Đất trời Hà Nội
Tôi yêu Hà Nội bằng một tình yêu kỳ lạ. Từ lúc nhận thức được lờ mờ những sự vật trên đời, tôi đã cảm thấy máu thịt mình quyện hòa cùng những con đường, tiếng rao trưa của gánh hàng bánh mì, tào phớ, đồng nát…, tiếng rao đêm của người tẩm quất rong, của anh xe chở bánh khúc, những con đường nhỏ xíu quanh co trong nội thành theo đường ray tàu điện dẫn lên tận chợ Đồng Xuân chen chúc người mua kẻ bán, những chợ tạm họp vội trên hè phố cùng những hồ nước xanh rợp bóng cây rủ ven vệ đường, rợp vàng lá rụng lúc độ thu về và nhức nhối tiếng ve ran giữa sáng hè. Tôi vẫn nhớ về một Hà Nội như thế hơn 20 năm trước. Ngày nay Hà Nội y như một cô gái mỗi ngày lại sắm thêm cho mình một phụ kiện xiêm y lộng lẫy. Cuối cùng khi gặp lại cô ấy, người xưa cũ nghe chừng bâng khuâng, ngơ ngác, tự hỏi lòng mình những nét quen thuộc xưa nay đâu. Người cứ dần già cỗi đi, còn thành phố ngày một trẻ lại. Nhưng vẫn còn đó Hà Nội.
Nhiều người nước ngoài nói với tôi rằng, điều mà họ ấn tượng nhất về Hà Nội là một không gian pha trộn đặc biệt không tồn tại ở bất cứ nổi nào khác trên thế giới. Thoạt đầu tôi hơi ngạc nhiên, sau ngẫm lại thấy đúng thật. Có ở nơi đâu người ta nhìn thấy những tòa nhà cao tầng tựa hồ chung cư Singapore, Hồng Kông, Hàn Quốc… mà bên dưới lại thảnh thơi dạo bước vài người bán hàng rong? Có ở nơi đâu ta đang đi trên con lộ lớn san sát những dãy đậu ô tô và quán cà phê, tiệm thời trang gắn kính, bất thần rẽ quặt vào một ngõ nhỏ đã lại thấy cổng đình làng rêu phong cùng thời gian? Có ở nơi đâu một đời sống đường phố nhộn nhịp như nơi này? Tất cả tạo nên một sức sống hết sức đáng yêu, đáng nhớ.
Cho dù Hà Nội nay đã khác xưa nhiều, kiến trúc khác, nhà cửa ngày càng cao vọi lên, hàng rào thêm một âm u; âm thanh cũng khác, không còn những “tiếng rao vang đâu đây nghe đọng trời đêm”, không còn tiếng chân ngựa, tiếng chuông tàu điện mà thay vào đó là tiếng thập thể dục sáng trong nhịp “Boom boom boom” của ban Vengaboys; tiếng “dzô trăm phần trăm” giữa trưa hè và tiếng còi xe của trăm nghìn loại động cơ ô tô, xe máy mỗi buổi tan tầm nhưng nét quyến rũ của Hà Nội vẫn còn nguyên đó. Hoa sữa vẫn tỏa hương; phượng vĩ, bằng lăng, hoàng điệp đua sắc đỏ, tím, vàng; liễu rủ làm xanh ngắt nước hồ. Không gian tĩnh lặng muôn năm cũ của những xóm Hạ Hồi, phố nhỏ Nguyễn Gia Thiều, Trần Quốc Toản… tạo nên sự độc đáo. Thành phố đang đổi thay từng giờ, đổi thay đến mức lâu ngày không đi đến góc phố ấy khi quay lại đã thấy cái nhà hàng quen thuộc biến mất để nhường chỗ cho một tiệm cắt tóc thời trang, lâu ngày thấy mọc lên một khu chung cư mới, một cầu vượt mới, một hầm đường bộ mới, nhưng hồn phố vẫn còn đó, đượm nồng trên những ô cửa để mỗi sớm mai vươn mình thức dậy, thấy mình vẫn đang ở đây, giữa đất trời Hà Nội.
Bốn mùa Hà Nội
Tôi rất ấn tượng một câu của đạo diễn Lê Hoàng khi nói về mùa đông Hà Nội, đại ý rằng ngày nay người ta có bất cứ thứ gì mình muốn mà chỉ cần ngồi một chỗ. Khi từ Sài Gòn ra Hà Nội ông hay ghé chợ Đồng Xuân mua chôm chôm, sầu riêng để làm quà cho người Hà Nội. Rồi khi từ Hà Nội vào Sài Gòn ông lại ghé chợ Bến Thành, Chợ Lớn mua ô mai, táo mận Hà Nội làm quà cho bạn Sài Gòn. Nhưng có một thứ mà ông chịu không mua nổi hay mang đi mang lại được là mùa đông Hà Nội... Cái lạnh nơi này lạ lắm, nó luồn lách, nó len lỏi đến tận tim phổi, làm buốt giá hơi thở vừa rời môi, nó luồn vào tận đồ đạc trong nhà mà làm tê lạnh cả ghế giường bàn tủ.
