|
Nhiều nội dung trong Luật Du lịch đã được quy định chi tiết và được triển khai thực hiện ngay; một số nội dung được giao cho Chính phủ quy định chi tiết trong Nghị định hoặc Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết trong Thông tư. Đến nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch về điều tra, đánh giá, phân loại tài nguyên du lịch; biện pháp bảo đảm an toàn cho khách du lịch đối với những sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch; điều kiện công nhận điểm du lịch, khu du lịch; ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành; cấp biển hiệu phương tiện vận tải khách du lịch; điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách du lịch của cơ sở lưu trú du lịch và nguồn hình thành Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch về người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành; nội dung bồi dưỡng, tổ chức thi, cấp chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch nội địa và nghiệp vụ điều hành du lịch quốc tế; trình tự, thủ tục thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành; tiêu chuẩn cấp biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch cho cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khác; tiêu chuẩn thành thạo ngoại ngữ; nội dung bồi dưỡng, tổ chức thi, cấp chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch; nội dung kiểm tra nghiệp vụ hướng dẫn du lịch tại điểm; khóa cập nhật kiến thức cho hướng dẫn viên du lịch nội địa và hướng dẫn viên du lịch quốc tế và các mẫu, biểu mẫu trong lĩnh vực du lịch. Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư quy định điều kiện của người điều khiển phương tiện, nhân viên phục vụ, trang thiết bị, chất lượng dịch vụ trên phương tiện vận tải khách du lịch. Bộ Tài chính ban hành Thông tư về lệ phí cấp thẻ hướng dẫn viên quốc tế, hướng dẫn viên nội địa, hướng dẫn viên tại điểm, cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa, phí thẩm định, xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch. Một số văn bản khác đang được xây dựng, hoàn thiện và dự kiến sẽ ban hành trong năm 2018, đó là Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết về quy hoạch du lịch để đảm bảo việc thống nhất áp dụng Luật Du lịch và Luật Quy hoạch vừa được Quốc hội khóa XII thông qua trong kỳ họp thứ IV; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thành lập quỹ hỗ trợ phát triển du lịch; Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực du lịch.
Bên cạnh đó, triển khai Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16 tháng 1 năm 2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong Nghị quyết 103/NQ-CP ngày 6 tháng 10 năm 2017 Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho các bộ xem xét, sửa đổi hoặc trình các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật, các chính sách liên quan đến du lịch nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho du lịch phát triển.
Cụ thể, Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách về tài chính, thuế và hải quan nhằm tạo điều kiện thúc đẩy phát triển du lịch; rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách tạo điều kiện thuận lợi hoàn thuế giá trị gia tăng cho khách du lịch; đề xuất chính sách phù hợp về thuế sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các dự án du lịch có hệ số sử dụng đất cho xây dựng thấp, hạn chế về chiều cao, dự án xây dựng ký túc xá, nhà ở cho người lao động du lịch tại những nơi được khuyến khích phát triển du lịch nhưng hạn chế về nguồn nhân lực.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ rà soát, bổ sung các chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ đầu tư tại các địa bàn trọng điểm, khu vực động lực phát triển du lịch; đề xuất cơ chế thu hút các nhà đầu tư chiến lược đầu tư hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, dự án dịch vụ du lịch quy mô lớn, các trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao tại các địa bàn trọng điểm.
Bộ Công an được giao nhiệm vụ ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các quy định về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam để tạo điều kiện thuận lợi và đơn giản cho khách du lịch quốc tế đến.
Bộ Nội vụ được giao nhiệm vụ xây dựng đề án về mô hình, hệ thống tổ chức, quản lý ngành Du lịch một cách đồng bộ, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trong tình hình mới.
Bộ Giao thông vận tải được giao nhiệm vụ xây dựng, rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, đường không, đường biển và đường thủy nội địa để hỗ trợ phát triển du lịch, nhất là tại các địa bàn trọng điểm.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội được giao xây dựng và ban hành bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia đối với các ngành nghề trong lĩnh vực du lịch.
Bên cạnh việc sửa đổi, hoàn thiện các văn bản pháp luật, các bộ, cơ quan ngang bộ còn được Chính phủ giao thực hiện nhiều nhiệm vụ, đề án, dự án khác tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho phát triển du lịch.
Như vậy, chúng ta có thể tin tưởng rằng, với sự vào cuộc của các bộ, ngành và sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ hệ thống chính sách về du lịch và các lĩnh vực liên quan đến du lịch sớm được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động du lịch, thực sự là đòn bẩy để đưa ngành Du lịch phát triển lên tầm cao mới trong những năm tới.
Nguyễn Thị Thanh Hương
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch
(Tạp chí Du lịch)