Đối với nội dung Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện “Quy hoạch tổng thể hệ thống bảo tàng Việt Nam đến năm 2020” các đại biểu đã được nghe và thảo luận về một số chuyên đề như: Quy hoạch hệ thống bảo tàng thuộc Bộ Quốc phòng trong thời gian qua và định hướng phát triển trong thời gian tới; việc triển khai “Quy hoạch tổng thể Hệ thống Bảo tàng thiên nhiên ở Việt Nam đến năm 2020”; những vấn đề đặt ra trong quá trình triển khai Đề án xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam”; Kết nối trưng bày bảo tàng công lập và ngoài công lập góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Bảo tàng tại địa phương.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên phát biểu khai mạc
Báo cáo đánh giá tại Hội nghị tổng kết 10 năm nhận định, thời gian qua hoạt động bảo tàng trực tiếp góp phần giáo dục truyền thống, nâng cao tri thức văn hoá, khoa học cho công chúng, góp phần phát triển du lịch. Một số bảo tàng quốc gia, bảo tàng chuyên ngành và bảo tàng cấp tỉnh đã bước đầu đổi mới trưng bày theo định hướng tăng cường các hiện vật gốc, áp dụng các phương tiện khoa học kỹ thuật (màn hình cảm ứng, kỹ thuật 3D,...) để làm phong phú và hấp dẫn nội dung trưng bày, thu hút khách tham quan; đổi mới hình thức phục vụ cộng đồng. Việc xếp hạng các bảo tàng trong hệ thống đã được triển khai nghiêm túc theo quy định của pháp luật về Di sản văn hóa, nhằm đánh giá đúng chất lượng khoa học của các bảo tàng. Theo đó, đến nay đã có 90 bảo tàng (trong tổng số 123 bảo tàng công lập) đã được xếp hạng (gồm: 14 bảo tàng hạng I; 61 bảo tàng hạng II; 15 bảo tàng hạng III). Hệ thống bảo tàng đã hình thành một đội ngũ cán bộ chuyên môn đông đảo, được đào tạo có hệ thống, với hơn 2300 cán bộ bảo tàng, trong đó hơn 1.800 người có trình độ đại học, hơn 200 người đạt trình độ trên đại học, trong đó có một số cán bộ quản lý và chuyên môn bảo tàng có học hàm, học vị cao (Phó Giáo sư, Tiến sĩ). Điểm nổi bật trong hoạt động của hệ thống bảo tàng Việt Nam là đã mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều nước, tổ chức và bảo tàng trên thế giới. Một số cuộc triển lãm về di sản văn hóa Việt Nam đã được các bảo tàng phối hợp với đối tác nước ngoài tổ chức thành công ở các nước: Nga, Mỹ, Pháp, Bỉ, Singapore, Thụy Điển, Trung Quốc, Hàn Quốc, Lào, Nhật Bản, Campuchia… Nhiều chuyên gia về bảo tàng của các nước thuộc Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Úc và Châu Á đã đến Việt Nam giúp đào tạo cán bộ, trao đổi về kinh nghiệm và phương pháp trong việc xây dựng những bảo tàng mới. Một số dự án quốc tế về bảo tàng đã được tài trợ bởi các quỹ của UNESCO, SIDA, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, Phái đoàn Wallonie - Bruxelles (Bỉ), nguồn vốn ODA và dự án của các tổ chức phi chính phủ khác.
Bên cạnh đó, Hội nghị cũng nhìn nhận thực tiễn 10 năm triển khai Quy hoạch cũng còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập: Hầu hết bảo tàng ở Việt Nam là bảo tàng thuộc loại hình lịch sử xã hội, còn quá ít các bảo tàng lịch sử tự nhiên, bảo tàng chuyên ngành về khoa học kỹ thuật. Nhiều phần nội dung trưng bày trùng lặp nhau giữa các bảo tàng đã làm cho hệ thống bảo tàng trở nên đơn điệu - Sự trùng lặp về nội dung chủ yếu tập trung ở ba loại bảo tàng: bảo tàng cấp tỉnh; bảo tàng thuộc Bộ Quốc phòng và nhóm các bảo tàng lâu nay vẫn được xếp vào hệ thống các Chi nhánh của Bảo tàng Hồ Chí Minh tại các tỉnh, thành phố. Việc xã hội hoá hoạt động của các bảo tàng còn chưa được đẩy mạnh, mang lại những hiệu quả tích cực, góp phần nhằm tăng cường nguồn lực cho các hoạt động bảo tàng....
Trước nguy cơ các di sản văn hóa đang bị phá hủy dẫn tới thay đổi môi trường văn hóa của cộng đồng, ban tổ chức cũng dành thời lượng để triển khai nội dung tập huấn Ngành Di sản Văn hóa năm 2015 hướng tới chủ đề “Di sản văn hóa, môi trường và cộng đồng”. Tại đây, các học viên đã được chia sẻ nội dung của chuyên gia quốc tế về bảo tàng, sự phù hợp và môi trường- những chiến lược để thay đổi, vấn đề môi trường với việc bảo tồn di sản văn hóa…
Phát biểu chào mừng các đại biểu tại buổi khai mạc, bà Mai Hoan Niê Kdăm- Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Đối với khu vực Tây Nguyên, Bảo tàng Đắk Lắk là bảo tàng được xây dựng với quy mô lớn, kiến trúc phong cách trưng bày đẹp, nội dung hấp dẫn trở thành điểm đến thú vị cho khách du lịch và các công trình nghiên cứu lịch sử, văn hóa của nhiều nhà khoa học. Là bảo tàng loại I, trong những năm qua Bảo tàng Đắk Lắk luôn nhận được nhiều sự quan tâm phản hồi tích cực từ công chúng, tạo nên nhiều cơ hội mới cho phát triển ngành di sản của tỉnh, và phát triển kinh tế- văn hóa của địa phương... Tôi tin tưởng rằng, với tâm huyết và kinh nghiệm phong phú qua quá trình công tác thực tiễn tại đơn vị, các đại biểu và học viên sẽ tích cực thảo luận, trao đổi, để chương trình Hội nghị - Hội thảo - Tập huấn năm 2015 thực sự trở thành một diễn đàn chuyên môn sôi nổi, bổ ích, đóng góp thiết thực cho sự phát triển của Ngành Di sản văn hóa trong thời gian tới.
Nguồn: daklak.gov.vn