Chùa Bái Đính là địa điểm chính tổ chức các hoạt động của hội nghị. Cho đến thời điểm này Trung tâm hội nghị, nơi diễn ra các hoạt động chính trong 2 ngày đã hoàn thiện. Mọi công tác truyền thông, hậu cần, lễ tân, an ninh và giao thông đã sẵn sàng cho hội nghị.
Ninh Bình vinh dự được chọn làm địa điểm tổ chức hội nghị. Do đó, công tác chuẩn bị cho hội nghị được tỉnh Ninh Bình hết sức quan tâm. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Hội nghị quốc tế về “Du lịch tâm linh vì sự phát triển bền vững” Trần Hữu Bình cho biết: Đến nay, công tác chuẩn bị cho Hội nghị đã hoàn tất. Về hậu cần, tỉnh đã chỉ đạo doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường hoàn thành đúng tiến độ các công trình xây dựng tại chùa Bái Đính phục vụ tổ chức hội nghị; hoàn thiện các phương án đón, tiễn khách đưa, đón đại biểu trong thời gian hội nghị; bố trí khách sạn cho các đại biểu quốc tế và trong nước; chương trình nghệ thuật; chuẩn bị tốt phương án tổ chức triển lãm giới thiệu Du lịch Việt Nam, Du lịch Ninh Bình; phương án tổ chức giới thiệu sản phẩm làng nghề và nghệ nhân làng nghề; tổ chức tập huấn cho các tình nguyện viên và bố trí cho tình nguyện viên khảo sát các địa điểm phục vụ hội nghị và khách quốc tế. Ban Tổ chức cũng đã chỉ đạo triển khai in ấn các băng rôn, cờ phướn, bìa tài liệu... Các doanh nghiệp, địa phương, các bên liên quan cũng đã hoàn thành nhiệm vụ được giao đảm bảo hội nghị diễn ra thành công, an toàn và hiệu quả.
Đối với khu vực chùa Bái Đính, nơi diễn ra sự kiện, trong thời gian qua, tỉnh Ninh Bình đã có sự chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các ngành liên quan, các địa phương, doanh nghiệp có sự hỗ trợ tích cực không chỉ về cơ chế chính sách, điều kiện phát triển du lịch cho khu vực chùa Bái Đính mà còn liên tục mở những lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch cho các đối tượng hướng dẫn viên, bán hàng, xe ôm, chụp ảnh… Bắt đầu từ năm 2013, những người bán hàng lưu niệm đã được quy hoạch ra khu vực đỗ xe riêng, rộng 200ha, còn lái xe ôm cũng đã được tạo điều kiện tham gia lái xe điện chở du khách… Do đó, tình hình an ninh trật tự và môi trường du lịch tại khu vực chùa Bái Đính ngày càng tốt lên, được đông đảo du khách trong và ngoài nước ghi nhận.
Ngày 20/11, các đại biểu quốc tế sẽ được tham quan các điểm đến nổi tiếng của Ninh Bình như chùa Bái Đính, quần thể di tích danh thắng Tràng An và nhà thờ đá Phát Diệm. Các đại biểu quốc tế đã rất ấn tượng bởi vẻ đẹp của những nơi này:
Đại biểu quốc tế tham quan Bái Đính
Ông Jin Algie (Tạp chí Travel + Leisure, Thái Lan) chia sẻ: đây là lần đầu tiên tôi tới Việt Nam. Sau một hành trình dài tham quan chùa Bái Đính và danh thắng Tràng An, tôi thấy môi trường của khu vực Tràng An rất trong lành, làn nước trong xanh, điều này rất tốt cho việc phát triển du lịch sinh thái, các loại hình du lịch thiên về vận động, ngắm phong cảnh núi non, ngắm hang động. Tôi rất thích việc vừa ngắm nhìn thiên nhiên vừa xuyên qua những hang động với tên gọi khác nhau. Tôi thấy con người nơi đây rất thân thiện, cảnh quan thanh bình và rất sạch sẽ. Trong hệ thống chùa của Việt Nam, tôi mới chỉ tới Bái Đính, một ngôi chùa rất to và đẹp, tạo ấn tượng cho du khách bởi không gian phật giáo, mọi người đều thành tâm niệm phật.
|
Ông I Gede Ardika (nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Du lịch Indonesia chia sẻ: tôi thấy Tràng An là một điểm đến đẹp, hấp dẫn và yên bình. Tôi nghĩ chính quyền cần có thêm nhiều chính sách cởi mở hơn để thúc đẩy việc phát triển du lịch tâm linh. Trong hội nghị du lịch tâm linh được tổ chức lần này, tôi quan tâm nhiều đến vấn đề khai thác các sản phẩm du lịch tâm linh trong việc liên kết với các hoạt động khác gắn với du lịch như thiền tĩnh tâm, yoga và spa cùng các sản phẩm du lịch được tạo ra với sự sáng tạo và đức tin của con người. Theo tôi, Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động quảng bá các điểm du lịch tâm linh, giới thiệu cho du khách biết về điểm đến bằng những bản đồ, website và giới thiệu cho du khách những ngôi chùa nổi tiếng của Việt Nam.
Đánh giá của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), du lịch tâm linh là loại hình du lịch có nhiều tiềm năng phát triển, đặc biệt tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung và Việt Nam nói riêng. Việc giao lưu giữa con người với con người thông qua du lịch tâm linh sẽ góp phần tăng cường đối thoại, thúc đẩy mối quan hệ giữa các nền văn hóa. Với Ninh Bình, du lịch tâm linh là một loại hình du lịch mới nhưng có nhiều tiềm năng để phát triển. |
Thanh Hiền