Phân tích SWOT việc phát triển sản phẩm du lịch spa tại Bà Rịa - Vũng Tàu
Điểm mạnh
Bà Rịa - Vũng Tàu có suối khoáng nóng Bình Châu, điểm du lịch thu hút khách nằm trên địa bàn huyện Xuyên Mộc. Suối khoáng nóng Bình Châu nằm giữa rừng nguyên sinh xanh bạt ngàn, không gian thoáng mát, có dòng nước nóng trào dâng từ lòng đất cùng hơn 70 điểm phun nước lộ thiên với hàm lượng khoáng cao, nhiệt độ từ 37 - 820C tùy khu vực. Đến đây, du khách còn được trải nghiệm dịch vụ tắm bùn khoáng tự nhiên với độ sệt vừa phải giúp dưỡng da, thải độc tố, thanh lọc cơ thể và tuần hoàn máu. Khu du lịch còn cung cấp thêm các dịch vụ xông hơi, xoa bóp, tắm thuốc Bắc, luộc trứng gà dưới giếng trời với nhiệt độ nước khoảng 820C, câu cá nước ngọt và các dịch vụ vui chơi cho trẻ em... Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) đã bình chọn suối khoáng nóng Bình Châu là một trong 65 khu du lịch sinh thái bền vững của 47 quốc gia trên toàn cầu.
Người dân Bà Rịa - Vũng Tàu vốn đã quen thuộc với các hoạt động phục vụ khách du lịch. Bên cạnh đó, nhân lực phục vụ spa không cần nhiều về trình độ học vấn nên nguồn nhân lực sẵn có tại địa phương có thể đáp ứng yêu cầu phát triển lĩnh vực này. Về quy trình, có thể một hoặc hai nhân viên cùng chăm sóc khách (massage - body, chăm sóc - điều trị da, tập yoga…), hay không cần sự xuất hiện của nhân viên (xông hơi khô, xông hơi ướt…); lượng khách phục vụ một lần có thể là một người hoặc nhóm nhỏ gồm vài người. Số lượng khách và số lượng nhân viên phục vụ có thể điều chỉnh tùy theo yêu cầu của khách, không gian chăm sóc có thể tại spa, phòng nghỉ của khách hoặc tại nhà. Chính sự linh hoạt này giúp dịch vụ spa có thể hoạt động trong thời điểm dịch bệnh COVID-19, bởi với quy tắc 5K, các cơ sở lưu trú, các cơ sở kinh doanh spa đều có thể tuân thủ, mang lại cảm giác an toàn cho khách. Dịch vụ spa hoàn toàn không chịu ảnh hưởng bởi tính thời vụ du lịch, thời tiết (mưa bão, khí hậu lạnh) hay bị tác động bởi thời gian nghỉ lễ tết và nhu cầu du lịch của du khách. Đây chính là những lợi thế để phát triển sản phẩm du lịch đặc thù.
Điểm yếu
Theo Hiệp hội Spa, tại Việt Nam vẫn chưa có một tiêu chuẩn nào dành cho việc đánh giá chất lượng dịch vụ spa tại cơ sở lưu trú hoặc cơ sở kinh doanh spa. Cách đánh giá chủ yếu dựa vào phản hồi của khách hàng thông qua cảm nhận và sự hài lòng của khách sau khi sử dụng dịch vụ. Hoặc để xác định tay nghề của nhân viên spa, các cơ sở chỉ có thể đánh giá thông qua kinh nghiệm làm việc và trải nghiệm chất lượng phục vụ của nhân viên nhưng có phần chủ quan. Điều này gây khó khăn cho việc tuyển dụng, trả lương và thưởng xứng đáng cho nhân viên giỏi nghề.
Cơ sở đào tạo và dạy nghề spa chính quy, có bằng cấp được công nhận tập trung ở các thành phố lớn và còn hạn chế về số lượng. Các cơ sở đào tạo khác tại địa phương chủ yếu nhỏ lẻ, theo hình thức cầm tay chỉ việc hoặc truyền thụ kinh nghiệm và các bước thao tác cơ bản là chính. Người học sau khi ra nghề sẽ tiếp tục làm việc tại tiệm hoặc mở tiệm nhỏ tại nơi mình sinh sống. Do vậy, việc đánh giá quy trình hoặc có một chuẩn mực chung cho ngành spa là rất khó.
