TUYÊN BỐ NINH BÌNH
về
Du lịch tâm linh vì Sự phát triển bền vững
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) và quan chức du lịch của các quốc gia thành viên Tổ chức Du lịch thế giới, đại diện ngành du lịch, các tổ chức quốc tế, các hiệp hội dân sự, nghề nghiệp và các chuyên gia quốc tế đã gặp gỡ tại Ninh Bình, CHXHCN Việt Nam ngày 21-22 tháng 11 năm 2013, nhân dịp Hội nghị quốc tế về Du lịch tâm linh vì Sự phát triển bền vững lần thứ nhất.
Nhận thức rõ mục tiêu cơ bản của Tổ chức Du lịch thế giới là “thúc đẩy và phát triển du lịch nhằm đóng góp cho sự phát triển kinh tế, hiểu biết quốc tế, hòa bình, thịnh vượng, tôn trọng và tuân thủ quyền con người và các quyền tự do cơ bản” như đã nêu tại Quy chế hoạt động của Tổ chức Du lịch thế giới;
Xuất phát từ Bộ Quy tắc ứng xử toàn cầu trong Du lịch được Đại hội đồng Tổ chức Du lịch thế giới thông qua năm 1999, Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc phê chuẩn ngày 21 tháng 12 năm 2001, trong đó Điều 1 của Nghị quyết nhấn mạnh rằng “sự hiểu biết và thúc đẩy các giá trị đạo đức phổ biến đối với nhân loại với thái độ khoan dung và tôn trọng sự đa dạng các tư tưởng tôn giáo, triết học và đạo lý vừa là cơ sở, đồng thời cũng là kết quả của du lịch có trách nhiệm”;
Dựa vào Công ước UNESCO ngày 16 tháng 11 năm 1972 về Bảo vệ Di sản tự nhiên và văn hóa thế giới; Tuyên bố toàn cầu của UNESCO về Đa dạng văn hóa ngày 02 tháng 11 năm 2001; Công ước UNESCO về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể ngày 17 tháng 10 năm 2003; Công ước UNESCO về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu hiện văn hóa ngày 20 tháng 10 năm 2005;
Ghi nhận Tuyên bố Huế về Du lịch Văn hóa và Giảm nghèo được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng cùng chủ đề, tổ chức tại Thành phố Huế, CHXHCN Việt Nam, ngày 11-12 tháng 6 năm 2004;
Ghi nhận kết luận của “Hội nghị quốc tế về Du lịch, Tôn giáo và Đối thoại giữa các nền văn hóa” được tổ chức tại Cordoba, Tây Ban Nha, ngày 29-31 tháng 10 năm 2007;
Ý thức về Tinh thần Tuyên bố Bali, được thông qua tại Hội thảo “Ứng xử trong du lịch khu vực Châu Á và Thái Bình Dương: Du lịch có trách nhiệm và Tác động kinh tế - xã hội đối với cộng đồng địa phương” được tổ chức tại Bali, Indonesia, ngày 11 tháng 6 năm 2010;
Công nhận Tuyên bố Yerevan được thông qua ngày 19 tháng 10 năm 2012 tại Cộng hòa Ac-mê-ni-a, nhân dịp Hội nghị quốc tế về “Các giá trị phổ biến toàn cầu và Đa dạng văn hóa trong thế kỷ 21: Làm thế nào để du lịch có thể tạo ra sự khác biệt?”;
CÁC ĐẠI BIỂU
Nhìn nhận Bộ Quy tắc ứng xử toàn cầu trong Du lịchcủa Tổ chức Du lịch thế giớilà phương tiện hữu ích giúp hướng dẫn phát triển du lịch một cách công bằng, có trách nhiệm và bền vững ở quy mô toàn cầu, đóng góp vào việc gìn giữ các giá trị thực sự về tinh thần, văn hóa, xã hội và môi trường của mỗi cá nhân, cộng đồng và các dân tộc;
Tin tưởng rằng việc giao lưu giữa con người với nhau được thúc đẩy bởi du lịch tâm linh sẽ đẩy mạnh đối thoại, xây dựng mối quan hệ hiểu biết giữa các nền văn hóa, khuyến khích sự đa dạng, tăng cường, củng cố nhân cách cá nhân và đáp ứng các mục tiêu chung;
