 |
Núi Cô Tô |
Núi Tô (còn có tên là núi ông Tô, núi Cô Tô, Phụng Hoàng Sơn), cao 614m, dài 5.800m, rộng 3.700m, nằm về phía cực Nam, thuộc xã núi Tô, huyện Tri Tôn. Theo truyền thuyết dân gian kể rằng: “Núi Tô có hình dáng giống như cái tô lật úp nên mới gọi là núi Tô”. Một giả thuyết khác lại cho rằng: Cô Tô xưa kia là nơi có rất nhiều loài chim đẹp về trú ngụ. Dáng núi giống hình chim phụng với cái đuôi gọi là đồi nằm ở phía Tây, tức đồi Tức Dụp. Trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, tại đây bọn Mỹ ngụy đã dốc toàn lực tấn công suốt 128 ngày đêm nhưng đã hoàn toàn thảm bại. Hiện nay, Tức Dụp đã trở thành một trong những điểm du lịch nổi tiếng của Tri Tôn. Theo ông Nguyễn Văn Hầu, tác giả cuốn “Nửa tháng trong miền Thất Sơn” thì Phụng Hoàng Sơn là ngọn núi đẹp nhất trong vùng Thất Sơn với tổng diện tích 2.230ha, nơi có nhiều gỗ quý như sao, căm xe, cà chất, gõ, giáng hương… Ngày nay, Cô Tô là nơi thu hút nhiều khách hành hương, khách du lịch đến tham quan, vãn cảnh và chiêm bái.
Đến Cô Tô, du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh trời nước bao la với nhiều câu chuyện huyền thoại về suối vàng và hồ Soài So êm đềm, phẳng lặng nằm ngay dưới chân núi đầy thơ mộng. Trước đây, khách tham quan muốn lên núi phải men theo những lối mòn, dốc đá chênh vênh, vừa đi vừa lách mình hoặc bám vào những thân cây, vất vả lắm mới lên tới đỉnh núi. Bây giờ đã có con đường tới hồ Soài So trải nhựa. Đường lên núi đã được mở rộng và xây thành bậc thang, du khách leo khoảng một tiếng đồng hồ là có thể đến đỉnh núi. Dọc theo lưng chừng núi, ngoài những khu rừng hỗn giao và rừng phòng hộ còn có những vườn cây ăn trái bạt ngàn, nhiều nhất là xoài, mít và những khu vực trồng rẫy xanh rì giống như một bình nguyên trên núi.
Sau hơn ba mươi phút vừa leo núi vừa ngắm cảnh, du khách đã đứng trước một di tích nổi tiếng gọi là sân Tiên. Nơi đây có dấu chân tiên, tương truyền đó là dấu chân sau của Phật, còn chân trước thì nằm ở động Thủy Liêm - núi Cấm, tiếp đó là các di tích Vồ Hội, Nam Hải, Bồng Lai, Pháo Đài… Từ trên đỉnh núi văng vẳng tiếng chuông chùa ngân nga hòa quyện với cây rừng xào xạc, càng làm tăng thêm sự yên tĩnh của núi rừng, khiến cho cảnh vật trở nên u tịch, thanh nhàn.
Sau khi chinh phục được đỉnh cao nhất của núi Tô là Cấp Nhất, du khách chuẩn bị xuống núi và quay về nhà trọ bên hồ. Chiều trên đỉnh núi thật êm đềm. Màu xanh của cỏ cây hoa lá bắt đầu thẫm lại, dìu dịu và tím sẫm khi hoàng hôn buông xuống. Trên đồi cao, mây trắng bồng bềnh, vài chú chim bay ngang trời cất lên tiếng ríu rít cùng về tổ. Mặt hồ Soài So hiền hòa vẫn còn đọng lại vài tia nắng vàng lấp lánh soi rõ bóng hình người phụ nữ lặng lẽ gánh nước…
Ngoài kia, thị trấn đã lên đèn…
HOÀI PHƯƠNG