Phát biểu tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá Vương Thị Hải Yến cho biết, Thanh Hoá là tỉnh có tài nguyên du lịch nhân văn phong phú, đặc sắc và nhiều thắng cảnh nổi tiếng có giá trị quốc gia và quốc tế, có lợi thế về giao thông, về tiềm lực đầu tư để phát triển du lịch. Với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh và Thanh Hóa trở thành một trong những trọng điểm du lịch của cả nước vào năm 2025; trong những năm qua, tỉnh Thanh Hóa hết sức coi trọng công tác xúc tiến đầu tư và đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư chiến lược mang tầm quốc gia, quốc tế như Tập đoàn FLC, Sun group, Vin group, Flamingo, Mường Thanh... và các doanh nghiệp lữ hành hàng đầu Việt Nam như Vietravel, Saigontourist… Nhiều dự án đầu tư có quy mô lớn đã được triển khai thực hiện và đi vào hoạt động, đem đến diện mạo mới và những trải nghiệm khác biệt cho du khách về chất lượng dịch vụ du lịch tại Thanh Hóa; góp phần tích cực vào sự phát triển của du lịch Thanh Hóa nói riêng và du lịch cả nước nói chung. Thanh Hóa có 1.535 di tích lịch sử, văn hóa danh lam, thắng cảnh với 833 di tích đã được xếp hạng. Vùng đất Thanh Hóa là nơi sinh tụ của 6 dân tộc thiểu số, mà mỗi tộc người mang một sắc thái riêng, tạo nên bức tranh lung linh đa sắc mầu của văn hóa xứ Thanh. Hệ thống văn hóa phi vật thể của Thanh Hóa cũng rất đa dạng và đặc sắc, từ các loại hình nghệ thuật, các điệu hò trên sông Mã đến các làn điệu dân ca, dân vũ; những lễ hội đặc sắc; những làng nghề truyền thống...
Năm 2019, lượng khách đến Thanh Hóa đạt trên 9,6 triệu lượt khách; tổng thu du lịch đạt trên 14.500 tỷ đồng. Năm 2020, trước những bất lợi về thiên tai và dịch bệnh, tỉnh Thanh Hoá đã tích cực, chủ động phát huy nội lực, đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc giải quyết khó khăn và khôi phục ngành kinh tế du lịch; đồng thời triển khai hiệu quả Kế hoạch phát động Chương trình "Người Việt Nam đi Du lịch Việt Nam" của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tính đến tháng 11/2020 Du lịch Thanh Hoá ước đón được 7.183.300 lượt khách; tổng thu du lịch ước đạt 10.278,7 tỷ đồng.
“Thanh Hoá kỳ vọng sẽ tạo thêm nhiều cơ hội hợp tác, liên minh giữa các doanh nghiệp du lịch để có những sản phẩm du lịch đạt chất lượng cao với giá thành hấp dẫn, góp phần kích cầu du lịch hiệu quả trong thời gian tới. Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa sẽ cam kết hỗ trợ, đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi nhất trong khuôn khổ quy định của pháp luật cho các doanh nghiệp du lịch khi đến với Thanh Hoá; đồng thời triển khai đồng loạt các giải pháp để đảm bảo môi trường du lịch văn minh, an toàn, mến khách” bà Vương Thị Hải Yến nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đánh giá cao tiềm năng, thế mạnh của Du lịch Thanh Hoá. Tuy nhiên, Thanh Hóa cần đổi mới sản phẩm du lịch nhưng hạn chế xâm phạm cảnh quan thiên nhiên. Phát triển phải dựa trên nền tảng về những cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử văn hóa; cần đẩy mạnh khả năng kết nối giữa các điểm du lịch, nghỉ dưỡng với các điểm du lịch thiên nhiên, di tích lịch sử văn hóa, cũng như chất lượng nguồn nhân lực; cần ứng dụng công nghệ thông tin vào các sản phẩm du lịch và giới thiệu điểm đến; tổ chức các chuyến khảo sát cho doanh nghiệp du lịch và báo chí để xây dựng sản phẩm du lịch và tuyên truyền giới thiệu điểm đến.
Chia sẻ tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc cho biết, việc Thanh Hóa tổ chức chương trình giới thiệu quảng bá du lịch Thanh Hóa là một sáng kiến kịp thời, nhạy bén để vừa hưởng ứng chủ trương của Chính phủ, của Bộ VHTTDL, vừa giới thiệu quảng bá giới thiệu về điểm đến du lịch an toàn, hấp dẫn. Thanh Hóa là tỉnh có vị trí địa lý chính trị quan trọng, kết nối giữa vùng đồng bằng sông Hồng với miền Trung và cả nước. Tổng cục Du lịch mong muốn tỉnh Thanh Hóa tiếp tục nỗ lực vượt qua các khó khăn, thách thức và chung tay với ngành du lịch cả nước để duy trì, phục hồi và hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại trong ngành du lịch và tiếp tục tập trung thực hiện một số giải pháp sau: Truyền tải mạnh mẽ thông điệp về điểm đến an toàn, hấp dẫn nhằm mang lại niềm tin, sự thoải mái cho nhân dân, du khách và cộng đồng doanh nghiệp, đảm bảo cho du khách môi trường du lịch an toàn, an ninh, vệ sinh; tập trung phát triển làm mới các sản phẩm dịch vụ phù hợp với các thị trường và xu hướng du lịch mới; tăng cường ứng dụng công nghệ số, công nghệ xanh, công nghệ sạch để phát triển sản phẩm, dịch vụ, gia tăng tiện ích và trải nghiệm cho khách du lịch. Tổng cục Du lịch cam kết sẽ luôn phối hợp chặt chẽ và đồng hành cùng tỉnh Thanh Hóa và các doanh nghiệp du lịch trong kết nối đẩy mạnh phát triển du lịch nội địa, đảm bảo an toàn phòng chống dịch và tiếp tục những bước chuẩn bị sẵn sàng để chào đón khách quốc tế trở lại Việt Nam khi các điều kiện cho phép trong thời gian tới.
Trong khuôn khổ Chương trình cũng đã diễn ra lễ ký kết giữa doanh nghiệp du lịch Hà Nội và doanh nghiệp Thanh Hóa.
Nhâm Hiền