DUY LINH