Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch nông nghiệp, làng nghề
Hà Nội là một trong những địa phương có nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp, làng nghề gắn với du lịch, với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, nhiều sản vật địa phương và các làng nông nghiệp lâu đời. Các sản phẩm du lịch nông nghiệp, làng nghề chủ yếu khai thác mô hình trang trại đồng quê phục vụ du lịch học đường, du lịch cuối tuần. Việc tổ chức các hoạt động tham quan, trải nghiệm ở các khu trang trại, du lịch sinh thái... gắn với tìm hiểu giá trị văn hóa của từng địa phương đã từng bước giúp kéo dài chuỗi giá trị gia tăng, tạo thêm việc làm và đem lại thu nhập ổn định cho người dân vùng nông thôn. Nhiều mô hình sinh thái nông nghiệp gắn với du lịch, giáo dục trên địa bàn thành phố ngày càng thu hút đông du khách, như Khu du lịch sinh thái Bản Rõm (huyện Sóc Sơn); Khu du lịch Khoang Xanh - Suối Tiên, Ao Vua, hồ Tiên Sa (huyện Ba Vì); Khu du lịch hồ Quan Sơn (huyện Mỹ Đức), làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân (huyện Thường Tín), Công viên nông nghiệp Long Việt (huyện Sóc Sơn)...
Theo thống kê, Hà Nội hiện có 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước; 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 309 làng nghề và làng nghề truyền thống Hà Nội đã được công nhận. Các sản phẩm của làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội đa dạng nhiều chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, một số có khả năng cạnh tranh ở thị trường trong nước và nước ngoài. Trong công tác xây dựng sản phẩm du lịch và chất lượng sản phẩm du lịch ở khu vực nông thôn, việc phát triển sản phẩm du lịch làng nghề truyền thống được thành phố xác định là một trong thế mạnh. Theo đó, cùng với phát triển các sản phẩm nông nghiệp, nhiều làng nghề thủ công cũng được thành phố chú trọng bảo tồn, phát triển để gắn với phát triển du lịch. Từ năm 2013, Hà Nội đã phê duyệt Quy hoạch phát triển nghề, làng nghề thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó xác định danh mục 17 làng nghề truyền thống phát triển gắn với du lịch. Trong số 15 điểm, khu du lịch cấp thành phố, có 4 điểm du lịch làng nghề, như làng gốm Bát Tràng, làng sinh vật cảnh Hồng Vân, khảm trai Chuyên Mỹ, may Vân Từ. Du khách đến với các làng nghề được tham quan và trực tiếp làm thử một vài công đoạn sản xuất sản phẩm của các làng nghề. Bên cạnh những lợi ích kinh tế - xã hội, du lịch làng nghề còn góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa độc đáo của làng nghề truyền thống.
Trong những năm qua, thành phố Hà Nội và các địa phương đã quan tâm đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông, điện, nước, cải thiện cảnh quan môi trường, hình thành đội ngũ thuyết minh viên tại cơ sở; tổ chức gặp mặt nghệ nhân, thợ giỏi; hỗ trợ các làng nghề xây dựng thương hiệu, xử lý ô nhiễm môi trường... Công tác phát triển sản phẩm du lịch làng nghề truyền thống được các ngành chú trọng.
Sở Du lịch Hà Nội cũng phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung thực hiện chỉ đạo của Thành ủy và UBND Thành phố về chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Cùng với đó, Sở Du lịch Hà Nội thường xuyên chỉ đạo các doanh nghiệp lữ hành xây dựng các chương trình, tour giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh của du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội. Nhiều cơ sở mua sắm đạt chuẩn phục vụ khách du lịch đã được Sở Du lịch Hà Nội công nhận, tiêu biểu như: Hanoia, Tân Mỹ Design, cơ sở lụa Triệu Văn Mão, Phúc Hưng, Lan Sơn Silk...
