Phát biểu tại Hội nghị giao ban công tác VHTTDL 8 tháng đầu năm 2021 và nhiệm vụ trọng tâm 4 tháng cuối năm diễn ra tại Hà Nội chiều 30/8, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng khẳng định quyết tâm của ngành trong bối cảnh các hoạt động gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch COVID-19.
Theo Bộ trưởng, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng trực tiếp và toàn diện tới hoạt động của toàn ngành trên tất cả các lĩnh vực: di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đóng cửa; các hoạt động lễ hội, biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, chiếu phim... bị hoãn hoặc hủy; các giải thi đấu, các hoạt động thể dục thể thao liên tục bị hủy hoặc lùi thời hạn tổ chức dẫn đến việc các đội tuyển hầu như không có cơ hội tập huấn, cọ xát thi đấu quốc tế; du lịch quốc tế đóng cửa, khách nội địa giảm khiến doanh thu sụt giảm mạnh, người lao động không có thu nhập, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, nguồn lực tài chính cạn kiệt.
Các số liệu thống kê cho thấy, du lịch nội địa 8 tháng đầu năm đạt 31,2 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch đạt 136.520 tỷ đồng, giảm 36,5% so với cùng kỳ năm 2020. Tính đến ngày 20/8/2021, cả nước có 2.134 doanh nghiệp lữ hành quốc tế (so với cùng kỳ năm 2020, số doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã giảm 537 doanh nghiệp, giảm 20,1%).
Theo Bộ trưởng, năm 2021 là năm ưu tiên xây dựng cơ chế chính sách, tập trung hoàn thiện, cụ thể hóa đường lối chủ trương của Đảng, các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, rà soát phát hiện các điểm nghẽn để kịp thời báo cáo đề xuất các giải pháp tháo gỡ, giúp lĩnh vực quản lý nhà nước về lĩnh v��c ngành ngày càng tốt hơn.
Ngành đã tập trung chỉ đạo, đổi mới cách thức tiếp cận và tư duy quản lý, với tinh thần chủ động, nghiêm túc, quyết liệt, linh hoạt, công tác lãnh đạo, chỉ đạo bước đầu đạt được một số kết quả. Bộ VHTTDL đã chủ động rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực của ngành để chủ động đề xuất, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện. Theo đó, đã báo cáo Chính phủ xem xét, trình Quốc hội Hồ sơ dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi); hoàn thiện Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (phần nội dung quyền tác giả, quyền liên quan); Trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành: Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030; Chỉ thị về việc đẩy mạnh triển khai Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam; Đề án Đề xuất một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm... Tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền những - chính sách, giải pháp đúng đắn, kịp thời, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn như xây dựng Nghị định về chế độ, chính sách cho văn nghệ sỹ; Nghị định quy định về đào tạo đặc thù trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; Nghị định về hoạt động văn học; Nghị định Quản lý bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục quốc gia và Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh...
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của toàn dân tộc tiếp tục được phát huy mạnh mẽ, sự đoàn kết, gắn bó, yêu thương, chia sẻ được nhân rộng, nhân lên thành sức mạnh mềm của văn hóa. Bằng văn hóa và từ văn hóa, hoạt động của các đơn vị nghệ thuật Trung ương đã có sự đổi mới trong cách thức tổ chức, phục vụ khán giả; chuỗi chương trình nghệ thuật trực tuyến của Bộ với chủ đề “San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch” được đánh giá cao, mang đến “Liều vắc-xin tinh thần” phục vụ, cổ vũ nhân dân cùng nhau đoàn kết, vượt qua đại dịch.
Cùng với đó, Bộ VHTTDL đã kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai các Nghị quyết của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Công bố thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn “Thủ tục hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật gặp khó khăn do đại dịch COVID-19" và lĩnh vực du lịch “Hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19".
“Ngành đã chuyển hướng một số hoạt động, tận dụng cách mạng công nghiệp 4.0; công nghệ số, và liên kết với các cơ quan truyền thông để tập trung thực hiện các nhiệm vụ của ngành; thông qua các chương trình nghệ thuật giàu tính sáng tạo kết nối lan tỏa tinh thần đoàn kết, cùng với nhân dân chung sức vượt qua đại dịch; hình ảnh của các nghệ sỹ tiến vào tâm dịch đã có sức cổ vũ, động viên rất lớn; nhiều chương trình được sáng tạo dưới dạng nhà hát online được ví như liều thuốc tinh thần để cùng với toàn dân thực hiện tốt công tác phòng chống dịch. Trong hoạt động thể thao cũng có nhiều hoạt động, bên cạnh thể thao thành tích cao ở các giải thi đấu quốc tế đồng thời chuyển hướng với nhiều cách thức linh hoạt, sáng tạo, những bài tập trong thời gian giãn cách với thông điệp cả “cả nhà tập ngay- đánh bay COVID” như một lời kêu gọi thiết thực của ngành trong bối cảnh giãn cách để rèn luyện có thêm sức khỏe phòng chống dịch bệnh…đã được sự hưởng ứng của nhân dân… Lĩnh vực Du lịch đã tập trung xem xét cơ cấu lại, đề xuất hỗ trợ hướng dẫn viên Du lịch để ổn định nguồn lực lao động của ngành khi dịch bệnh được đẩy lùi; xây dựng các kịch bản để tổ chức ngay khi điều kiện cho phép, cơ cấu lại thị trường du lịch theo hướng chú trọng nhiều hơn đến thị trường nội địa, đáp ứng chuyển đổi số…”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhận định.
Ngành đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trình Thủ tướng Chính phủ đề án “Mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm”; Kế hoạch, phương án, quy trình thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc (Kiên Giang); Kế hoạch hành động phục hồi du lịch Việt Nam trong tình hình mới. Ban hành Chương trình hành động phát triển du lịch 2021-2025 thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025; Triển khai Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ. Tham mưu đề xuất các chính sách, giải pháp hỗ trợ ngành du lịch, hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Tổ chức thành công Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2021 và triển khai các hoạt động trong khuôn khổ Năm Du lịch quốc gia...
Chuyển đổi số về du lịch phát triển nhanh với việc truyền thông về hình ảnh Du lịch Việt Nam trên nền tảng số. Tính đến nay, đã có 13.698 doanh nghiệp đăng ký mới hoạt hệ thống an toàn COVID-19…
Về các nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm, ngành tiếp tục nỗ lực hoàn thiện Nghị quyết mới của Đảng về phát triển thể dục, thể thao; Chiến lược phát triển thể dục thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để tổ chức SEA Games 31.
Về Du lịch, đẩy nhanh tiến độ thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch; hoàn thiện phương án, giải pháp thúc đấy phát triển du lịch nội địa và chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản kích cầu trong điều kiện bình thường mới. Triển khai thực hiện Đề án thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc khi Thủ tướng Chính phủ cho phép.
Để hoàn thành các chương trình, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao, trong đó đặc biệt chú trọng tới dồn sức, góp lực, lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp, tinh thần sẻ chia để cùng cả nước vượt qua đại dịch COVID-19, Bộ trưởng yêu cầu cần tiếp tục nêu cao ý thức trách nhiệm, đổi mới tư duy tiếp cận trong công tác chỉ đạo, điều hành và thực thi nhiệm vụ.
“Tổ chức thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại từng cơ quan, đơn vị. Ưu tiên dồn sức, góp lực, lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp, tinh thần sẻ chia để cùng cả nước vượt qua đại dịch. Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: “Không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm” và phương châm “Quyết liệt hành động - Khát vọng cống hiến” của Bộ VHTTDL, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ.
Hùng Nguyễn