Xây dựng tiêu chuẩn “Hệ thống quản lý sự kiện bền vững - các yêu cầu và hướng dẫn áp dụng trong lĩnh vực du lịch”
Phát biểu tại hội nghị, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho biết: Thời gian gần đây, Việt Nam đang nổi lên là một điểm đến du lịch sự kiện hấp dẫn trong khu vực, nhiều sự kiện quốc tế lớn đã được Việt Nam đăng cai tổ chức thành công, góp phần mang lại hiệu quả lớn về quảng bá hình ảnh du lịch, nâng cao vị thế chính trị, lợi ích kinh tế cho các địa phương nói riêng, cho quốc gia nói chung. Tuy nhiên, để tổ chức một cách chuyên nghiệp, hiệu quả các sự kiện du lịch, góp phần giúp các cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát, quản lý chất lượng các hoạt động này, cần đưa ra những tiêu chuẩn hệ thống quản lý tổ chức sự kiện du lịch và những hướng dẫn cụ thể… Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch đã giao cho Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch thực hiện Dự án xây dựng tiêu chuẩn quốc gia “Hệ thống quản lý sự kiện bền vững - các yêu cầu và hướng dẫn áp dụng trong lĩnh vực du lịch” (TCVN XXXXX:2018), nhằm đưa ra hướng dẫn thực hiện các chu trình tổ chức sự kiện trong lĩnh vực du lịch, hướng tới mục tiêu tổ chức các sự kiện du lịch đảm bảo tính bền vững. Nếu được nghiệm thu và ban hành chính thức, bộ tiêu chuẩn sẽ là cơ sở rất quan trọng cho các doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh dịch vụ, các địa phương triển khai thực hiện chuẩn hóa việc tổ chức sự kiện, góp phần kiểm tra, giám sát chất lượng kinh doanh dịch vụ, nâng cao tính chuyên nghiệp trong tổ chức sự kiện du lịch...
Tiêu chuẩn quốc gia “Hệ thống quản lý tổ chức sự kiện - các yêu cầu và hướng dẫn áp dụng trong lĩnh vực du lịch” được xây dựng nhằm hỗ trợ việc áp dụng TCVN ISO 20121:2012 đối với sự kiện du lịch (TCVN ISO 20121:2012 do Ban Kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC 176 Quản lý chất lượng và đảm bảo chất lượng biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố). TCVN XXXXX:2018 quy định các yêu cầu về hệ thống quản lý sự kiện bền vững để nâng cao tính bền vững của các sự kiện; được áp dụng cho tất cả các tổ chức có loại hình và quy mô khác nhau tham gia vào việc thiết kế, cung cấp các sự kiện và đảm bảo các điều kiện địa lý, văn hóa, xã hội đa dạng và khác biệt. Tiêu chuẩn này được áp dụng một cách linh hoạt, cho phép các tổ chức hiện chưa có một phương cách chính thức định hướng về sự phát triển bền vững thực hiện và áp dụng một hệ thống quản lý tính bền vững khi tổ chức sự kiện du lịch…
Tại hội nghị, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các doanh nghiệp, hiệp hội du lịch, các cơ sở đào tạo đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp thẳng thắn nhằm giúp hoàn thiện bản dự thảo. Nhiều ý kiến cho rằng Tiểu Ban kỹ thuật cần tiếp tục Việt hóa ngôn ngữ, chỉnh sửa thêm cách diễn đạt, bổ sung một số thuật ngữ; cần đưa ra những hướng dẫn chi tiết hơn phù hợp với đặc thù của ngành Du lịch; chú trọng đến vấn đề an ninh an toàn, vệ sinh an toàn thực phẩm; điều chỉnh tên gọi của tiêu chuẩn để tạo thuận lợi cho các đơn vị áp dụng; đẩy mạnh truyền thông giới thiệu về TCVN XXXXX:2018 để tiêu chuẩn được biết đến và áp dụng rộng rãi...
Kết luận hội nghị, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch Đỗ Thị Thanh Hoa cho biết, Tiểu Ban Kỹ thuật sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến của các tổ chức, cá nhân liên quan, đặc biệt là các doanh nghiệp du lịch để sớm hoàn thiện tiêu chuẩn TCVN XXXXX:2018 và đưa vào áp dụng trong thực tiễn thời gian tới.
Thu Thảo