Trước khi đặt chân lên Cồn Sơn, du khách không khỏi muốn khám phá trước một “làng nổi” trên sông và nghe những người dân chia sẻ về nghề lênh đênh trên sóng nước. Ngồi trên bè, du khách thích thú nhìn những đàn cá vui mừng quẫy đuôi khi được cho thức ăn và cảm nhận hơi gió trong lành, mát mẻ từ sông thổi vào. Đây chính là những khoảnh khắc để tận hưởng cảnh sắc thiên nhiên yên bình, thơ mộng sau những ngày làm việc mệt mỏi.
Đến Cồn Sơn, du khách được tự do dạo bước dưới những vườn cây ăn trái trĩu quả, được thưởng thức những hương vị ngọt ngào từ nhiều loại hoa thơm, quả ngọt. Nơi đây là xứ sở của chôm chôm, xoài, bưởi, mít, ổi, vú sữa… Những cái tên quen thuộc với khách du lịch như nhà vườn Thành Tâm nổi tiếng với vườn bưởi năm roi hàng trăm cây, nhà vườn Thành Đạt với vườn nhãn trĩu quả hay nhà vườn Song Khánh tạo dấu ấn với vườn chôm chôm sai trái… Mỗi nhà vườn là một màu sắc, một trải nghiệm khác nhau. Du khách đến đây sẽ thích thú khi được tự tay hái những trái chín trên cành, cùng nhau thưởng thức những hương vị ngọt ngào của vùng nhiệt đới.
Một sản phẩm du lịch đặc sắc tại Cồn Sơn là cá lóc “bay”. Du khách rất thích thú với những đàn cá lóc bay lên khỏi mặt nước để đớp mồi, có nhiều con cá bay cao khoảng 30 - 40cm. Để có những đàn cá khỏe mạnh, bay cao, chủ nhà vườn cá lóc bay phải lặn lội sang tận Châu Đốc, An Giang để chọn mua con giống và kiên nhẫn huấn luyện từ khi cá còn nhỏ.
Du khách cũng có thể trải nghiệm cuộc sống của người nông dân trong trang phục truyền thống áo bà ba, cùng nhau tát mương bắt cá, cùng thưởng thức chế biến món ăn và thưởng thức bữa cơm dân dã. Du khách còn được chèo thuyền len lỏi qua những con sông, rạch, để khám phá nét văn hóa của người dân vùng sông nước. Khua nhẹ mái chèo, xuôi theo những con rạch nhỏ, thả hồn theo tiếng sóng nước yên bình sẽ là những kỷ niệm khó quên khi du khách đặt chân đến vùng đất này.
Ẩm thực miệt vườn dân dã, đậm chất miền Tây cũng là một trong những thế mạnh ở Cồn Sơn. Nhà vườn thường sử dụng những nguyên liệu sẵn có trên cồn để khai thác phục vụ khách du lịch. Điều đặc sắc hơn là các nhà vườn sẽ cung cấp các món ăn khác nhau như: nhà vườn cô Năm Phước có món bánh xèo, cá nấu mặn; nhà vườn Sáu Cảnh làm món gà xé bưởi; nhà chú Năm Công lại nấu món lẩu ốc… Ai đã một lần đến đây, một lần được thưởng thức những món ăn dân dã như: lục bình xào tép, ốc luộc sả, gà nướng muối ớt hay cá tai tượng lá sen… sẽ không bao giờ quên được những hương vị đậm đà khó quên nơi vùng đất cù lao này.
Sự khéo léo của người dân bản địa còn được thể hiện qua nghệ thuật làm bánh dân gian. Bánh ở đây khá phong phú, đa dạng và rất đẹp mắt do những bàn tay khéo léo, tài hoa tạo nên. Sự khéo léo, tỉ mỉ thể hiện từ khâu chọn nguyên liêu, pha bột, làm bánh, pha nước chấm. Nguyên liệu tạo màu cho bánh đều lấy từ thiên nhiên: màu xanh của lá dứa, màu tím của lá cẩm, màu cam của gấc… tạo cho du khách nhiều cảm hứng khi tự tay trải nghiệm các công đoạn để tạo nên một chiếc bánh dẻo thơm. Hiện có khoảng 20 loại bánh dân gian được người dân địa phương đưa vào phục vụ khách du lịch như: bánh in, bánh mặn, bánh cuốn đậu xanh, bánh xèo, bánh chuối hấp, bánh tằm se…
Du lịch Cồn Sơn gần gũi với đời sống của người dân, thân thiện với môi trường, an toàn, hấp dẫn đối với du khách đã và đang tạo được sự khác biệt, để lại dấu ấn đậm nét trong lòng khách du lịch.
ThS. Võ Thị Ngọc Giàu