(VTR) - Mỗi năm, vào cữ trời ngả sang thu, tôi thường ra chợ quê kiếm chút trám bùi về ngâm nước mắm ngon để dùng dần những ngày sau đó. Cái món trám này tôi mê đã lâu. Hương vị trám thật lạ, vừa bùi vừa ngọt thanh, để lại dư vị tan trên đầu lưỡi. Ăn nhiều trám đâm nghiện, lâu lâu không ăn thấy thèm, thấy nhớ.
Trám bổ đôi ngâm trong nước sạch cho đỡ chát rồi kho cá, thêm chút thịt ba chỉ, tương Bần nữa, “cá gạ cơm ngay”. Vị bùi của trám quyện với vị đậm của cá, của tương qua lửa, ai đã thưởng thức một lần trong đời là không thể nào quên. Nồi cá trám vùi trong lửa trấu qua đêm thì tôi dám “tuyên bố” với bàn dân thiên hạ rằng chẳng có thứ thức ăn nào ngon bằng! Còn nữa, trám đen mua về rửa sạch, đổ chút nước ấm cho mềm ra, chấm với muối vừng, nhâm nhi chút rượu quê…
Trám dường như chỉ có ở chợ quê. Ở chốn thị thành, nhiều lúc cứ lơ ngơ đi các chợ đến rạc cả chân cũng không thấy trám. Chẳng lẽ bây giờ họ quen với các thứ “ăn nhanh” cho phù hợp với nhịp sống đô thị rồi chăng?
Tôi vốn mê trám, nhưng tôi biết có một ông nhà văn mê trám còn gấp bội lần tôi. Cứ đến mùa trám, ông mua hàng mươi cân chuyển lên ô tô và nhắn người mua thứ nước mắm Phú Quốc thật ngon về ngâm trám. Ông bảo tôi: “Tớ biết cậu mê trám, lúc nào nhớ cứ đến tớ, ăn đỡ nhớ”.
Ông nói thêm: Cái quả trám ấy lạ lắm, nó là thứ quả cổ nhất đấy. Chẳng thế mà các cụ gọi là cổ lãm. Tôi chỉ biết phục sức đọc và nhớ, không bàn luận gì nhiều, mê trám đến mức tìm hiểu cả về nguồn gốc, lai lịch của thứ quả ấy thì sức mê của ông đã đạt đến mức siêu rồi còn gì!
Ngoài trời vẫn lắc thắc mưa. Có lẽ sắp vào cữ ngâu. Đĩa trám đen trước mặt tôi đã vơi đi quá nửa. Và chén rượu quê làng Vân – thứ rượu đặc sản thung lũng sông Cầu cũng đã cạ từ lâu. Lại lan man nhớ. Những dãy trám xanh rì hiện ra, chùm quả đung đưa trước gió. Mùa này cò về nhiều. Những cánh bay chấp chới trong hoàng hôn đỏ rực… Chợt khe khẽ ngâm câu thơ của một nhà thơ đã quá cố: Trám bùi để rụng, măng mai để già (Tố Hữu).
Nguyễn Thanh Kim
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)