Vấn đề liên kết phát triển du lịch Bình Định
Trong thời gian qua, Bình Định và các địa phương trong vùng duyên hải miền Trung đã thấy được tầm quan trọng của việc liên kết phát triển du lịch và đã có những hành động thiết thực trong liên kết. Lãnh đạo 7 địa phương trong vùng bao gồm: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa đã thống nhất về sự cần thiết xây dựng, thực thi các chính sách và cơ chế liên kết phát triển chung của cả vùng, bảo đảm sự phát triển nhanh và bền vững với nội dung cụ thể sau:
Phân bố lại lực lượng sản xuất, điều chỉnh quy hoạch phát triển phù hợp với thế mạnh của từng địa phương
Xây dựng đồng bộ hạ tầng giao thông liên tỉnh và quốc tế, nhất là hạ tầng giao thông đường bộ
Thiết lập không gian kinh tế du lịch vùng thống nhất
Liên kết đào tạo và phát triển nguồn nhân lực
Hợp tác trong việc huy động vốn đầu tư và xây dựng cơ chế chính sách để đầu tư phát triển chung của vùng
Phối hợp xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch toàn vùng
Cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh vùng
Xây dựng hệ thống thông tin và trao đổi thông tin kinh tế - xã hội; đầu tư trên địa bàn
Hợp tác bảo vệ môi trường, ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu.
Tháng 12/2011, Tổ Điều phối vùng các tỉnh duyên hải miền Trung đã tổ chức hội thảo khoa học Liên kết phát triển du lịch các tỉnh duyên hải miền Trung tại Phú Yên. Hội thảo đã chỉ ra các hoạt động trọng tâm tại các địa phương trong vùng trong thời gian tới như sau:
Liên kết phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch
Phối hợp xúc tiến quảng bá điểm đến, xây dựng thương hiệu du lịch cho toàn vùng
Thống nhất sử dụng webside của vùng để cập nhập thường xuyên các dữ liệu về tài nguyên du lịch, các tour, tuyến, điểm du lịch, tình hình du lịch trong vùng như lượng khách, nguồn khách, sự phát triển của các dịch vụ lữ hành, lưu trú, vui chơi giải trí, mua sắm, ẩm thực...
Thường xuyên tổ chức những buổi gặp gỡ giữa các doanh nghiệp du lịch với các cơ quan quản lý, lãnh đạo các địa phương để có thể kịp thời tháo gỡ khó khăn, cũng như đề xuất nhằm thúc đẩy sự phát triển du lịch toàn vùng
Đa dạng hóa sản phẩm du lịch và kết nối các tour, tuyến, khu du lịch (có sự phân công một cách tương đối về các sản phẩm và phân khúc thị trường)
Liên kết đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch
Liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, lưu trú và dịch vụ du lịch khác trong vùng.
Năm 2012, sau một năm triển khai liên kết, ngành Du lịch các tỉnh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ như: xây dựng Cổng thông tin điện tử vùng duyên hải miền Trung, tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị về liên kết phát triển du lịch, ký kết nhiều biên bản hợp tác giữa các doanh nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực du lịch…, Tổ Điều phối vùng đã thống nhất k���t nạp thêm hai thành viên là Ninh Thuận và Bình thuận và đổi tên thành Ban Điều phối vùng duyên hải miền Trung. Tính cho tới nay, Ban Điều phối vùng duyên hải miền Trung vẫn tiếp tục hoạt động thực hiện những nội dung đã cam kết. Hiện nay, những tour liên kết giữa các điểm du lịch của các địa phương trong vùng đã được xây dựng để phục vụ du khách.
Mặc dù bước đầu đã có những liên kết phát triển du lịch, đồng thời Tổ Điều phối vùng đã có những kế hoạch, nội dung cụ thể trong việc liên kết này, nhưng các địa phương vẫn còn lúng túng, bị động, chưa biết triển khai các hình thức liên kết du lịch toàn vùng trong thực tiễn như thế nào để đạt hiệu quả cao.
