Từ TP. Quy Nhơn đi trong vòng bán kính 40km, du khách có thể tham quan hầu hết tháp Chăm nơi đây. Tháp đầu tiên trong hành trình khám phá của du khách là tháp Đôi. Tọa lạc ở phường Đống Đa, TP. Quy Nhơn, tháp được xây vào khoảng cuối thế kỷ 12, một lớn một nhỏ, đứng kề nhau. Đây là một cụm tháp vào loại độc đáo nhất của kiến trúc cổ Chăm bởi không giống bất cứ ngôi tháp Chăm nào khác.
Khu tháp Bánh Ít gồm 4 tháp nổi bật trên đỉnh đồi hướng Đông, cách TP. Quy Nhơn 16km. Bố cục các tháp ở đây khá độc đáo và điển hình trong kiến trúc Chămpa, đứng ở cửa tháp này du khách có thể quan sát tháp kia. Gọi là tháp Bánh Ít bởi vì cụm tháp giống như những chiếc bánh ít lá gai ở Bình Định.
Tháp Cánh Tiên mang phong cách uy nghi với vòm cửa hình mũi giáo nhọn, vách tháp đơn giản, khỏe khoắn, ít trang trí. Tháp Phú Lốc nằm lẻ loi trên ngọn đồi cao 76m so với mặt nước biển ở xã Nhơn Thành…
Hoành tráng và đồ sộ nhất là khu tháp Dương Long (tháp Ngà) nằm trên địa phận 2 thôn: Vân Tường, xã Bình Hòa và An Chánh, xã Tây Bình, huyện Tây Sơn. Tháp được xây dựng vào khoảng thế kỷ 12 - 13. Cụm ba tháp này bề thế và đẹp nhất trong số tháp Chăm còn sót lại trên dải đất miền Trung. Tháp giữa cao 40m, hai tháp hai bên cao 38m. Thân tháp xây bằng gạch, các góc được ghép từ những tảng đá lớn chạm khắc tinh xảo. Nửa phần trên của tháp gồm các khối đá lớn xếp chồng lên nhau. Hình tượng được khắc trên các góc là chim thần Garuda, dơi, đại bàng... Các bức tường được trang trí hình lá, cảnh múa hát, hình tu sĩ đầu to đội mũ chỏm cao...
Thanh Hiền