Tuy nhiên, so với quy mô lượng khách quốc tế đến các nước trong khu vực năm 2016 như Thái Lan (32,6 triệu), Malaysia (26,7 triệu) hay Singapore (16,5 triệu) và so với tiềm năng to lớn của đất nước con người Việt Nam cũng như kỳ vọng của toàn xã hội thì rõ ràng công tác quảng bá, xúc tiến du lịch vẫn còn nhiều điều đáng quan tâm giải quyết.
Nhằm phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì giải pháp đổi mới toàn diện, cơ cấu lại ngành Du lịch được chỉ rõ trong Nghị Quyết số 08/NQ-TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị. Mục tiêu phát triển đảm bảo tính chuyên nghiệp, hiện đại và bền vững theo quan điểm thị trường và hội nhập đặt ra yêu cầu nhiệm vụ đồng bộ đối với tất cả các lĩnh vực của ngành. Bắt đầu từ (i) cơ cấu lại thị trường du lịch làm tiền đề xác định (ii) cơ cấu sản phẩm du lịch và từ đó (iii) cơ cấu lại nguồn lực tương thích với (iv) cơ cấu quản lý và hỗ trợ phát triển. Nhiệm vụ quảng bá, xúc tiến du lịch cần phải đổi mới trước hết để thúc đẩy tiến trình cơ cấu lại ngành Du lịch.
Cơ cấu lại thị trường cầu - cung: Xuất phát từ tư duy tiếp cận theo hướng đáp ứng nhu cầu thị trường phải trả lời câu hỏi “khách muốn gì - khách được gì?” thay vì cho đến nay chúng ta mới dừng ở việc xem xét “khách từ đâu tới”, khách Âu hay Á, khách Nhật hay Pháp... Cơ cấu thị trường theo nhu cầu sẽ làm thay đổi toàn diện từ tư duy đến tầm nhìn và ứng xử của phía cung cấp dịch vụ du lịch (người dân, doanh nghiệp và điểm đến). Quan hệ cung đáp ứng cầu, cầu định hướng cung dẫn tới hệ quả nhu cầu thị trường quyết định quy mô và cơ cấu cung ứng sản phẩm du lịch. Nghiên cứu thị trường du lịch Việt Nam hiện nay có thể nhận diện những nhóm xu hướng nhu cầu du lịch nổi trội, đó là: nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo đẳng cấp cao; nhu cầu du lịch trải nghiệm, tận hưởng đặc sắc văn hoá Việt; nhu cầu du lịch khám phá sinh thái độc đáo vùng miền; nhu cầu du lịch giải trí, thể thao và gặp gỡ, giao thương (MICE).
Yêu cầu đặt ra nhiệm vụ quảng bá, xúc tiến du lịch phải đổi mới triệt để từ việc nghiên cứu xu hướng cho tới phân đoạn thị trường theo nhu cầu. Biết được khách muốn gì và khách sẽ được gì là tiền đề cho việc xác định đối tượng, nội dung, phương thức tiến hành, công cụ và kênh quảng bá xúc tiến du lịch. Thông điệp quảng bá phải rõ nét và nhằm thẳng vào từng nhóm nhu cầu, trước hết tập trung vào các nhóm xu hướng nổi trội như nêu trên.
Cơ cấu lại sản phẩm du lịch: Căn cứ nhu cầu thị trường theo từng phân đoạn khác nhau mà tiến hành cơ cấu hệ thống sản phẩm du lịch tương ứng (nhu cầu nào - sản phẩm đó). Cơ cấu sản phẩm du lịch được xác lập gồm sản phẩm chính liên kết với hàng loạt sản phẩm bổ trợ hình thành chuỗi giá trị cung ứng du lịch gắn liền với tuyến hành trình của khách. Sản phẩm chính tạo ra những giá trị cốt lõi mà từ đó hình thành động cơ du lịch, khách quyết định đi hay không đi, đi đến nơi này hay nơi kia. Sản phẩm bổ trợ tạo ra những giá trị đa dạng cho chuyến đi trọn vẹn, khi đó khách quyết định sử dụng ít hay nhiều dịch vụ và lưu lại lâu hay ngắn trong chuyến hành trình. Tổ hợp sản phẩm chính và sản phẩm bổ trợ tạo nên những hình thái đặc trưng, sự khác biệt và sức cạnh tranh cho sản phẩm du lịch bao trùm. Từ những xu hướng nhu cầu du lịch nổi trội nêu trên có thể cơ cấu các dòng sản phẩm chủ đạo, đó là: (1) du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo, (2) du lịch văn hóa, (3) du lịch sinh thái và (4) du lịch giải trí, thể thao và MICE. Cơ cấu sản phẩm theo mức độ ưu tiên dựa trên sự gặp nhau giữa nhu cầu thị trường và khả năng đáp ứng. Mỗi dạng thức kết hợp giữa sản phẩm chính và bổ trợ lại cho ra đời những thế hệ sản phẩm mới mà ở đó thể hiện sự sáng tạo thích ứng theo sự thay đổi của nhu cầu thị trường. Cơ cấu sản phẩm du lịch mới đặt ra yêu cầu nhiệm vụ đối với quảng bá, xúc tiến du lịch đưa nội dung thông tin sản phẩm du lịch đến đúng thị trường; phản ánh chân thực chuỗi giá trị của sản phẩm du lịch. Muốn vậy, quảng bá xúc tiến du lịch phải coi trọng khảo sát tuyến hành trình thực tế và xây dựng, số hóa cơ sở dữ liệu sản phẩm du lịch.
Cơ cấu lại nguồn lực: tài nguyên, vốn, nhân lực được doanh nghiệp sử dụng là những yếu tố nguồn lực trực tiếp tạo ra sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu thị trường. Yêu cầu đặt ra trong cơ cấu sản phẩm du lịch phải dựa trên sự kết hợp tối ưu nhất, tiết kiệm nhất, bền vững nhất những yếu tố đầu vào. Yêu cầu đặt ra đối với quảng bá phải làm thăng hoa giá trị của tài nguyên du lịch; xúc tiến thu hút vốn đầu tư từ nhiều nguồn, trong đó nâng tỷ trọng nguồn vốn từ khu vực tư nhân và FDI; phát triển nguồn nhân lực theo hướng chuyên nghiệp, đặc biệt nhân lực làm xúc tiến quảng bá du lịch đòi hỏi ngày càng cao. Cơ cấu lại nguồn lực theo tiêu chí đánh giá cuối cùng là hiệu quả trong sử dụng nguồn lực quảng bá xúc tiến du lịch được thể hiện bằng giá trị gia tăng mang lại của chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch.
Cơ cấu lại hệ thống quản lý và hỗ trợ phát triển: bao gồm vai trò và quan hệ quản lý giữa trung ương và địa phương, cơ quan xúc tiến thị trường, điều phối liên kết vùng - miền, vai trò của truyền thông, nghiên cứu, tư vấn, đào tạo, chuyển giao. Nhiệm vụ quảng bá xúc tiến du lịch đòi hỏi phải có cơ quan xúc tiến du lịch quốc gia đủ năng lực, phát huy tốt vai trò đắc lực của các công cụ truyền thông và ứng dụng công nghệ cao trong quảng bá, xúc tiến du lịch.
Hà Văn Siêu
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch
(Tạp chí Du lịch)