Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt cho biết, trong 2 năm qua đại dịch COVID-19 đã khiến hoạt động du lịch Việt Nam nói riêng, du lịch thế giới nói chung bị tổn hại nặng nề, kéo theo sự sụt giảm của các lĩnh vực liên quan. Từ tháng 10/2021, Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" đã tạo cơ hội cho sự phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội, trong đó có du lịch. Từ ngày 15/3/2022, Việt Nam đã mở lại hoạt động du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho Du lịch Việt Nam phục hồi và phát triển trong thời gian tới. Theo dự báo của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), ngành Du lịch toàn cầu sẽ cần từ 3 - 4 năm để có thể phục hồi hoạt động như năm 2019. Trong bối cảnh đó, Du lịch Việt Nam cần đưa ra được những định hướng đúng đắn, đồng thời triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp về cơ chế chính sách, đầu tư, xây dựng sản phẩm, nghiên cứu thị trường, huy động nguồn lực, phát triển nguồn nhân lực... để có thể nhanh chóng phục hồi.
Diễn đàn Du lịch Việt Nam năm 2022 được chia thành 2 phiên. Phiên 1 với chủ đề “Phục hồi Du lịch Việt Nam - Định hướng mới” tập trung bàn về các vấn đề: Xu thế của du lịch toàn cầu và các định hướng cơ bản của Chương trình khôi phục và phát triển Du lịch Việt Nam; Một số nội dung của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến ngành Du lịch; Cơ chế chính sách ưu đãi về tài chính và thuế khích lệ doanh nghiệp du lịch vượt khó, phục hồi và phát triển; Phục hồi Du lịch Việt Nam - Từ chính sách đến thực tiễn.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh, trước bối cảnh cạnh tranh toàn cầu và khu vực gay gắt cũng như các xu hướng phát triển của du lịch thế giới hiện nay, Tổng cục Du lịch xác định việc phục hồi và phát triển du lịch cần được triển khai một cách quyết liệt, đồng bộ và nhanh chóng, nhất là trong việc thu hút khách du lịch quốc tế quay trở lại. Bên cạnh đó, Du lịch Việt Nam cần phải thích ứng với các nhu cầu, xu hướng du lịch mới trong khu vực và trên thế giới. Trong bối cảnh các nguồn lực còn khó khăn, việc phục hồi và phát triển du lịch vừa phải đảm bảo an toàn vừa đòi hỏi đảm bảo hiệu quả về mặt kinh tế, tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, mang lại giá trị gia tăng cao hơn so với trước đại dịch. Cùng với đó, cần không ngừng đổi mới tư duy, sáng tạo, đổi mới cách làm trong việc tiếp cận thị trường và phát triển sản phẩm du lịch; đầu tư mạnh vào công nghệ trong phát triển du lịch.
Sau khi đưa ra một số định hướng phục hồi và phát triển du lịch liên quan đến thị trường, sản phẩm, xúc tiến quảng bá du lịch, chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực du lịch, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh: “Để các định hướng trên có thể triển khai hiệu quả trong thực tế, bên cạnh các nguồn lực hỗ trợ từ Chính phủ từ Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, trong đó có du lịch đã được Quốc hội thông qua, cũng như việc đưa Quỹ Hỗ trợ Phát triển Du lịch vào hoạt động chính thức, các địa phương, doanh nghiệp cần tiếp tục chủ động xây dựng kế hoạch phục hồi và phát triển du lịch phù hợp với các định hướng, chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để Du lịch Việt Nam có thể nhanh chóng phục hồi và phát triển bền vững trong thời gian tới”.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình khẳng định, đại dịch COVID -19 với mức độ nguy hiểm chưa từng thấy đã để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng. Do vậy, khôi phục nhanh ngành Du lịch không chỉ là nhu cầu cấp bách của hơn 40.000 doanh nghiệp và trên 2 triệu lao động du lịch, mà còn là nhu cầu cấp bách của hàng triệu người dân và hàng chục ngàn cơ sở dịch vụ trong nước sống dựa vào ngành Du lịch… Để khôi phục và phát triển ngành Du lịch sau đại dịch COVID-19 không thể áp dụng những phương thức thông thường; cần phải xây dựng và triển khai một chương trình tổng thể, đòi hỏi sự thống nhất hành động của các cấp, các ngành, các địa phương và thậm chí cả các quốc gia.
Tại Phiên II mang chủ đề “Phục hồi Du lịch Việt Nam - Hành động mới”, các diễn giả và đại biểu đã đưa ra các giải pháp, hành động cần triển khai thực hiện trong thời gian tới nhằm phục hồi và phát triển du lịch. Đa số các ý kiến đều nhất trí rằng, trong điều kiện bình thường mới hiện nay, cần quan tâm đẩy mạnh nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm du lịch, tăng cường quảng bá xúc tiến du lịch, đào tạo và thu hút nguồn nhân lực du lịch, tăng cường chuyển đổi số trong hoạt động quản lý và kinh doanh du lịch… Đặc biệt, nhiều ý kiến nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc gia hạn thời gian và mở rộng đối tượng miễn thị thực, tạo điều kiện cho du khách quốc tế đến Việt Nam tham quan và trải nghiệm trong bối cảnh bình thường mới.
Nhân dịp này, ông Lê Tuấn Anh - Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ Phát triển Du lịch cho biết, Quỹ Hỗ trợ Phát triển Du lịch vừa chính thức đi vào hoạt động. Trong thời gian tới, Quỹ Hỗ trợ Phát triển Du lịch sẽ triển khai các hoạt động phù hợp với quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn nhằm chung tay phục hồi ngành Du lịch Việt Nam.
Thảo Chi
Ảnh: HH