Ý thức về các truyền thống văn hóa đời sống và các giá trị tinh thần phong phú của nhiều nước và tin tưởng việc cần thiết phải nghiên cứu và gìn giữ một cách đúng đắn để các truyền thống và giá trị đó có thể tồn tại trong thế giới toàn cầu hóa và đóng góp vào việc nâng cao năng lực của cộng đồng một cách lâu dài;
Đồng thời công nhận rằng du lịch tâm linh có tác động mạnh mẽ và tích cực đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của khu vực nếu được định hướng bởi các nguyên tắc phát triển bền vững và có trách nhiệm, với quan niệm rằng mục tiêu lợi nhuận không nên là ưu tiên tuyệt đối của phát triển du lịch;
Tiếp tục ghi nhận rằng sự phát triển du lịch tâm linh sẽ đòi hỏi trách nhiệm cụ thể của các bên liên quan nhằm giảm đối đa các tác động tiêu cực tiềm tàng đối với cộng đồng địa phương, với bản sắc văn hóa và môi trường tự nhiên của cộng đồng;
Nhất trí ghi nhận rằng CHXHCN Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong việc đẩy mạnh phát triển du lịchnhư một ví dụ thành công nữatrong khu vực Đông Nam Á, đồng thời đánh giá cao những nỗ lực của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương của nước CHXHCN Việt Nam trong việc đăng cai và chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để tổ chức thành công Hội nghị quốc tế về Du lịch tâm linh vì Sự phát triển bền vững,
VÌ VẬY ĐÃ NHẤT TRÍ NỖ LỰC NHẰM:
1. Tăng cường các khuôn khổ chính sách, các hoạt động kinh doanh có trách nhiệm và các nghiên cứu về du lịch tâm linh, trên cơ sở hợp tác chặt chẽ với cộng đồng địa phương nhằm đảm bảo lợi ích cho các bên liên quan, đồng thời giữ gìn các giá trị truyền thống một cách nguyên vẹn nhất;
2. Tạo dựng các điều kiệnphù hợp để sử dụng tài nguyên văn hóa đời sống một cách có trách nhiệm và bền vững trong quá trình phát triển du lịch tâm linh nhằm tạo ra các cơ hội việc làm mới, tăng cường đa dạng hóa sản phẩm, hạn chế di dân khỏi các vùng nông thôn và nuôi dưỡng niềm tự hào của những người mang trong mình những giá trị truyền thống và người dân địa phương nói chung;
3. Khuyến khích giáo dục và đào tạo cũng như các hoạt động nâng cao năng lực với những kỹ năng, mục đích cụ thể nhằm nâng cao khả năng của cộng đồng với năng lực quản lý du lịch và đưa ra quyết định liên quan đến truyền thống văn hóa và tâm linh của cộng đồng;
4. Thúc đẩy sự tiến bộ về kinh tế-xã hội của các nhóm người dễ bị tổn thương thông qua phát triển du lịch tâm linh, đặc biệt đối với người dân bản địa, dân tộc thiểu số, phụ nữ, thanh niên và người tàn tật;
5. Hợp tác ở quy mô khu vực nhằm gìn giữ và trao đổi các quan niệm về con người thúc đẩy sự hòa hợp giữa thể chất, trí tuệ và tinh thần, từ đó đảm bảo sự tồn tại của các truyền thống của tổ tiên qua các thế hệ tương lai;
6. Ủng hộ các nỗ lực nhằm tạo điều kiện cho việc liên kết các điểm đến du lịch tâm linh giữa các thành viên Tổ chức Du lịch thế giới.
Thông qua tại Ninh Bình, CHXHCN Việt Nam, ngày 22 tháng 11 năm 2013
|