Điều kiện cung du lịch cuối tuần
Tài nguyên du lịch
Sơn Tây có hệ thống tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch văn hóa phong phú rất thuận lợi cho việc phát triển du lịch cuối tuần.
Cơ sở vật chất kỹ thuật và cơ sở hạ tầng
Cơ sở hạ tầng của Sơn Tây đã được xây dựng khá đồng bộ và hiện đại, hơn nữa thị xã lại nằm rất gần với thủ đô Hà Nội, nơi mà nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí, thư giãn đang trở nên bức thiết. Vì vậy có thể nói rằng, đây là một trong những điều kiện thuận lợi để Sơn Tây phát triển hoạt động du lịch cuối tuần.
Ngoài ra, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch cũng được thị xã quan tâm đầu tư phát triển. Theo thống kê của Phòng Văn hóa - Thông tin Sơn Tây, tính đến nay tổng số cơ sở lưu trú trên địa bàn là 70 (trong đó 40 khách sạn (KS) và 30 nhà nghỉ). Các KS, nhà hàng phần lớn có quy mô nhỏ, chất lượng chưa đồng bộ, chỉ có một số KS đạt tiêu chuẩn như: Asean resort, Thái Bình Dương, Sơn Tây, Thế kỷ, Thiên Mã. Các KS này đã đáp ứng được phần nào nhu cầu lưu trú lại qua đêm của du khách. Cùng với hệ thống KS, nhà nghỉ, thị xã còn có một hệ thống các nhà hàng với nhiều món ăn dân dã, đặc sản, hấp dẫn du khách. Tuy nhiên, hệ thống nhà hàng ăn uống ở Sơn Tây vẫn còn hạn chế về số lượng, chất lượng, thực đơn các món ăn chưa phong phú gây khó khăn trong việc phục vụ khách.
Hiện tại, các cơ sở vui chơi giải trí ở Sơn Tây tập trung chủ yếu ở khu Đồng Mô với hình thức chơi golf, đi xuồng tham quan ngắm cảnh trên hồ, câu cá, thả diều. Ngoài ra, còn có ASEAN resort & Spa với rất nhiều dịch vụ giải trí cho khách tham quan, nghỉ dưỡng như chơi golf, bơi, trượt cỏ, đạp xe, massage, tắm bùn khoáng, chụp ảnh và các hoạt động vui chơi ngoài trời. Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam cũng là nơi lý tưởng cho việc tổ chức các hoạt động vui chơi ngoài trời như cắm trại, picnic, teambuiding, ngoài ra còn có thể chụp ảnh, ngắm cảnh.
Tuy nhiên, địa điểm tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí ở đây vẫn còn hạn chế, chưa phong phú, chưa được quan tâm đầu tư. Các chương trình được mở ra hiện nay chủ yếu là hình thức tham quan vì vậy hạn chế khả năng kéo dài thời gian lưu trú của du khách. Theo điều tra của tác giả, du khách đều cho rằng các dịch vụ vui chơi giải trí ở Sơn Tây đều rất hạn chế, hầu như không có, không hấp dẫn được khách du lịch.
Điều kiện cầu du lịch cuối tuần ở Sơn Tây của người dân Hà Nội
Nhu cầu, sở thích
Tác giả đã tiến hành điều tra nhu cầu, sở thích của người dân Hà Nội theo một bảng hỏi được xây dựng riêng thuộc mọi ngành nghề, lứa tuổi. Vì thời gian có hạn nên chỉ tiến hành điều tra được 4 quận nội thành Hà Nội (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa).
Kết quả điều tra đợt 1, tiến hành năm 2015 với 127 phiếu, có 75 người đi nghỉ cuối tuần trên 2 lần/1 năm chiếm 59,1% số người được hỏi, phần lớn là học sinh, sinh viên, còn lại là những cán bộ các cơ quan hành chính sự nghiệp, cán bộ nghiên cứu, giáo viên. Một số ít là các nhà doanh nghiệp và những người làm các ngành nghề tự do khác. 35,4% đi DLCT 1 - 2 lần trong năm, còn lại 4,5% ít đi DLCT. Phân tích kết quả điều tra đợt 2 năm 2017 với 158 phiếu, có 106 người đi nghỉ cuối tuần trên 2 lần chiếm 67,1% số người được hỏi, 28,5% đi từ 1 - 2 lần, 4,4% ít đi du lịch.
