Phát biểu chào mừng Hội nghị, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Toàn bày tỏ sự vui mừng phấn khởi khi các hoạt động du lịch trên cả nước (trong đó có tỉnh Hòa Bình) đang sôi động trở lại, góp phần giảm bớt những khó khăn cho các doanh nghiệp du lịch dịch vụ bởi ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong 2 năm qua.
“Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng linh hoạt, kiểm soát an toàn, và quyết định mở cửa du lịch hoàn toàn từ 15/3 là những chỉ đạo quan trọng, kịp thời, tạo động lực cho các doanh nghiệp. Từ quý 3/2021, Hòa Bình đã tập trung bàn thảo, xây dựng kế hoạch kích cầu du lịch và sự kiện hôm nay nối tiếp chuỗi hoạt động đó, tạo thuận lợi để doanh nghiệp triển khai đón khách, thúc đẩy các hoạt động du lịch trên địa bàn”, ông Toàn nói.
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hòa Bình cho hay, năm 2021, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn,nhưng bằng sự nỗ lực, nguồn thu địa phương đạt 5615 tỷ, tăng so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao; trong đó, có sự đóng góp của du lịch dịch vụ với lượng khách đạt trên 1 triệu lượt.
Năm 2022, Hòa Bình sẽ triển khai nhiều hoạt động, như phiên chợ vùng cao, mùa hè xanh, giải xe đạp mở rộng, đăng cai nội dung thi đấu đua xe đạp tại Seagames 31, đây sẽ là cơ hội để quảng bá rộng rãi hình ảnh du lịch Hòa Bình tới du khách trong nước và quốc tế.
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh đề nghị các doanh nghiệp với tinh thần chu đáo, thân thiện, chuẩn bị kỹ, cam kết và thực hiện đúng cam kết để phục vụ du khách một cách tốt nhất.
Thông điệp “Hòa Bình, điểm đến an toàn, trải nghiệm trọn vẹn” đưa ra thì thực hiện phải chu đáo, an toàn, trong các lĩnh vực, từ giao thông, thực phẩm… để kích cầu du lịch địa phương và hoàn thành mục tiêu Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, ông Toàn nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh cũng lưu ý các doanh nghiệp về địa chỉ “hết sức mới” của Hòa Bình là Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam, nơi có hồ sơ của 2000 nhà Khoa học Việt Nam tiêu biểu, hiện đã có 12 giáo trình trải nghiệm kỹ năng sống từ lớp 1 đến lớp 12 với không gian phù hợp, vừa sinh thái, văn hóa, giáo dục… sẽ là địa chỉ đỏ cho du lịch trải nghiệm giáo dục.
Giám đốc Sở VHTTDL Bùi Thị Niềm cho biết, 3 tháng đầu năm 2022 Hòa Bình đã đón 900.000 lượt khách, doanh thu du lịch đạt 950 tỷ. Năm 2022, tỉnh đặt mục tiêu thu hút 2,5 triệu lượt khách du lịch, tổng thu du lịch đạt 2.400 tỷ.
Năm 2022, Hòa Bình sẽ tổ chức hàng loạt sự kiện, kích cầu với chuỗi các sự kiện, là cơ hội để doanh nghiệp đón khách tham quan đến trải nghiệm.
Ông Vũ Duy Bổng, Phó Chủ tịch HHDL Hòa Bình bày tỏ mong muốn tỉnh tiếp tục có các sự kiện để thu hút khách. Ông đề nghị các doanh nghiệp hội viên tích cực hưởng ứng với các chính sách ưu đãi nhất với doanh nghiệp đối tác để đưa khách đến được hưởng trọn vẹn nhất.
Phó Chủ tịch CLB lữ hành UNESCO Hà Nội, ông Trần Tuấn Anh cho rằng, hội nghị được tổ chức đúng thời điềm, để các doanh nghiệp có thể triển khai tour, đáp ứng nhu cầu du khách. Theo ông Tuấn, Hòa Bình có điều kiện giao thông thuận tiện, có tiềm năng lớn, nên nhiều năm qua được các doanh nghiệp lữ hành lựa chọn đưa khách đến nhiều, thời gian tới UNESCO sẽ tiếp tục đồng hành với Hòa Bình kết nối, xúc tiến quảng bá sản phẩm, tham mưu các cơ quan về làm mới sản phẩm du lịch…
Tại Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Lê Phúc đánh giá cao sự quan tâm, chỉ đạo của tỉnh Hòa Bình đối với các hoạt động du lịch của tỉnh trong thời gian qua và sự chủ động của Sở VHTTDL tỉnh Hòa Bình trong việc tổ chức Hội nghị kích cầu du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2022, mở lại các hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới.
