Chương trình do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND huyện Định Hóa và Hiệp hội Du lịch tỉnh Thái Nguyên tổ chức theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia Quảng Nam 2022.
Khách trong nước giữ vai trò chủ đạo
Giám đốc Sở VHTTDL Nguyễn Thị Mai cho biết, hai năm bị ảnh hưởng của đại dịch khiến ngành Du lịch Thái Nguyên nói riêng và cả nước nói chung gặp vô vàn khó khăn. Cơ sở hạ tầng xuống cấp, nguồn nhân lực bị sụt giảm do chuyển ngành nghề để “tìm kế sinh nhai”, doanh thu từ du lịch hầu như không có… việc mở cửa lại hoạt động du lịch trong thời điểm hiện nay đóng vai trò rất quan trọng. Đây là dấu mốc, là thời điểm bản lề để ngành Du lịch Thái Nguyên cùng tăng tốc chuẩn bị về cơ sở vật chất, dịch vụ, xúc tiến quảng bá, đưa các chương trình kích cầu để sớm phục hồi hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Theo bà Mai, Thái Nguyên xác định rõ những thế mạnh để phát triển du lịch thích ứng với điều kiện bình thường mới, do đó sẽ tập trung hướng tới các dòng khách nội địa. Tại các khu, điểm du lịch gắn với các di tích lịch sử, danh thắng tập trung hướng tới đón các dòng khách là học sinh, sinh viên. Đặc biệt, để thu hút khách trong nước, Thái Nguyên sẽ tập trung, đẩy mạnh quảng bá các địa điểm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, văn hóa tiêu biểu của tỉnh.
Hiện, một số khu, điểm du lịch tại Thái Nguyên đã có sự chuẩn bị tốt về các điều kiện và cơ sở vật chất, kỹ thuật, dịch vụ đảm bảo, sẵn sàng cho việc mở cửa đón khách du lịch như: Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa, Khu di tích lưu niệm thanh niên xung phong Đại đội 915, đội 91 Bắc Thái, Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam, Làng Nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải, Khu du lịch Hồ Núi Cốc, Điểm du lịch Hang Phượng Hoàng - Suối Mỏ Gà, Điểm du lịch sinh thái Dũng Tân, Cụm di tích đình - đền - chùa Cầu Muối…
“Để thu hút du khách, Thái Nguyên sẽ tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ cùng những sản phẩm mới mang tính đột phá. Do đó, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch (bao gồm các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú, khu điểm du lịch…) đã quan tâm, nắm bắt các nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch hiện nay để xây dựng các tour, tuyến phù hợp, hấp dẫn; chuẩn bị các sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút khách” – bMai nhấn mạnh.
Phát biểu chỉ đạo tại chương trình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc cho biết, những chính sách tạo thuận lợi để đón khách quốc tế hứa hẹn sẽ tạo điều kiện để Việt Nam trở thành lựa chọn hàng đầu cho du khách khi quyết định đi du lịch sau đại dịch.
Đối với hoạt động du lịch nội địa, nhiều địa phương đã chủ động xây dựng phương án mở cửa, tổ chức các hoạt động du lịch nội địa, đáp ứng các yêu cầu về phòng, chống dịch của Chính phủ, đảm bảo an toàn. Sau 4 đợt bùng phát dịch bệnh, hiện nay, cả nước đã dần thích nghi với cuộc sống trong điều kiện bình thường mới. Các kỳ nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4 và nghỉ hè đang đến gần là dịp để du lịch nội địa bùng nổ.
Trong năm 2022, ngành Du lịch sẽ tập trung tăng cường quảng bá, kích cầu du lịch để thu hút du lịch quốc tế, khách du lịch nội địa, đa dạng hóa việc khai thác các thị trường khách du lịch cũng như khai thác các phân đoạn thị trường khách mới tại các thị trường truyền thống, phát triển các điểm đến, sản phẩm mới, chuyên đề phù hợp với thị hiếu của khách du lịch.