Trong giai đoạn dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, các hoạt động du lịch đang bị ngừng trệ, gây khó khăn cho các đơn vị và cá nhân trong ngành du lịch và các ngành dịch vụ đi kèm. Trong khi đó, spa là ngành dịch vụ cho thể phục vụ khách cá nhân hoặc theo nhóm nhỏ hay phục vụ khách tại nhà/tại phòng nếu khách có yêu cầu. Thao tác phục vụ và chăm sóc khách của nhân viên được thực hiện đa phần là tiếp xúc trực tiếp với khoảng cách gần. Do vậy, làm thế nào để khách hàng yên tâm và sử dụng dịch vụ là điểm khó khăn chung đối với các cơ sở kinh doanh spa và các cơ sở lưu trú tại Việt Nam, không chỉ riêng tại Vũng Tàu.
Cơ hội
Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, vấn đề chăm sóc và bảo đảm sức khỏe sẽ càng được đề cao và quan tâm hơn. Mặt khác, xu hướng điều trị bệnh hiện nay đang dần được chuyển sang hướng thân thiện với thiên nhiên, hạn chế dùng thuốc, phẫu thuật và chuộng dùng biện pháp thực dưỡng kết hợp phương pháp đông y. Điều này mang đến cơ hội thuận lợi cho việc hình thành các cơ sở cung cấp dịch vụ massage, bấm huyệt hay các khu nghỉ dưỡng chuyên biệt.
Trước đây, khách du lịch Việt Nam muốn trải nghiệm dịch vụ spa chuyên nghiệp thường chọn tour du lịch Thái Lan, Hàn Quốc là chủ yếu vì các quốc gia này vốn nổi tiếng về sản phẩm dịch vụ đặc trưng này. Tại Việt Nam, các dịch vụ spa và chăm sóc sức khỏe chỉ xuất hiện ở một số nơi cố định và nhỏ lẻ, thường không được đưa vào làm điểm chính trong tour. Việc hoàn chỉnh hệ thống và nâng cao chất lượng dịch vụ spa tại Bà Rịa - Vũng Tàu nói chung và thành phố Vũng Tàu nói riêng sẽ tạo nên sản phẩm du lịch mới lạ cho địa phương.
Dịch vụ spa không phụ thuộc vào thời vụ, có thể phục v�� cả khách đơn thuần và khách du lịch. Điều này giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư và xây dựng chiến lược, định hướng đối tượng khách cho việc kinh doanh quanh năm. Đặc biệt, lợi thế cạnh tranh sẽ nghiêng về doanh nghiệp nào biết nắm bắt cơ hội “cho ra đời” các gói dịch vụ phù hợp với từng đối tượng khách hàng.
Spa cũng như các ngành dịch vụ khác sẽ hỗ trợ tốt cho sản phẩm du lịch của địa phương, kích thích nhu cầu du lịch của du khách. Mặt khác, ngành nghề này mang lại nguồn thu ổn định cho ngân sáchđịa phương từ khách du lịch, khách cố định tại địa phương hoặc lượng khách có mục đích chữa bệnh, làm đẹp.
Thách thức
Spa không đơn thuần là một ngành dịch vụ mà còn là ngành nghề liên quan đến sức khỏe và thẩm mỹ nên việc đăng ký, đầu tư kinh doanh cần nhiều thủ tục chứng minh năng lực chuyên môn của đại diện pháp luật và đội ngũ nhân viên. Tuy nhiên, nhân viên có bằng cấp và chứng chỉ phần nhiều phụ thuộc vào nơi đào tạo. Số lượng đơn vị đào tạo đúng chuyên môn còn hạn chế, tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn như: trường trung cấp nghề, trung tâm y học cổ truyền, trung tâm chăm sóc sắc đẹp, hệ thống spa (có vốn đầu tư và quy chuẩn nước ngoài).
Dịch vụ massage nói riêng và ngành nghề spa nói chung vẫn đang gặp phải các vấn đề như: định kiến khách hàng (sản phẩm hạng sang, ngại đụng chạm cơ thể, nghề không chính đáng…) nên khó quảng bá thu hút khách, hạn chế nguồn nhân lực và kén khách. Điều này dẫn đến tình trạng các cơ sở kinh doanh spa được đầu tư nhưng chật vật tìm kiếm và mở rộng nguồn khách hàng mới. Bên cạnh đó, thị trường khách tiềm năng (diễn viên, người nổi tiếng, người có tài chính tốt) lại ưu ái và tin tưởng đối với các cơ sở kinh doanh spa có vốn đầu tư và công nghệ nước ngoài. Vấn đề này gây ra một số khó khăn nhất định cho các nhà đầu tư mới cũng như những chính sách hỗ trợ phát triển mở rộng ngành spa tại Vũng Tàu và các địa phương...
