Với diện tích hơn 42.000m2 bao gồm cả trong nhà trưng bày và công viên ngoài trời, đây là bảo tàng đá lớn nhất Trung Quốc, lưu giữ và trưng bày các sản phẩm đá quý nổi tiếng Đông Nam Á, hợp thành bỏi hai bộ phận, được xây dựng vào năm 1994 và 1999. Phòng trưng bày rộng gần 3000 m2 mang đặc điểm các dân tộc thiểu số vùng Quế Trung. Nhà trưng bày mỗi năm đều triển lãm hàng nghìn bộ sưu tập đá quý kỳ lạ của hơn 60 loại đá. Trải qua hàng trăm triệu năm, dưới tác động của tạo hóa, nhiều khối đá trở thành các tác phẩm đá trông rất lạ mắt, có khối đá mọc tóc, có khối đá dáng hình như một thiếu nữ, hay Phật Quan Âm, có khối trông như Vạn Lý Trường Thành thu nhỏ... Và, có cả các loại đá giống như các món ăn, những lá cây, bông hoa đã hóa thạch, trở thành vật báu, khiến du khách đến thăm bảo tàng không khỏi ngạc nhiên. Đá ngọc khối lớn như mỹ ngọc, ngọc màu xen kẽ; các đường vân trên đá ngọc uyển chuyển, hài hoà; chỗ dày chỗ thưa, tạo nên dáng núi dáng mây, hình sông thế núi vô cùng kỳ diệu. Đá màu trứng Tam Giang Thái Noãn viên tròn mềm mại trang nhã; đá Thiên Nga lại như những nét mực đan thanh trên bức quốc họa của một đại họa sĩ. Ngoài ra, còn những loại đá lớn truyền thống hàng đầu như đá Thái Hồ, đá Linh Bích; hay những khoáng vật đá trong suốt Tinh Bảo vô cùng quý hiếm như "Hồn Trung Hoa", "Tì Bà gió thu", "Giang Sơn đa kiều", "Hùng Phong", "Xuân mãn linh trì", "Đường cổ trên sa mạc", "Chim hạnh phúc", Hùng sư nghênh khách", "Tiệc Mãn Hán" hay "Phu tử"...
Nếu phần thứ nhất cho ta một cảm nhận về cái đẹp nghệ thuật hiện đại thì ở phần thứ hai lại mang phong cách cổ điển, biểu hiện tư tưởng mỹ học truyền thống Trung Hoa. Lấy cái đẹp, cái hồn, cái chất văn của đá mà biểu hiện theo những cách khác nhau, khiến người xem luôn cảm thấy thú vị. Bên cạnh những khối kỳ thạch do thiên nhiên ban tặng được trưng bày trong khu bảo tàng, ngoài trời là công viên đá với những quần thể điêu khắc do các danh nhân tạo dựng như kênh nước “quảng trường Bái Thạch” và “kết duyên với đá”...
Khổng tử nói: "Nhân giả lạc sơn, trí giả lạc thuỷ", (nghĩa là người nhân vui với núi, người trí vui với sông), đá vốn nguồn từ núi, thành bởi nước, hội tụ linh khí của đất trời, tinh hoa của vạn vật. Thưởng ngoạn đá, có thể nói là nhân trí kiêm toàn. Vào thăm bảo tàng đá Liễu Châu, du khách thực sự đã bước vào chốn thưởng ngoạn cao cấp nhất./.
MAI LINH