Phát triển sản phẩm đột phá
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Lê Phúc nhấn mạnh, để có sản phẩm đột phá, hút khách, ngành Du lịch Thái Nguyên phải chủ động phối hợp, liên kết với các địa phương, doanh nghiệp phát triển sản phẩm, làm mới sản phẩm phù hợp với nhu cầu của khách du lịch theo xu hướng mới. Tăng cường hiệu quả trong việc liên kết 6 tỉnh Việt Bắc (Cao Bằng, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Hà Giang, Lạng Sơn, Thái Nguyên) triển khai Chương trình du lịch ‘‘Qua những miền di sản Việt Bắc’’, Chương trình liên kết các tỉnh Thái Nguyên – Bắc Giang – Hải Dương – Quảng Ninh; Chương trình hợp tác với Hà Nội, Quảng Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Bắc…
Về sản phẩm mới để hút khách, bà Mai cho hay, bên cạnh việc mở cửa lại hoạt động du lịch Thái Nguyên trong điều kiện bình thường mới, ngành Du lịch Thái Nguyên cũng tập trung gắn sản phẩm du lịch mới với công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng cho đối tượng là học sinh, sinh viên thông qua di sản văn hóa. Trên cơ sở đó, dịp này Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng công bố khai trương đưa vào hoạt động Khu giáo dục “Trải nghiệm về nguồn - ATK Thủ đô gió ngàn”.
Bà Mai kỳ vọng đây sẽ là khu du lịch thu hút du khách, đặc biệt là thế hệ trẻ, các bạn đoàn viên, học sinh, sinh viên, các cháu thiếu nhi trong và ngoài tỉnh đến với ATK Định Hóa. “Đến đây, du khách sẽ được tham quan các di tích lịch sử, tham gia trực tiếp vào các hoạt động trải nghiệm thực tế để trau dồi thêm kiến thức, rèn luyện kỹ năng sống, bồi đắp lý tưởng cách mạng, giáo dục truyền thống lịch sử của dân tộc. Cùng với đó, tại các khu, điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh với các sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với văn hóa tâm linh, trải nghiệm văn hóa Trà, trải nghiệm du lịch nông nghiệp… sẽ là những điểm nhấn khác biệt, ấn tượng để thu hút đông đảo các đối tượng du khách đến Thái Nguyên. Các điểm đến hấp dẫn của Thái Nguyên đã sẵn sàng” – bà Mai khẳng định.
Thống nhất quy trình đón khách an toàn, hiệu quả
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc, để khai thác hết tiềm năng du lịch của tỉnh, nhằm nắm bắt thời cơ mở cửa du lịch hiện nay, khôi phục du lịch sau 2 năm đóng băng, du lịch Thái Nguyên cần tập trung tổ chức lại hoạt động du lịch, thống nhất quy trình đón tiếp và phục vụ khách, chuẩn bị mọi mặt về cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người và phương án sẵn sàng đảm bảo du lịch an toàn, hiệu quả.
Trong đó phải đẩy mạnh truyền thông, quảng bá thông tin đến thị trường về điểm đến an toàn, hấp dẫn, thân thiện và sẵn sàng chào đón du khách đến với tỉnh Thái Nguyên.
Đồng thời, tổ chức kiểm tra, rà soát chất lượng sản phẩm, dịch vụ; cải thiện, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách; tuyển dụng và đào tạo bồi dưỡng nhân lực nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ đáp ứng yêu cầu mở cửa lại du lịch.
Phó Tổng cục trưởng đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông minh, tạo điều kiện thuận tiện nhất cho du khách tiếp cận điểm đến, sử dụng dịch vụ và trải nghiệm trọn vẹn khi đi du lịch. Do đó, đây là nhiệm vụ quan trọng của ngành Du lịch Việt Nam nói chung và Du lịch Thái Nguyên nói riêng.
Để Du lịch Thái Nguyên tận dụng được cơ hội vàng trong giai đoạn hoàn toàn mở cửa hiện nay, chung tay cùng cả nước đưa ngành Du lịch Việt Nam sớm phục hồi sau đại dịch COVID-19, Phó Tổng cục trưởng cũng đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh Thái Nguyên tiếp tục tạo điều kiện, ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trên địa bàn, chỉ đạo các sở, ban, ngành phối hợp chặt chẽ với ngành Du lịch tạo thuận lợi cho du lịch Thái Nguyên phát triển hơn nữa..
Được biết, các phương án đảm bảo an toàn cho du khách trong trạng thái bình thường mới đã được Thái Nguyên kích hoạt. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch chấp hành tốt các nội dung liên quan đến quản lý nhà nước về du lịch; không ngừng nâng cao năng lực phục vụ du lịch; quan tâm đầu tư nâng cấp hạ tầng, cải tạo cơ sở vật chất, trang thiết bị, cơ sở lưu trú, đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch để phục vụ tốt nhất việc đón khách du lịch, phát triển phục vụ hồi du lịch trong giai đoạn hiện nay.
Đoàn Hoa