Nhân kỷ niệm 15 năm chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc, ngày 20/8/2007, tại khách sạn Daewoo Hà Nội, Hội khoa học lịch sử Việt Nam phối hợp với Hội khoa học lịch sử Hàn Quốc tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “quan hệ Việt - Hàn trong lịch sử” dưới sự tài trợ của Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, Quỹ hỗ trợ phát triển lịch sử Đông Bắc Á.
Hội thảo khoa học lần này mang một ý nghĩa to lớn, bởi đây là lần đầu tiên hai nước tổ chức chung một hội thảo mang tính quốc tế về lịch sử. Hội thảo không chỉ đánh dấu bước phát triển mới trên con đường giao lưu học thuật mà xa hơn nữa còn là nền móng cho công cuộc tìm kiếm các phương án tăng cường hiểu biết lẫn nhau cũng như nâng cao quan hệ hợp tác giúp đỡ giữa hai nước.
Tại Hội thảo, có 8 bài tham luận được trình bày với chủ đề chung “Việt Nam và Hàn Quốc trong lịch sử Đông Bắc Á”. Trong bài tham luận của giáo su Yu In Son, khoa lịch sử phương Đông, Đại học quốc gia Seoul viết về “Cuộc đời và sự nghiệp của hoàng tử Lý Long Tường, hậu duệ vương triều Lý, Việt Nam” là toàn bộ sự thật về câu chuyện hoàng tử Lý Long Tường, hậu duệ của nhà Lý Việt Nam (1009-1225) cũng như cuộc đời và sự nghiệp của ông trên đất Cao Ly. Có thể nói, việc nghiên cứu sâu thêm về hoàng tử Lý Long Tường mang một ý nghĩa quan trọng trong việc duy trì và phát triển tình hữu nghị Việt - Hàn.
Tham luận “Nhận thức về Việt Nam của các trí thức Chosun thế kỷ 17 - 18” của giáo sư Pak Hee Byung, khoa ngữ văn, đại học quốc gia Seoul lại là một công trình tổng hợp những nhận thức về Việt Nam của các trí thức Hàn Quốc mà đặc biệt là các nhà thực học cuối thời Chosun. Thông qua đó, chúng ta có thể biết được Việt Nam và Hàn Quốc vốn có quan hệ mật thiết từ rất lâu đời, đặc biệt là hiểu thêm về mối quan tâm thường xuyên tới Việt Nam của các nhà trí thức Hàn Quốc thời Chosun. Thêm nữa, phần nghiên cứu này còn mang đến một hơi hướng mới, một ý tưởng mới cho những ai muốn tìm hiểu về một Hàn Quốc trong Đông Bắc Á, một Hàn Quốc trong ảnh hưởng của nền văn hóa chữ Hán, đó là không chỉ nên nhìn Hàn Quốc ở quan hệ với Trung Quốc và Nhật Bản mà nhất thiết phải xem xét quan hệ với một đại diện “mới mà không mới” - Việt Nam.
Trong “Sự phổ cập và ảnh hưởng của “Việt Nam vong quốc sử”” do giáo sư khoa sử học, trường đại học Seo Kang - Choi Ki Young viết, việc phát hành và phổ cập cuốn “Việt Nam vong quốc sử” đã tạo được ảnh hưởng sâu sắc tại Hàn Quốc. Đây là cuốn sách viết về việc chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu sang Nhật Bản gặp gỡ và bàn luận với nhà tư tưởng Trung Quốc Lương Khải Siêu về vấn đề vong quốc và những thực tế vong quốc của Việt Nam. Cuốn sách này không chỉ được biết tới nhiều tại Trung Quốc và Việt Nam, mà còn được rất nhiều độc giả Hàn Quốc tìm đọc. Đặc biệt, cuốn sách này đã được dùng làm giáo trình của một số trường dân lập, đã làm dấy lên mối quan tâm về phong trào phục hồi quốc quyền của người dân Hàn Quốc.
Ngoài ra, Hội thảo còn có một số các bài thuyết trình khác như “Nhận thức về Hàn Quốc của những nhà dân tộc chủ nghĩa Việt Nam đầu thế kỷ 20” của giảng viên trường Đại học Seoul - Yun Tae Young; bài viết “Họ Lý Tinh Thiện - một dòng họ gốc Việt ở Hàn Quốc từ thế kỷ 12” của giáo sư Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam; hay “Một số cuộc tiếp xúc giữa sứ thần Việt Nam và sứ thần Hàn Quốc trong thời trung đại” của tiến sĩ sử học Nguyễn Minh Tường; và “Tình hữu nghị chiến đấu chống đế quốc xâm lược của các chí sĩ hai nước Việt - Hàn đầu thế kỷ 20” của PGS.TS. Chương Thâu, hoặc “Quan hệ kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc 15 năm hợp tác và phát triển” của tiến sĩ sử học Trần Quang Minh.
Chủ tịch danh dự Kim Yong Teok của Quỹ hỗ trợ phát triển lịch sử Đông Bắc Á khẳng định: “Hội thảo khoa học quốc tế quan hệ Việt - Hàn trong lịch sử lần này được tổ chức dựa trên nền tảng, uy tín và thành tựu quan hệ hợp tác hữu nghị chính thức giữa hai nước trong suốt 15 năm qua, đây cũng là một cơ hội giao lưu học thuật để hai nước nhìn nhận lại những mốc quan hệ trong lịch sử. Hội thảo khoa học quốc tế quan hệ Việt - Hàn trong lịch sử là một hội nghị khoa học phù hợp với ý niệm thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển lịch sử Đông Bắc Á”.
PV