Làm gì để phát triển spa thành một sản phẩm du lịch đơn lẻ tại Vũng Tàu?
Hoàn thiện đội ngũ nhân viên và tạo cơ chế đánh giá chất lượng dịch vụ spa
Tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ spa, nhân viên cần được phân cấp công việc theo 3 nhóm chính: chuyên viên, kỹ thuật viên và nhân viên tư vấn. Việc đào tạo nhân viên thực hiện tốt từng mảng hoặc các mảng công việc giúp nâng cao chất lượng phục vụ khách cho cơ sở kinh doanh spa. Bên cạnh đó, cơ sở lưu trú và cơ sở kinh doanh spa cần có sự liên kết với cơ sở đào tạo để tuyển chọn nguồn nhân lực chất lượng giỏi tay nghề, hoặc phối hợp đào tạo đội ngũ nhân viên theo quy trình chăm sóc riêng của spa. Điều này giúp cơ sở đảm bảo đủ nguồn nhân lực và tạo được lợi thế cạnh tranh.
Chính quyền địa phương hoặc cơ quan quản lý nhà nước về du lịch tại địa phương cần tổ chức các cuộc thi tay nghề, thiết kế một quy chuẩn chung đánh giá chất lượng dịch vụ spa để làm cơ sở xác định tay nghề nhân viên spa. Thông qua cuộc thi, các cơ sở kinh doanh spa và cơ sở lưu trú có thể có thể xét, trả lương và thưởng cho nhân viên spa đúng năng lực, tạo sự nhiệt huyết và động lực cho người lao động. Mặt khác, khi doanh nghiệp có được sự công nhận về tay nghề nhân viên, có thể dùng thành tích này để nâng cao uy tín, vị thế của mình trong lòng khách hàng.
Hiệp hội nghề spa và cấp quản lý du lịch của địa phương cần có sự phối hợp để thanh tra, đánh giá chất lượng và thống nhất một mức giá cơ bản cho từng gói sản phẩm spa theo trình độ tay nghề hay chuẩn sao của cơ sở. Từ đó giúp khách hàng yên tâm sử dụng dịch vụ và phần nào hạn chế tình trạng “cạnh tranh về giá” hoặc thực tế “phá giá” của các cơ sở kinh doanh.
|
Spa là chữ viết tắt của từ La Tinh “Sanitas per aqua”, tức là sức khỏe tốt nhờ nước. Spa được hiểu là dịch vụ chăm sóc sức khỏe, làm đẹp bằng nước, massage kết hợp với những sản phẩm làm đẹp có nguồn gốc thiên nhiên, cùng với những công nghệ tiên tiến song hành là các thiết bị làm đẹp. Các quốc gia như Bỉ, La Mã, Hy Lạp được xem là quê hương của spa. Đến nay Nhật Bản, Thái Lan… là các quốc gia có ngành nghề spa phát triển. Đặc biệt, đây là dịch vụ được khách du lịch ưa chuộng. |
Xây dựng sản phẩm đặc trưng theo lộ trình của thành phố Vũng Tàu
Bước 1: Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, lập danh sách cơ sở kinh doanh spa và cơ sở lưu trú có dịch vụ spa để làm cơ sở quy hoạch và đưa ra chiến lược quảng bá sản phẩm.
Bước 2: Sở Du lịch kết hợp với các doanh nghiệp, chuyên gia thẩm định và đánh giá chất lượng dịch vụ spa tại các cơ sở: tay nghề nhân viên, vấn đề vệ sinh, kỹ năng giao tiếp và chăm sóc khách, quy trình cơ bản của từng nhóm dịch vụ (massage, gội đầu, trị mụn, xông hơi, yoga - gym…); cấp giấy phép hoặc giấy chứng nhận tiêu chuẩn/hạng sao cho cơ sở.