Các mô hình nông nghiệp, làng nghề gắn với du lịch trên địa bàn thành phố Hà Nội đã góp phần tích cực trong giải quyết việc làm, gia tăng thu nhập cho bà con nông dân và góp phần gìn giữ nghề truyền thống, duy trì các sản vật địa phương. Bên cạnh lợi ích về kinh tế - xã hội, du lịch nông nghiệp còn góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo… Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nhà quản lý, các hoạt động du lịch nông nghiệp vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, trùng lắp; sản phẩm du lịch nông nghiệp chưa có thương hiệu, chưa thật sự đa dạng và hấp dẫn… Sự hợp tác giữa doanh nghiệp lữ hành và các điểm đến cung cấp hoạt động du lịch nông nghiệp còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ khách đến các làng nghề so với lượng khách du lịch đến Hà Nội còn rất thấp. Doanh thu chủ yếu vẫn từ các sản phẩm thủ công. Chi tiêu của khách du lịch cho các dịch vụ khác không nhiều.
Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, làng nghề gắn với du lịch ở Hà Nội
Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang, xác định tầm quan trọng của việc nâng cao kiến thức về du lịch cho cộng đồng dân cư, Sở Du lịch Hà Nội đã phối hợp với các quận, huyện, thị xã và các cơ sở đào tạo tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng kiến thức văn hóa du lịch cho những nghệ nhân, người dân tại một số địa bàn trọng điểm về phát triển du lịch như xã Cổ Đô, Vân Hòa (huyện Ba Vì), phường Quảng An (quận Tây Hồ), xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), xã Thạch Xá (huyện Thạch Thất), xã Vân Từ, Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên)... Nội dung đào tạo tập trung vào những vấn đề tâm lý khách du lịch; kỹ năng phục vụ, giao tiếp, giới thiệu sản phẩm và kỹ năng xây dựng, kết nối sản phẩm du lịch tại địa phương. Bên cạnh đó, Sở Du lịch Hà Nội đã tập trung tiến hành chuẩn hóa bài thuyết minh các điểm đến du lịch, đặc biệt là các địa danh gắn với các làng nghề tiêu biểu của Hà Nội. Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với chuyên gia trong nước và quốc tế chủ trì triển khai thí điểm xây dựng nhận diện thương hiệu (logo), biển chỉ dẫn và sản phẩm lưu niệm du lịch Hà Nội, trong đó nghiên cứu xây dựng nhận diện thương hiệu du lịch làng nghề Hà Nội và nhận diện thương hiệu du lịch cho làng nghề gốm sứ Bát Tràng, dệt lụa Vạn Phúc, đồng thời lựa chọn thiết kế một số sản phẩm lưu niệm đặc trưng của 2 làng nghề.
“Để thu hút khách du lịch cần quan tâm đến việc thỏa mãn những nhu cầu quan trọng nhất của khách du lịch là được trải nghiệm những điều mới lạ, độc đáo, thư giãn cũng như trải nghiệm văn hóa ẩm thực đặc sắc của điểm đến” - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang nhấn mạnh.
Các chuyên gia cũng cho rằng, việc đổi mới mẫu mã sản phẩm, định vị thương hiệu làng nghề là xu thế tất yếu, hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội cho các làng nghề. Quan trọng là các làng nghề cần tích cực thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát triển nghề và làng nghề; phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng và bảo tồn, phát triển các làng nghề; nâng cấp, chỉnh trang kết cấu hạ tầng của các làng nghề theo hướng phục vụ tốt hơn cho nhu cầu du lịch, như xây dựng các trung tâm trưng bày, giới thiệu sản phẩm, bãi đỗ xe, khu vệ sinh, khu sản xuất tập trung… Đồng thời, đầu tư công nghệ mới, thân thiện với môi trường; mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm của các làng nghề bằng cách đa dạng hóa mẫu mã và nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu; tăng cường công tác đào tạo nghề theo hình thức truyền nghề, nhân cấy nghề, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi tham gia đào tạo nghề.
Bên cạnh đó, cần xây dựng các mô hình du lịch nông nghiệp với các tour du lịch nông nghiệp làm mẫu để nhân rộng; khuyến khích, hướng dẫn người dân tại các vùng nông thôn tham gia phát triển nông nghiệp sạch gắn với du lịch. Ngoài ra, cần tăng tính liên kết giữa ba bên: nhà quản lý, người nông dân và doanh nghiệp du lịch; chú trọng đến công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của du lịch gắn với phát triển sản xuất nông nghiệp, làng nghề.
Hiền Nhâm
(Nguồn: Tạp chí Du lịch tháng 7/2021)