Tôi vẫn tuyệt đối cho rằng thời tiết tác động rất mạnh đến cảm xúc con người. Nhưng thời tiết Hà Nội thì khá thất thường, lẽ nào con người ở đây cũng thất thường như vậy? Không hẳn thế, nhưng có một điều biết đâu đúng, Hà Nội là cái nôi của nghệ thuật và sáng tạo, không chỉ vì nơi này là không gian ngàn năm văn hiến, mà có lẽ còn nhờ… thời tiết nữa. Thời tiết Hà Nội thay đổi theo mùa. Cảm xúc con người cứ thế mà thay đổi theo, vô tình thi ca, âm nhạc và hội họa cũng thấm đầy không gian như đã ủ sẵn xúc cảm trong hồn người. Chỉ riêng cơn mưa Hà Nội thôi đã rất lắm kiểu. Đôi khi mưa phùn rỉ rả những ngày xuân, mưa rào ào ạt nước giữa ngày hạ, mưa ngâu dai dẳng chen giữa những đợt thu về, mưa bóng mây lúc mưa lúc nắng, rồi có cả mưa giữa mùa đông - vừa ướt vừa lạnh đến tê người.
Mùa Hà Nội rất đặc trưng, nó kéo theo cả âm thanh, màu sắc, mùi vị vào thi ca. Có lẽ, ai cũng thích mùa thu. Nhưng thu Hà Nội ngắn ngủi lắm. Thực chất, thu là khúc giao mùa của đông và hạ, chỉ giao mùa thôi nên những cảm xúc quý giá cũng chỉ kéo dài đâu chừng vài tuần. Một sớm mai thức dậy, sau một đêm oi ả, ngột ngạt đến điên người, bỗng đâu thu nhẹ nhàng len về, mới đầu là những cơn gió hanh hao luồn qua cửa sổ, rồi đến những sợi nắng vàng trong óng trải đầy dãy phố. Mở cửa ban công thấy lá bắt đầu tàn úa, nhưng những khuôn mặt người xa lạ dường như nhẹ nhõm hơn. Người ta bỗng thấy yêu đời, yêu người hơn đêm trước.
Món ngon Hà Nội
Không cầu kỳ nhưng người Hà Nội tinh tế trong nghệ thuật chế biến và thưởng thức món ăn. Dù là những đồ ăn thức uống hàng ngày nhưng phải đúng kiểu, không pha tạp… Bước chân ra khỏi phố cổ Hà Nội, không dễ gì tìm được món bún ốc, bún riêu theo đúng nghĩa, món phở bò, bánh cuốn hương vị riêng mang lại niềm tự hào cho người Hà Nội… Chẳng ít người tâm sự rằng hễ cứ đi công tác đâu xa về đến nhà là họ “lao” ra hàng phở quen thuộc.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà Vũ Bằng khi xa Hà Nội có “Thương nhớ mười hai” bất hủ, rồi lại “Món ngon Hà Nội” mà người viết bài này lấy làm đề tựa.
Thật ra, địa phương nào cũng có những món đặc sản, tên tuổi món ăn đó gắn liền với địa danh và là niềm tự hào quê hương nhưng ngàn năm văn vật đất “kẻ chợ” đã chọn lọc được tinh hoa văn hóa ẩm thực từ các miền quê khác nhau đem về và thổi hồn vào món ăn đó làm nên món ngon Hà Nội.