Bước 3: Xây dựng tiêu chuẩn cơ bản cho từng nhóm dịch vụ spa. Trường hợp các doanh nghiệp liên kết hoặc kinh doanh theo quy trình riêng của nước ngoài, hay thực hiện chuyển nhượng quyền kinh doanh cần thực hiện kê khai các bước quy chuẩn chăm sóc khách, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng mà cơ sở sử dụng. Công việc này nhằm đảm bảo quá trình quản lý và giám sát chất lượng dịch vụ mà vẫn tuân thủ nguyên tắc kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài ra, đây còn là cam kết về chất lượng và sự an toàn đối với khách hàng, cũng là cách tốt nhất để kích thích nhu cầu sử dụng dịch vụ của khách hàng.
Bước 4: Xây dựng kế hoạch và dự báo khả năng nhận khách theo từng giai đoạn. Việc này giúp việc quản lý nhóm sản phẩm spa được khoa học và hạn chế các rủi ro trong kinh doanh. Cần tham khảo kinh nghiệm kinh doanh và quản lý dịch vụ này của các quốc gia như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore… để đúc rút bài học cho riêng mình, tạo sự khác biệt tránh giẫm chân trong công tác quảng bá và kinh doanh sản phẩm.
Bước 5: Thế mạnh của Bà Rịa - Vũng Tàu là biển, suối khoáng nóng, nguồn lao động trẻ và có kinh nghiệm làm du lịch nên việc quảng bá chỉ cần đúng và trung thực. Đặc biệt, nắm bắt tâm lý người dân đang quan tâm đến sức khỏe và cách phòng ngừa bệnh, có thể tạo một trào lưu chăm sóc sức khỏe và hưởng thụ cuộc sống cho đại đa số đối tượng khách hàng tiềm năng (đặc biệt khách du lịch vùngTây Nam Bộ, Đông Nam Bộ).
Bước 6: Định hình thương hiệu và áp dụng các chính sách ưu đãi khuyến khích tiêu dùng sản phẩm. Các cơ sở kinh doanh spa, cơ sở lưu trú và doanh nghiệp lữ hành cần kết hợp tạo các gói sản phẩm tour nghỉ dưỡng kết hợp, ưu đãi trợ giá cho các hoạt động trải nghiệm của du khách, sau đó nhận ý kiến phản hồi của khách hàng, cải tiến và nâng cao chất lượng sản phẩm spa (tay nghề nhân viên, máy móc kỹ thuật, không gian spa, giá thành sản phẩm và các yếu tố khác). Khuyến khích các cơ sở kinh doanh spa ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành và kinh doanh spa nhằm hỗ trợ tốt cho công tác cập nhật nghiệp vụ chuyên môn và chăm sóc khách hàng. Các đơn vị liên quan cần thống nhất và định hình phong cách chung cho hệ thống spa tại Vũng Tàu, tuy nhiên mỗi spa vẫn nên tạo dấu ấn riêng để thu hút từng đối tượng khách hàng mục tiêu.
Kinh doanh spa vốn là dịch vụ dành cho giới thượng lưu Việt Nam, nếu được mở rộng hơn và ứng dụng tốt vào chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch của địa phương thì trong tương lai không xa, người Việt Nam không cần ra nước ngoài để “làm spa”. Thị trường du lịch Việt Nam nói chung và xu hướng du lịch Vũng Tàu nói riêng đang và sẽ dần bão hòa với các hoạt động tham quan cơ bản. Vì thế, việc phát triển sản phẩm từ spa sẽ tạo hướng đi mới cho Du lịch Vũng Tàu.
Tài liệu tham khảo:
1. Action coach, Thị trường Spa tại Việt Nam. Truy cập tại: http://actioncoachcbd.com/thi-truongspa-tai-viet-nam/. Thời gian truy cập: tháng 12/2020
2. Admin.p2h spa (2019), Nghề Spa và học nghề spa – Bật mí những bí mật. Truy cập tại: https://p2h.edu.vn/bat-mi-nhung-bi-mat-cua-nghe-spa.html. Thời gian truy cập: tháng 12/2020
3. Admin.p2h spa (2018), So sánh thị trường Spa ở các nước lânc ận Việt Nam. Truy cập tại: https://p2h.edu.vn/so-sanh-thi-truong-spa-o-cac-nuoc-lan-can-viet-nam.html. Thời gian truy cập: tháng12/2020.
Nguyễn Ngọc Diệp
(Nguồn: Tạp chí Du lịch tháng 10/2021)