Rau rừng về phố...
Rau rừng từ món canh chua gà nấu lá giang
Ở Sài gòn, hầu như mọi người đều từng nếm qua món canh chua gà nấu lá giang nhưng ít ai biết loại lá có vị chua rất riêng này là một loại rau rừng mọc rất nhiều trên các vùng rừng núi thuộc miền Đông và Tây Nam Bộ, thường được người Kh’mer khu vực Tri Tôn Bảy Núi dùng nấu canh gà hoặc xào cùng thịt trâu, bò làm thành bữa ăn chính trong những ngày hội đua bò rộn rã.
Dần dà, lá giang đi vào tâm trí cư dân Sài Gòn từ món canh chua thịt gà giản đơn dễ nấu nhưng có hương vị tuyệt ngon. Khi thời tiết chuyển sang nắng hè gay gắt, chỉ cần một nồi lẩu gà nấu lá giang ngào ngạt thơm ngon bốc khói, mở nắp nồi lẩu sôi bùng bùng, thả thêm lá giang vào nồi cùng vài lát ớt màu đỏ… Món này ăn với bún cùng nước mắm mặn là đủ vị. Không hẹn, mọi người đều nhanh tay chan gắp rồi cùng thưởng thức.
Bánh tráng phơi sương cuốn rau rừng, thịt luộc
Món bánh tráng phơi sương Trảng Bàng cuốn thịt luộc được xem là đặc sản có công đầu tiên trong việc du nhập các loại rau rừng vào thành thị. Ngay từ buổi đầu ra mắt, hình ảnh đĩa thịt heo, bò luộc được xắt mỏng tang đi kèm những miếng bánh tráng màu trắng đục, dai mềm với mâm rau rừng (lá cóc, trâm ổi, lá nhái, lá lụa, đọt vừng, đọt kim cang, đọt lá xộp, quế vị, đọt bứa, rau câu), kèm theo đó là các loại rau thơm trong vườn (húng lủi, cần nước, tía tô, diếp cá, hẹ, ngò, rau vị) đã khiến thực khách thòm thèm.
Khi ăn, mọi người nhẩn nha ngắt, chọn rau, mỗi loại một vài lá đặt vào tấm bánh tráng, tiếp tục thêm thịt heo luộc rồi cuốn thành gỏi cầm tay, thật nhẹ nhàng ung dung, cứ thế chấm nước mắm chua ngọt cho vào miệng. Ngay lập tức, hương vị từ những đọt rau rừng chua, the, chát hòa trong mùi hương xá xị, quyện với nước chấm lan tỏa trong vòm miệng. Khi vừa trình làng, món ăn này đã được nhiều người ưa chuộng.
Hiện nay, bánh tráng phơi sương Trảng Bàng đã lọt vào danh sách 10 món ăn được yêu thích của thực khách Sài Gòn. Trong đó, các loại rau rừng Tây Ninh đã góp công không nhỏ làm nên một món ngon lạ miệng.
Còn nữa… rau rừng
Chiến khu Đ tại khu vực rừng Mã Đà – Đồng Nai còn nổi danh với các loại rau lạc tiên, bìm bịp, lá bướm, khổ qua rừng và chùm bao với vị ngon hấp dẫn.
Rau rừng Đồng Nai thường được các ngư dân khu vực hồ Trị An dùng để nấu canh với tôm, thịt băm nhỏ hoặc ăn cùng với lẩu. Hiện nay, người dân còn dùng rau rừng cuốn với tép mòng rang cháy ăn khá ngon và lạ miệng. Đặc biệt, món cá rễ tre um cuốn rau rừng chấm mắm chua được xem là món ăn quý của người dân tộc. Ai được mời món này là được người dân tộc xem như anh em một nhà.
Riêng tại khu vực rừng Bình Phước, Lâm Đồng,… những người dân tộc, Stiêng, Mạ, Chơ Ro lại chuộng dùng các món rau rừng như lá bép, lá nhíp nấu suông ăn vì hai loại rau này có vị ngọt thơm... Những người già ở vùng Đông Nam Bộ tin rằng những lá bìm bịp được chim mẹ cắn đem về để đắp cho chim con khi chúng bị gãy chân, chỉ một thời gian sau chim con sẽ lành xương. Vì vậy, rau bìm bịp rất được ưa chuộng vì ngoài tính năng giúp xương chắc khỏe, còn được dùng để chữa bệnh gút.
Người dân Tây Nguyên chuộng các loại rau rừng Gia Lai, rau bằng lăng tím Pleiku, khổ qua, rau dớn rừng bởi chúng có mùi vị đặc trưng, giòn, ngọt và sạch. Khi hội ngộ cùng người dân thành phố, các loại rau Tây Nguyên rất thích hợp cho các món xào như: xào tỏi, xào thịt bò, nhúng lẩu…
Và, rau rừng đã về rất nhiều thành phố, dần dần trở thành món ăn đặc sản được mọi người biết đến.
Dương Thủy
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)