Những giải pháp liên kết phát triển du lịch Bình Định
Những năm gần đây, Đảng bộ và Chính quyền tỉnh Bình Định đã quan tâm nhiều tới du lịch, xác định du lịch là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Nhưng với xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch còn kém, cơ sở dịch vụ lưu trú quy mô nhỏ, thiếu về số lượng, chưa đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, chưa thu hút được các nhà đầu tư; công tác quản bá xúc tiến chưa được hiệu quả; bộ máy quản lý, đội ngũ cán bộ còn yếu về chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ chưa đáp ứng với yêu cầu phát triển của ngành Du lịch; số lượng lao động qua đào tạo, bồi dưỡng chuyên ngành du lịch còn thấp và chưa có nhiều lao động có tay nghề cao, nhất là hướng dẫn viên, thuyết minh viên du lịch, lễ tân à quản lý doanh nghiệp; khả năng cạnh tranh với các địa phương trong vùng còn thấp (so với Quảng Nam, Đà Nẵng và Khánh Hòa); sản phẩm du lịch không đặc sắc và nổi trội, chỉ đơn thuần là du lịch biển và văn hóa hóa, lịch sử. Chính vì vậy, nhằm nâng cao vị thế của du lịch Bình Định trong vùng, đồng thời đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ để thu hút ngày càng nhiều khách du lịch trong và ngoài nước, Bình Định cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Hợp tác trong xây dựng các chương trình du lịch chung của toàn vùng
Bên cạnh việc chủ động xây dựng và phát triển các chương trình du lịch riêng mang tính đặc thù, Bình Định cần tập trung phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch văn hóa gắn với chuỗi các di tích lịch sử - lễ hội văn hóa Quang Trung - Tây Sơn như lễ hội chiến thắng Ngọc Hồi, Đống Đa, bảo tàng Quang Trung, đền thờ Tây Sơn tam kiệt, festival võ thuật Bình Định; liên kết phát triển các tuyến du lịch nội địa; tuyến du lịch liên vùng và quốc tế; tuyến du lịch đường biển; tuyến hàng không. Đặc biệt, Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa có thể liên kết khai thác các tour đường bộ qua cửa khẩu các tỉnh Tây Nguyên, nhắm đến thị trường Lào, Campuchia, Đông Bắc Thái Lan...; khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành xây dựng các tour liên tỉnh nhằm phát triển đa dạng các loại hình du lịch (biển, rừng, văn hóa, sinh thái, MICE),... và khai thác các phân khúc thị trường khác nhau của từng địa phương tùy thuộc vào lợi thế cạnh tranh, sản phẩm du lịch đặc trưng.
Hợp tác trong xây dựng một chương trình quảng bá xúc tiến để giới thiệu hình ảnh du lịch của vùng như một điểm đến hấp dẫn
Đây là một nội dung hợp tác quan trọng cần sớm được triển khai trong thực tế bởi kết quả của sự hợp tác này sẽ đem lại lợi ích chung, giảm được chi phí cho quảng bá xúc tiến của địa phương. Cần phối hợp xây dựng chiến lược xúc tiến quảng bá cho vùng; liên kết trong việc tổ chức, tham gia các hội chợ triển lãm du lịch; xúc tiến đầu tư, nghiên cứu thị trường nước ngoài; liên kết trong xây dựng các ấn phẩm quảng bá, thông tin,..
Việc hợp tác trao đổi thông tin và kinh nghiệm trong công tác quản lý Nhà nước về du lịch; hợp tác trên lĩnh vực quy hoạch, đầu tư; hợp tác về xúc tiến, quảng bá du lịch... là rất cần thiết và hiệu quả. Các địa phương trong vùng sẽ hỗ trợ chương trình tuyên truyền giới thiệu về du lịch các tỉnh duyên hải miền Trung trên các tạp chí, website của địa phương và trên đài phát thanh - truyền hình của địa phương mình.
Hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao
Liên kết tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu về du lịch, các khóa tập huấn nghiệp vụ; tổ chức học tập kinh nghiệm lẫn nhau của các địa phương trong vùng.
Đẩy mạnh hợp tác đào tạo bằng nhiều hình thức hợp tác, liên kết, liên thông giữa các cơ sở đào tạo, dạy nghề tại Bình Định với các cơ sở đào tạo trong vùng để đào tạo nghiệp vụ và chuyên môn về du lịch, các chương trình đào tạo tiên tiến nhằm khai thác nguồn lực giáo viên, giảng viên có trình độ, kinh nghiệm; tận dụng cơ sở vật chất hiện có; phương pháp giảng dạy khoa học,..
Hợp tác, liên kết tổ chức các lễ hội, sự kiện
Cần tạo lập chuỗi sự kiện có quy mô lớn của các tỉnh trong năm để thu hút khách. Từng bước hình thành các chuỗi sự kiện: Festival Tây Sơn - Bình Định, Festival cá ngừ đại dương Phú Yên, Festival biển Nha Trang,..
Bình Định nên tổ chức Festival võ thuật thường niên và mang tầm quốc tế thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, để thu hút nhiều sự quan tâm của du khách trong nước và quốc tế, tỉnh Bình Định nói chung, Ban Tổ chức Festival nói riêng cần tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu về Festival, thực hiện tốt công tác tổ chức như dịch vụ ăn, nghỉ, vui chơi giải trí phục vụ khách du lịch, nghiên cứu thời gian tổ chức hợp lý trong mối tương quan với các sự kiện của các địa phương khác trong vùng. Khi một tỉnh/thành phố tổ chức sự kiện, cần có kết nối tour với các địa phương khác trong vùng để tận dụng tối đa các nguồn khách.
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch & UBND tỉnh Bình Định (2015), Kỷ yếu Hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển du lịch tỉnh Bình Định năm 2015.
2. Alan Collier (2006), Principles of Tourism, Manukau Institute of Technology.
3.Charles R. Goeldner, J.R. Brent Ritchie (2002), Tourism: Principles, Practices, Philosophies, Amazon.
TS. Văn Thị Thái Thu
(Tạp chí Du lịch)