Như vậy, đối tượng khách đi DLCT ở Hà Nội chủ yếu là học sinh - sinh viên, công chức nhà nước, giáo viên vì họ có nhiều thời gian nghỉ cuối tuần. Do đó, cần tổ chức các chương trình DLCT phù hợp với nhu cầu, sở thích của đối tượng này.
Nhu cầu đối với dịch vụ đặc trưng
Hiện nay, các hình thức hoạt động DLCT hết sức đa dạng và phong phú. Du khách có thể tham quan ngắm cảnh, nghỉ ngơi thư giãn, câu cá, bơi thuyền, bơi lội, đốt lửa trại, chơi thể thao (cầu lông, tennis, bóng chuyền)… Tuy nhiên, hoạt động ưa thích là tham quan ngắm cảnh (chiếm 27,5%), nghỉ ngơi thư giãn (chiếm 25,4%). Ngoài ra, các hoạt động vui chơi ngoài trời người dân Hà Nội cũng rất thích, chiếm 46,79% số người được phỏng vấn.
Khi được hỏi về mục đích của chuyến đi, có 40,1% khách đi DLCT để xả stress, 34,8% đi DLCT cùng gia đình, 25,1% đi DLCT cùng bạn bè. Như vậy, khách đi DLCT chủ yếu để xả stress và có thời gian bên gia đình.
Người dân Hà Nội khi đi du lịch cuối tuần rất thích đến những nơi có biển, núi, làng quê yên bình để nghỉ ngơi, thư giãn, giải tỏa căng thẳng. Điều tra ở 4 quận nội thành Hà Nội cho thấy, người dân thích những nơi có biển chiếm 32,8% số người được hỏi, 30,75% thích đến những nơi có núi. Họ chủ yếu là giáo viên, công chức nhà nước, nhân viên doanh nghiệp, tiểu thương, học sinh, sinh viên, thích các hoạt động ngoài trời, bơi lội, tắm biển, leo núi, tham quan ngắm cảnh. Làng quê yên bình cũng là một địa điểm lý tưởng cho những chuyến DLCT của người dân thành thị (chiếm 30,1%), chủ yếu là những người về hưu, giáo vên, công chức, học sinh, sinh viên đến để nghỉ ngơi, thư giãn, tận hưởng không khí trong lành, mát mẻ và tìm hiểu văn hóa, lối sống, phong tục của làng quê Việt Nam. Những địa điểm khác chiếm tỷ lệ ít 6,4%.
Có thể nói, Sơn Tây có đầy đủ các điều kiện để đáp ứng các nhu cầu du lịch của người dân Hà Nội: có nhiều hồ nước nhân tạo như hồ Đồng Mô, hồ Xuân Khanh, Suối Hai, Khoang Xanh, KS Asean resort & spa… có thể tổ chức các hoạt động bơi lội, bơi thuyền, câu cá; có địa hình đồi núi xen kẽ có thể tổ chức cắm trại trong rừng như Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Sơn Tinh caping ở Đồng Mô…; có làng quê thanh bình (như làng cổ Đường Lâm) là nơi du khách có thể thả diều, tập làm nông dân, tham quan các di tích lịch sử, làng nghề thủ công truyền thống…
Nhu cầu đối với dịch vụ chính
Hiện tại, phương tiện giao thông trong hoạt động du lịch cuối tuần của Hà Nội vẫn chủ yếu là các phương tiện cá nhân như xe máy, xe đạp, xe ô tô các loại thuê theo dạng hợp đồng. Trong các loại phương tiện đang được sử dụng này, xe ô tô thuê theo hợp đồng là phổ biến hơn cả (60,1% lượng khách), chủ yếu là giáo viên, công chức nhà nước, nhân viên doanh nghiệp, người nghỉ hưu, học sinh - sinh viên đi theo lớp, nhóm đông. Thanh niên thường sử dụng xe máy (20,2%), vì nó phù hợp và có thể chỉ đi theo nhóm nhỏ. Xe buýt tuyến chỉ phục vụ một số ít ở những điểm du lịch có khoảng cách gần (chiếm 6,3%). Những phương tiện khác chiếm 13,3%. Những người có thu nhập cao như tiểu thương, doanh nghiệp họ có thể đi taxi hoặc đi xe ô tô cá nhân.
