Tương truyền, nữ thần Thiên Y A Na Thánh Mẫu là vị tiên giáng trần, đ�� có công dạy nhân dân trồng lúa, nuôi tằm, dệt vải… Công đức của Thánh Mẫu luôn được người dân Nam Trung Bộ và Tây Nguyên ghi ơn.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, tổng thể kiến trúc của tháp Bà có 3 tầng, đi từ dưới lên trên. Ở tầng thấp, ngang mặt đất là ngôi tháp cổng nay không còn nữa. Tầng giữa (là nhà khách, nhà tĩnh tâm) dành cho khách nghỉ ngơi, sửa soạn trang phục, chuẩn bị lễ vật và các nghi thức trước khi hành lễ. Hiện còn hai dãy cột chính bằng gạch hình bát giác.
Tầng trên cùng là nơi 4 ngọn tháp tọa lạc, những ngôi tháp được xây dựng theo kiểu Chăm, gạch xây rất khít mạch, không nhìn thấy chất kết dính. Lòng tháp rỗng tới đỉnh, cửa tháp quay về hướng Đông. Mặt ngoài thân tháp có nhiều gờ, trụ, đấu. Trên đỉnh các trụ, thường đặt gạch trang trí hoa văn hình vòm tháp, trông như chiếc tháp nhỏ đặt lên một tháp lớn. Trên thân tháp còn có nhiều tượng và phù điêu bằng đất nung, trong đó có hình Po Nagar, thần Tenexa, các tiên nữ, các loài thú: nai, ngỗng vàng, sư tử…
Tháp chính cao khoảng 23m, là tháp thờ nữ thần Po Nagar. Tháp có 4 tầng, mỗi tầng đều có cửa, tượng thần và hình thú bằng đá, ở bốn góc có 4 tháp nhỏ. Bên trong là tượng nữ thần tạc bằng đá hoa cương màu đen (trước đó là gỗ trầm hương, và xa hơn nữa là bằng vàng) ngồi trên bệ đá uy nghiêm hình đài sen, lưng tựa phiến đá lớn hình lá bồ đề. Đây là một kiệt tác về điêu khắc Chămpa, là sự kết hợp hài hòa giữa kỹ thuật tượng tròn và chạm nổi. Trên đỉnh tháp có tượng thần Shiva cưỡi ngưu thần Nandin, và các tượng linh vật như chim thiên nga, dê…
Ba tháp còn lại thờ thần Siva (một trong ba vị thần tối cao của Ấn Độ), thần Sanhaka, thần Ganeca (theo truyền thuyết là con trai thần Siva). Ngoài ra, trong quần thể kiến trúc còn giữ lại nhiều bia ký cổ nhất của người Chăm, ghi lại những lời ca ngợi Thánh Mẫu, liệt kê những cống phẩm để xây dựng tháp cùng với việc dâng cúng ruộng đất…
Tháp Ponagar là một quần thể kiến trúc độc đáo và đặc sắc của người Chăm, được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1979. Lễ hội Tháp Bà Ponagar diễn ra từ ngày 21 - 23/3 âm lịch hàng năm, là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và được xếp hạng là một trong 16 lễ hội cấp quốc gia.
Thu Giang