“Du lịch Hòa Bình đã thể hiện sự chủ động vượt khó ngay cả trong giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và có kết quả tích cực trong năm 2021, đón được hơn 1,4 triệu lượt khách. Đây là những tín hiệu đầy lạc quan về triển vọng phục hồi mạnh mẽ của ngành Du lịch Hòa Bình nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung trong năm 2022, tạo tiền đề để bứt phá trong những năm tiếp theo”, ông Phúc nói và đề nghị địa phương, doanh nghiệp cần quan tâm đến một số vấn đề sau: Thứ nhất, đảm bảo điều kiện an toàn phòng, chống dịch theo quy định của Chính phủ. Thứ hai, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của du lịch Hòa Bình. Bên cạnh các giải pháp kích cầu, du lịch Hòa Bình cần duy trì tốt hệ thống dịch vụ, nâng cấp cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, nguồn nhân lực; đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới phù hợp với nhu cầu của khách du lịch, đặc biệt là đáp ứng thị hiếu của du khách hậu COVID-19. Thứ ba, Có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch, các đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch trên địa bàn vượt qua khó khăn, kịp thời khôi phục các hoạt động kinh doanh phục vụ khách du lịch… Thứ tư, phát huy hiệu quả liên kết phát triển du lịch với các địa phương khác; kêu gọi liên minh, liên kết giữa các doanh nghiệp; phối hợp với Tổng cục Du lịch và các địa phương đẩy mạnh hoạt động xúc tiến quảng bá tập trung vào các thị trường mục tiêu trong và ngoài nước. Thứ năm, ưu tiên đầu tư phát triển đối với lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích khởi nghiệp du lịch, tạo điều kiện kinh doanh du lịch thuận lợi để đẩy nhanh tốc độ phục hồi lượng khách du lịch ngay trong năm 2022 và những năm tiếp theo. Thứ sáu, tăng cường chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, kinh doanh du lịch, ứng dụng công nghệ thông minh, phát triển điểm đến thông minh, thúc đẩy quảng bá, xúc tiến trên các nên tảng số...
Phó Tổng cục trưởng mong muốn các doanh nghiệp lữ hành, du lịch được kết nối sẽ giao lưu, hợp tác, ký kết nhiều hợp đồng kinh doanh và triển khai mạnh mẽ các gói sản phẩm kích cầu của Hòa Bình; đồng thời, đưa ra các dịch vụ, sản phẩm mới lạ, hấp dẫn thu hút lượng lớn du khách nội địa và quốc tế trong thời gian tới.
“Với những nỗ lực và hành động mạnh mẽ của tỉnh Hòa Bình, với sự đồng tâm, hiệp lực của các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp du lịch, chúng tôi tin tưởng Hòa Bình sẽ đạt được mục tiêu đón được 2,5 triệu lượt khách trong năm 2022.
Đề nghị Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ tiếp tục tạo điều kiện, ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trên địa bàn, chỉ đạo các sở, ban, ngành phối hợp chặt chẽ với ngành Du lịch tạo thuận lợi cho du lịch Hòa Bình sớm phục hồi và phát triển trong thời gian tới”, Phó Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Lê Phúc bày tỏ.
Tại Hội nghị, các đơn vị gồm: Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam; SoJo Hotel (Khách sạn không điểm chạm đầu tiên tại Việt Nam vừa khánh thành); Khách sạn Sakura; Mai Châu Hideaway đã công bố và cam kết giảm giá gói kích cầu từ 15-40%... các dịch vụ, cam kết giảm giá nhưng không giảm chất lượng, dịch vụ, khẳng định thực hiện thông điệp “Hòa Bình, điểm đến an toàn, trải nghiệm trọn vẹn”.
|
Việt Hùng