Giữa trập trùng sơn hệ đá vôi…
Hiếm có được nơi nào trên dải đất miền Trung có được dạng địa hình kỳ thú như Quảng Bình với khoảng cách giữa Đông và Tây, giữa biển và núi cực ngắn, ngắn đến mức tưởng chừng như không có, nếu không có sự hiện hữu của những nếp nhà đất, nhà sàn, nhà nửa sàn nửa đất rải rác dọc đường đi. Những mái nhà, thoạt trông, đã bao chứa trong nó đầy đủ nếp nghĩ, tính cách, cũng như cách ứng xử với môi trường tự nhiên của từng nhóm tộc người cụ thể.
Karst - dạng địa hình chiếm lĩnh trên vùng đất miền Tây đã tạo nên nhiều dấu ấn. Sự cắt xẻ mạnh của địa hình lẫn sự bào mòn của những dòng chảy ngầm trong điều kiện khí hậu nóng ẩm đã tạo nên nhiều hang động kỳ vĩ. Đây đó giữa những thung nhỏ hẹp, những rục nước xanh ngắt ghi dấu điểm lộ thiên của những dòng chảy ngầm, và rồi, cũng chính từ những rục nước này, bức tranh dân cư miền Tây Quảng Bình đã dần được phác họa, khi cuộc sống, biểu hiện của cộng đồng cư dân, vốn chỉ diễn ra quanh nguồn nước.
Karst - dạng địa hình bao chứa nhiều hiểm trở, vô hình trung đã khiến vùng đất này trở nên huyền bí trong suốt nhiều giai đoạn lịch sử, để rồi trên những bản đồ thời quân chủ, những khu vực như man, động, sách, nguồn… được đánh dấu một cách sơ lược và thiếu hẳn những thông tin cụ thể. Dù vậy, từ rất sớm, vùng đất này đã tỏ rõ vị thế của mình trong những mối quan hệ mang tính bang giao giữa hai quốc gia Lào - Việt bằng tuyến đường Mạ Hả Xay - Xê Băng Phay - đèo Mu za (Mụ Dạ) nối liền Trung Lào với Quảng Bình. Tuyến đường mà nhiều sử liệu gọi là “Con đường Sứ” - con đường từng được nhiều sứ bộ Man thuộc hay Phiên thuộc sử dụng để triều kiến triều đình nhà Nguyễn ở Huế, mà hiện nay, ít nhiều hiện vật hay văn bản lưu dấu mối quan hệ này vẫn còn hiện hữu.
Vùng đất phía Tây là nơi bao chứa nhiều nguồn lợi thổ sản, lâm sản. Có thể, sản vật từ rừng từng là một trong những nguồn lợi chủ yếu để làm nên sự phồn thịnh của nhiều tiểu quốc Champa trên vùng đất này trong quá khứ, khi những ngôi tháp nung hoành tráng lẫn nhiều dạng tượng Phật bằng vàng đã được phát hiện ở Quảng Bình trong lịch sử. Từ quá khứ, nhiều tuyến đường đã được mở ra trong sự kết nối với miền biển phía Đông giàu cá muối, một mạng lưới trao đổi, buôn bán.
… những bản làng người thiểu số
Sinh tụ giữa đại ngàn Trường Sơn, giữa vùng sơn hệ đá vôi hiểm trở, các nhóm tộc người thiểu số miền Tây Quảng Bình đã định hình thành một nếp ứng xử rất riêng, rất đặc thù và cũng rất khéo léo với tự nhiên đầy thách thức.
Bên cạnh nhóm Bru Trì - Khùa - Ma coong ở khu vực phía Nam, cư dân chủ thể của miền núi Quảng Bình vẫn là Chứt với năm nhóm tộc người Sách, Mày, Rục, A rem, Mã Liềng mang trên mình hành trang văn hóa đặc thù. Có thể nói, giữa một bức tranh thiên nhiên kỳ vĩ, các tộc người này đã khảm lên trên đó những đốm da báo đầy sinh động và cũng đầy ắp tính nhân văn. Đây đó, chúng ta có thể bắt gặp lễ cúng rục nước, lễ cúng ma rừng, cúng Giàng…, những dạng thức ma thuật chữa bệnh đậm chất huyền bí bằng ống ràng Klô ống… của các nhóm tộc người Chứt; hay lễ hội đập trống cầu mùa rộn rã của người Ma coong; cùng lúc, cũng có thể thưởng thức rượu Đoác, món Pồi làm từ ngô, bột Nhúc, Nghèn… hoặc món canh rau rừng đầy lạ lẫm.
Không như những nhóm tộc người khác trong cùng ngữ hệ, người Rục được phát hiện vào cuối thập niên 50 của thế kỷ trước. Giữa hệ sinh cảnh đá vôi, nhóm tộc người này đã sống cuộc sống du cư trên những thung hẹp giữa núi, những nơi mà loài Nhúc luôn mọc xanh tốt và cư trú trong những lèn đá hoặc hang sâu. Nhúc - một giống cây thuộc họ Cọ, ngoài việc là nguồn lương thực chính sau một công đoạn đốn, ngâm, giã và lọc ở bên suối để thu được thứ bột màu trắng hồng, nó còn cho họ “thức uống của thần thánh” - rượu Đoác, thứ nước chiếc xuất từ bọng cây và ủ với vỏ cây rừng. Kể từ khi được phát hiện đến nay, người Rục đã dần hòa nhịp vào cuộc sống định canh định cư, nhưng lưu dấu của đời sống nguyên thủy vẫn còn hiển hiện trên nhiều khía cạnh.
Người Mày và người Mã Liềng là hai nhóm tộc người luôn xác định, lựa chọn và phân lập nơi cư trú của mình ở vào đầu nguồn nước. Nếu như có một bản làng nào đó hình thành ở chỗ nguồn nước cao hơn điểm tụ cư hiện tại của người Mày, dường như ngay lập tức, họ sẽ di chuyển bản làng của họ lên vị trí cao hơn, tất nhiên, song hành với việc làm này là một hệ thống lễ nghi khá phức tạp nhằm ứng xử với Giàng, với thần linh. Hình ảnh hiện nay có thể nhìn thấy ở nhóm tộc người này là những ngôi nhà sàn chen chúc trên sườn dốc, được dựng trên những cây cột khá cao để tránh thú dữ và mái lợp lá tro kéo dài đến gần phủ sàn nhằm che mưa nắng.
Có người bảo rằng “người là hoa của đất”, chưa nơi nào câu nói ấy được nhắc đến đầy ý nghĩa như ở miền Tây Quảng Bình này, đồng bào các dân tộc thiểu số ở đây là những đóa hoa trên đá núi! Có thể coi nơi đây như một bảo tàng dân tộc học phong phú, qua đó thấy được những giai đoạn phát triển của xã hội loài người. Nơi đây là một không gian thú vị cho những cuộc trải nghiệm giữa khu vực rừng nguyên sinh Kẻ Bàng, hang động kỳ thú khu vực Phong Nha và văn hóa của các nhóm tộc người Chứt… dẫu còn nhiều khó khăn, trắc trở trên con đường phát triển nhưng những đóa hoa vẫn bừng nở trên đá núi.
Bài và ảnh: Nguyễn Phước Bảo Đàn
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)