Nguyên nhân của tái nghiện ma túy
Trên thực tế, thời gian qua việc tổ chức cai nghiện tại trung tâm, cộng đồng và gia đình lâu nay mới chỉ dừng ở giai đoạn cắt cơn, giải độc với thời gian từ 10 đến 15 ngày, ít quan tâm đến công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, giúp đỡ và giải quyết các vấn đề xã hội, y tế sau cai cắt cơn. Công tác này lâu nay còn mang tính hình thức nên hiệu quả công tác cai nghiện phục hồi chưa đạt kết quả như mong muốn, tỷ lệ tái nghiện còn rất cao. Nguyên nhân cơ bản của việc tái nghiện là:
Do một bộ phận nhân dân, trong đó có cả cán bộ nắm các cương vị chủ chốt của trung tâm, chính quyền địa phương chưa nhận thức đúng, đủ về nghiện ma túy và cai nghiện ma túy.
Chưa thực hiện đúng quy trình cai nghiện phục hồi.
Môi trường xã hội vẫn đang còn “ô nhiễm” ma túy quá nặng.
Cơ sở vật chất, kinh phí, công tác tổ chức, cán bộ làm công tác cai nghiện phục hồi còn bất cập so với yêu cầu nhiệm vụ.
Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng còn thiếu chặt chẽ, sự tham gia của các tổ chức xã hội, đoàn thể, gia đình còn hạn chế. Kỷ luật chưa nghiêm túc và triệt để cũng như khen thưởng chưa kịp thời theo quy định của pháp luật.
Do đó, khi NNMT đang cai nghiện ma túy mà quay lại sử dụng thì diễn biến nội tâm sẽ có các hình thức cảm giác tiêu cực về thể chất, cảm xúc bị thúc đẩy và cám dỗ, thôi thúc họ phải sử dụng lại ma túy.
Công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ và phòng chống tái nghiện tại trung tâm và cộng đồng
Để nâng cao chất lượng công tác cai nghiện phục hồi, phòng chống tái nghiện tốt ở trung tâm, cộng đồng cho NNMT cần phải thực hiện tốt công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ những vấn đề cụ thể sau:
Trước hết, phải nhận thức đúng bản chất của nghiện ma tuý và cai nghiện ma túy.
Cần có kế hoạch họp định kỳ hoặc bất thường với gia đình và đối tượng nhất là khi đối tượng đang trong tình trạng không ổn định... Đây là công việc hết sức quan trọng để tháo gỡ kịp thời giúp đối tượng phòng chống tái nghiện tốt. Gia đình có NNMT nên thường xuyên theo dõi, giám sát, cung cấp cho cán bộ những thông tin và diễn biến của đối tượng để xử lý kịp thời.
Chính quyền và những cán bộ được phân công giúp đỡ đối tượng nên có kế hoạch tổ chức thăm gia đình đối tượng để vừa tác động tâm lý vừa thể hiện sự gắn bó giữa đối tượng, gia đình đối tượng với cán bộ điều trị.
Một việc làm nữa cũng hết sức cần thiết, đó là luôn tổ chức xét nghiệm bất thường và làm đúng quy trình xét nghiệm phát hiện ma tuý trong nước tiểu sẽ có tác dụng răn đe, giáo dục rất tốt và đạt được nhiều mục đích điều trị nghiện.
Tổ chức lao động trị liệu, kiếm việc làm, hỗ trợ vay vốn nhằm sớm ổn định cuộc sống cho đối tượng. Có lao động mới giúp cho đối tượng biết quý sức lao động và sớm trưởng thành. Trong điều trị phục hồi, phải coi lao động là yếu tố rất quan trọng giúp đối tượng phục hồi nhanh chóng và nhận thức được vai trò của mình trong xã hội, trong gia đình.
Thực hiện các biện pháp chăm sóc phù hợp cho từng người nghiện để điều trị các rối loạn sinh lý, tâm lý, hướng dẫn người nghiện luyện tập, xông... kết hợp vật lý trị liệu để người nghiện nâng cao thể lực phục hồi sức khoẻ.
Tóm lại việc quản lý, giáo dục điều trị phục hồi, phòng chống tái nghiện cho đối tượng tại cộng đồng và gia đình là một công việc rất khó khăn và phức tạp. Vì vậy, chúng ta phải:
+ Đảm bảo đúng nguyên tác điều trị, mọi đối tượng phải tuân thủ nguyên tắc điều trị đó.
+ Kiểm tra, giám sát của cán bộ điều trị cùng với gia đình luôn nhắc nhở và kiểm tra việc thực hiện các hoạt động trong kế hoạch điều trị đã đề ra 24h/ ngày. NNMT phải có trách nhiệm cho cán bộ điều trị biết lịch của họ ra sao, dậy lúc nào, gặp ai, hoạt động lao động, vui chơi giải trí... như thế nào. Nếu nhìn vào lịch thấy đối tượng suốt ngày đi với bạn nghiện thì có thể khẳng định họ chưa từ bỏ được ma tuý, lúc đó cán bộ điều trị và gia đình cần đưa ra lịch yêu cầu tuân thủ nghiêm túc. Nếu đối tượng không đồng ý giám sát hành vi 24/24h thì cần phải có biện pháp xử lý nghiêm theo pháp luật đã quy định.
Các hoạt động quản lý, giúp đỡ và phòng chống tái nghiện thực hiện tại trung tâm, cộng đồng cần phải dựa theo nguyên tắc điều trị toàn diện mà trọng tâm là điều chỉnh hành vi, giải quyết những vấn đề tâm lý, lao động tạo việc làm trên nguyên tắc điều trị là: NNMT phải cùng với cán bộ điều trị và gia đình xây dựng kế hoạch điều trị của họ và họ phải thực hiện nghiêm túc kế hoạch đó. Mọi hoạt động trong kế hoạch điều trị do những người có trách nhiệm cùng giám sát và có biện pháp tháo gỡ kịp thời thì mới đạt kết quả. Trung tâm, chính quyền và các tổ chức đoàn thể, cán bộ điều trị, gia đình đưa ra những chủ trương, kế hoạch tổng thể, tư vấn, hỗ trợ cơ sở vật chất, tài chính để các hoạt động duy trì theo kế hoạch. Những người có trách nhiệm giám sát phải thường xuyên bổ sung vào kế hoạch điều trị thì việc thực hiện mới có hiệu quả.
Xuân Mai