Tuy nhiên, qua thăm dò, hầu hết khách du lịch đều muốn có các tuyến xe buýt hoạt động ở các điểm du lịch cuối tuần để đưa đón khách. Đây là phương tiện rẻ và thuận tiện, đảm bảo sức khỏe, tránh được ách tắc giao thông và tiết kiệm được thời gian cho khách. Ở Sơn Tây hiện nay có rất nhiều tuyến xe buýt từ nội thành Hà Nội về Sơn Tây giá vé rất rẻ có thể phục vụ khách đi DLCT về Sơn Tây…
Khi được hỏi về các điểm tham quan du lịch cuối tuần ở Sơn Tây, hầu hết người dân Hà Nội đều biết đến làng cổ Đường Lâm, chùa Mía, thành cổ Sơn Tây, Khu du lịch Đồng Mô, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, đền Và, KS Asean resort…, tuy nhiên cũng có một số điểm mà khách không biết như Khu du lịch phường Xuân Khanh, Nhà thờ Thám Hoa Giang Văn Minh. Vì vậy, cần làm tốt hơn công tác quảng bá, giới thiệu các điểm du lịch ở Sơn Tây đối với du khách.
Nhu cầu đối với dịch vụ bổ sung
Hầu hết người dân Hà Nội đều muốn tới những điểm du lịch có dịch vụ bổ sung đa dạng như có hệ thống thông tin liên lạc, ngân hàng, đặt phòng, vé máy bay, giặt là, chăm sóc sức khỏe, sửa chữa đồ đạc, xe cộ… Ở Sơn Tây, các dịch vụ bổ sung như chăm sóc sức khỏe, cây rút tiền, sửa chữa đồ đạc… và các dịch vụ vui chơi giải trí còn hạn chế. Để thu hút khách du lịch đến với điểm du lịch cuối tuần, Sơn Tây cần quan tâm, đầu tư, xây dựng các dịch vụ bổ sung đáp ứng tối đa nhu cầu của khách.
Thời gian ưa thích
Từ tháng 3 đến đầu tháng 5 và từ đầu tháng 8 đến tháng 10, học sinh sinh viên không phải ôn thi học kỳ nên có nhiều thời gian rảnh vào cuối tuần để đi du lịch… Công nhân, nhân viên doanh nghiệp, viên chức nhà nước, giáo viên thường đi nhiều vào các dịp lễ, tết đặc biệt khi các dịp lễ, tết trùng với thứ bảy, chủ nhật và khoảng thời gian đi nhiều từ tháng 5 đến tháng 7. Đối tượng học sinh, sinh viên đi du lịch cuối tuần nhiều hơn vì có nhiều thời gian rảnh cuối tuần, nhưng chi cho mỗi chuyến đi thấp vì thu nhập một phần vẫn dựa vào gia đình; ngược lại, đối tượng công nhân, viên chức, giáo viên đi du lịch cuối tuần ít hơn nhưng chi phí cho mỗi chuyến đi thường lớn hơn do họ có nguồn thu nhập ổn định. Vào những tháng mùa đông giá lạnh, ít người đi du lịch cuối tuần. Chính điều này đã tạo nên tính thời vụ du lịch. Vì vậy, muốn hạn chế tính thời vụ cần có biện pháp kéo dài thời vụ du lịch chính, tạo điều kiện để mở thời vụ thứ hai thay thế. Điều này đòi hỏi phải xây dựng các loại hình du lịch mới, đa dạng hóa các dịch vụ bổ sung tại điểm du lịch để thu hút khách, kéo dài mùa vụ du lịch. Ngoài ra, cần có các biện pháp khuyến khích giảm giá, quảng cáo, giới thiệu…n
Phùng Thị Hạnh
Tạp chí Du lịch 6/2018