Món ăn Hà Nội không chỉ là một thứ nghệ thuật mà còn gắn liền với những kỷ niệm ấu thơ của nhiều người. Còn nhớ 20 năm trước, chúng tôi thường rủ nhau ăn sáng ở một hàng bún riêu gần góc phố Yết Kiêu – Nguyễn Du. Hồi ấy, đó là một trong những món ăn rẻ tiền lại ngon, đương nhiên là địa chỉ quen thuộc cho bữa sáng. Nay bà hàng tóc đã bạc trắng, thỉnh thoảng gặp lại khách hàng trung thành giờ hầu không còn nét gì của đứa trẻ 12 tuổi nữa, bà vẫn kêu lên rằng “Cô không thay đổi gì mấy”. Nói về sự trung thành với hàng quán có lẽ chăng tôi vẫn thua cha tôi. Hồi còn nhỏ, thỉnh thoảng ông vẫn đưa tôi lên hàng nộm rong ở phố Hoàn Kiếm. Đây là con phố ngắn nhất Hà Nội, đã được đưa vào danh sách kỷ lục “phố ngắn”, nhưng chẳng cô gái Hà Nội nào mà lại không biết đến nó. Có khi họ đã quên tiệt tên phố Hoàn Kiếm mà gọi nó bằng “phố nộm”. Cha tôi kể rằng ông ăn nộm ở đây từ hồi 10 tuổi. Thuở ấy có ông lão đẩy xe hàng đứng bán nộm bò khô. Tiếng lạch cách của kéo cắt thịt bò là âm thanh đặc trưng cho biết hôm nay ông lão có đi làm hay không ngay khi người ta vừa mới rẽ qua phố Cầu Gỗ. Ông lão “cụ tổ” của “phố nộm” giờ chắc đã thành người thiên cổ. Nghề bán nộm ở phố Hoàn Kiếm là một nghề hái ra tiền. Người ta chen chúc nhau vì nộm, người ta giận dỗi nhau vì (đưa) nộm chậm, người ta phấn khởi hoặc cáu kỉnh cũng vì nộm. Nộm ngày nay không giống thời xưa, ngoài thịt bò khô còn có đẩy đủ cả xách bò, lá lách, chim quay, nem chua, bánh bột lọc nhân tôm… Bún riêu cũng không còn nguyên vẹn như thuở trước, nó nghễu nghện cả ốc to, ốc nhỏ trong đó, rồi thì là thịt bò tái, giò tai, đậu phụ rán, quẩy… Nhắc đến quẩy, 15 năm trước, phố Phan Bội Châu (góc Cửa Nam) đã từng là một “phố quẩy” chứ không phải phố giày dép hàng thùng như bây giờ. Cứ tối đến, nhất là những đêm trời lạnh, nam thanh nữ tú nườm nượp kéo đến những chiếc ghế nhựa ăn quẩy nóng. Người ta bán 100 đồng con một chiếc quẩy bé xíu, ăn kèm nước chấm pha ớt trộn dưa góp. Đấy là món tuyệt ngon, đặc biệt dành cho lũ học trò.
Ẩm thực là một trong những niềm đam mê vô tận của giới trẻ Hà thành. Cho dù giờ đây đã nhan nhản các thương hiệu KFC, Loteria, Pizza Hut, Pepperonis, Phở Vuông, Phở 24… trên đường phố Hà Nội, người Hà Nội (không hiểu sao) dù sang trọng hay bần hàn vẫn khoái chí ngồi chen chúc trên vỉa hè trong khói bụi, trong tiếng ầm ĩ của còi xe, tiếng càu nhàu của người bán hàng đông khách và giữa ánh mặt trời khô rang của mùa hạ, những cơn gió thốc tháo lạnh tê của mùa đông. Nhiều tên phố đã được “gắn” với các món ăn ở Hà Nội. Này nhé, ốc luộc Liễu Giai, Lương Văn Can; phở bò Lò Đúc, Bát Đàn, Tôn Đức Thắng; phở gà Mai Hắc Đễ, Đỗ Hành, Triệu Việt Vương; bún riêu Hòe Nhai, Phan Bội Châu, Thi Sách; bún chả Hàng Mành, Nguyễn Khuyến; bún ốc Mai Hắc Đế, Ô Quan Chưởng; bún thang Hàng Lược, Cầu Gỗ; phở cuốn Trúc Bạch; gà tần Tống Duy Tân… Thực ra, tôi cho rằng chỉ một phần ba những thương hiệu được nhắc tới là xứng tầm ẩm thực. Tuy nhiên, cho dù thế nào thì những thương hiệu của họ cũng đã gắn liền với tên phố, đến độ cứ nhắc đến Bát Đàn là người ta thấy thoang thoảng mùi thơm nức của phở bò, nhắc đến ngõ Phất Lộc đã như nhìn thấy những miếng đậu vàng ruộm trong món bún đậu mắm tôm.
Hà Nội giờ đây đã mở rộng, to lớn đến vô cùng. Người ta đi miết 40km trải dài cũng vẫn là… Hà Nội, trên các biển hiệu hàng quán khắp nơi xuất hiện dòng chữ “Cơm phở bình dân”.
Tôi viết bài này, dẫu sao, như để lưu giữ phần hồn của phố ngay cả khi tôi đã bay đến tận nơi chân trời góc bể. Và tôi vẫn thầm gọi “Hà Nội, ơi hồn phố”.
Di Li
(Tạp chí Du lịch)