Tại Đắk Lắk, đoàn đã khảo sát, tham quan một số khu, điểm du lịch nổi tiếng như: Núi Đá Voi Mẹ, hồ Lắk, Khu du lịch sinh thái Cộng đồng Ko Tam, di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột, thác Dray Sáp Thượng và sông Sêrêpốk, điểm du lịch Trang trại Ca cao (huyện Krông Ana), điểm du lịch Suối Ong; khảo sát Bảo tàng Thế giới Cà phê, Điểm du lịch thác Bảy Nhánh, Điểm du lịch sinh thái Troh Bư...
Ngày 11/8, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk và Sở Du lịch thành phố Hà Nội tổ chức Tọa đàm xúc tiến, quảng bá, kết nối sản phẩm du lịch giữa 2 địa phương. Tọa đàm nhằm phát huy thế mạnh của từng địa phương trong quá trình khai thác, phát triển du lịch; tăng cường hỗ trợ, gắn kết doanh nghiệp du lịch tỉnh Đắk Lắk với doanh nghiệp du lịch Hà Nội, tạo sự liên kết các tuyến, điểm du lịch, thu hút khách du lịch nội địa và khách quốc tế đến hai địa phương.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thụy Phương Hiếu cho biết, Đắk Lắk có cơ sở hạ tầng, giao thông thuận lợi, có sân bay nội địa và có thể nâng cấp để đón khách quốc tế. Tỉnh Đắk Lắk có 41 di tích được xếp hạng, trong đó hầu hết là di tích danh lam thắng cảnh, có hai Di tích quốc gia đặc biệt. Địa bàn tỉnh có 228 cơ sở lưu trú du lịch, 29 cơ sở lữ hành, 3 bảo tàng; trong đó, 32 cơ sở lưu trú được xếp hạng 4 - 5 sao. Tỉnh có sự đa dạng văn hóa với 49 dân tộc sinh sống trên địa bàn. Cùng với Không gian văn hóa cồng chiêng được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại, tỉnh Đắk Lắk có ba Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là: Sử thi Ê Đê, Lời nói vần của người Ê Đê ở huyện Cư M’gar, Lễ mừng thọ của người M’nông ở huyện Lắk. Tỉnh Đắk Lắk đang nỗ lực phục hồi, kích cầu du lịch. Thông qua Tọa đàm, bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu mong muốn, Sở Du lịch, các doanh nghiệp du lịch Hà Nội góp ý để tỉnh hoàn thiện sản phẩm du lịch, thúc đẩy phát triển du lịch, đạt mục tiêu năm 2022 là có 905.000 lượt khách đến Đắk Lắk.
Tại buổi tọa đàm, các đơn vị đã trao đổi kinh nghiệm, giải pháp hợp tác phát triển, xây dựng các tour, tuyến liên kết phát triển du lịch giữa Đắk Lắk và Hà Nội. Các đại biểu đề xuất, bên cạnh việc tăng cường xúc tiến quảng bá hình ảnh và mời gọi đầu tư, Đắk Lắk cần chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, bảo tồn phát triển văn hóa, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch đa dạng độc đáo; cần xây dựng những sản phẩm mang đặc trưng văn hóa; nâng cấp chất lượng sản phẩm du lịch. Đắk Lắk cần giám sát chất lượng dịch vụ để đảm bảo an toàn, phục vụ du khách tốt hơn; tập trung nâng cao nguồn nhân lực phục vụ du lịch, tận dụng tối đa sự tham gia của cộng đồng trong phát triển du lịch... Qua đó, tạo sức bật phát triển du lịch Đắk Lắk theo hướng bền vững, đưa nơi đây trở thành địa điểm hấp dẫn thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan du lịch.
Lan Phương