Quyết tâm cao nhất để có vaccine sản xuất trong nước
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu, tất cả mọi cơ quan, mọi cá nhân có trách nhiệm phải quyết tâm, cố gắng, nỗ lực cao hơn nữa, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa vì mục tiêu có vaccine sản xuất trong nước sớm nhất. Để có vaccine tiêm cho người dân nhiều nhất, nhanh nhất có thể, chúng ta thực hiện đồng bộ “kiềng ba chân” gồm mua và nhập khẩu; chuyển giao công nghệ để sản xuất; nghiên cứu, sản xuất trong nước. Trong đó, việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine trong nước có vai trò rất quan trọng. Đây là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, là công việc lớn của đất nước, được người dân rất trông đợi. Các bên liên quan phải phối hợp chặt chẽ, chủ động thực hiện các công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, mỗi người trên cương vị của mình phải làm hết trách nhiệm trên tinh thần “nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân được thụ hưởng thật”, đặt lợi ích quốc gia dân tộc, sức khỏe và tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết.
Bộ Y tế và các bên liên quan cũng đã báo cáo Chính phủ cụ thể về tình hình, tiến độ, kết quả chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất vaccine phòng COVID-19 trong nước. Cụ thể là việc nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng vaccine Nanocovax do Công ty Cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen nghiên cứu, phát triển, vaccine COVIVAC do Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC) thuộc Bộ Y tế nghiên cứu, phát triển; việc chuyển giao công nghệ vaccine từ nước ngoài để sản xuất trong nước (vaccine ARCT-154 của Hoa Kỳ do Vingroup thực hiện; vaccine của Công ty Shionogi (Nhật) do Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) và VABIOTECH triển khai; vaccine Sputnik-V (Nga) do VABIOTECH và Công ty DS-Bio triển khai)…
Thay đổi chiến lược điều trị COVID-19
Cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê cho biết do số bệnh nhân tăng nhanh và đông, Bộ Y tế thay đổi chiến lược điều trị, tất cả bệnh viện đều tiếp nhận ca COVID-19, thí điểm điều trị F0 tại nhà. Với sự lây lan nhanh của biến chủng Delta, số lượng ca nhiễm COVID-19 tăng nhanh tạo áp lực cho các cơ sở điều trị. Trước kia có 3 tuyến điều trị, bệnh nhân nặng điều trị tại bệnh viện trung ương, bệnh nhân trung bình điều trị ở tuyến tỉnh và bệnh nhân nhẹ ở tuyến huyện. Hiện nay, do số lượng bệnh nhân tăng nhanh và đông, với mục tiêu giảm tỷ lệ tử vong và tất cả bệnh nhân được tiếp cận với dịch vụ y tế, Bộ Y tế đã bổ sung một số điểm, chính sách.
Các bệnh viện trên toàn quốc cần chuẩn bị sẵn sàng ít nhất 40% giường bệnh để đón bệnh nhân COVID-19. Tất cả bệnh nhân ở các tuyến khi xác định nhiễm nCoV đều được tiếp cận điều trị từ y tế cơ sở, bệnh viện huyện, bệnh viện tư nhân... Ngoài các bệnh viện dã chiến chuyên điều trị bệnh nhân COVID-19, các bệnh viện khác phải tách đôi, thực hiện song song nhiệm vụ kép: vừa điều trị bệnh nhân thông thường vừa điều trị bệnh nhân COVID-19.
Bộ Y tế lưu ý việc cách ly ca nhiễm với những người trong gia đình, đảm bảo không lây nhiễm chéo cho gia đình và cộng đồng. Để việc quản lý ca nhiễm COVID-19 tại nhà đảm bảo an toàn, hiệu quả, việc tăng cường tư vấn bằng công nghệ thông tin như zalo, điện thoại, zoom, viber để tư vấn cho các ca bệnh. Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cũng nhấn mạnh mô hình quản lý, điều trị ca nhiễm COVID-19 tại nhà phải áp dụng đúng nơi đúng chỗ, đúng điều kiện.
Rút ra những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn chống dịch trên cả nước
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng COVID-19 vừa chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo để bàn về công tác phòng, chống dịch sau một thời gian thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo tập trung thảo luận cụ thể về những bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn chống dịch trên cả nước trong thời gian qua, nhất là tại TP. Hồ Chí Minh, để đưa vào kịch bản ứng phó dịch bệnh trong thời gian tới. Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, kinh nghiệm lớn nhất tại các địa phương cho thấy, trước hết phải bảo vệ vững chắc vùng an toàn (vùng xanh), đồng thời bao vây, thu hẹp vùng nguy cơ cao (vùng cam), rất cao (vùng đỏ).
Trong lúc tình hình dịch bệnh xuất hiện ở nhiều nơi trên cả nước, tất cả các địa phương đều cần thực hiện nghiêm túc phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để phát hiện những người đến, về từ địa phương khác. Các lực lượng xử lý nghiêm người đến, về từ địa phương khác mà không khai báo và chính quyền cấp cơ sở không nắm được cũng như không thực hiện các biện pháp quản lý y tế đối với những người này. Khi thực hiện giãn cách xã hội, nhất thiết phải thực hiện nghiêm, thực chất; tuyệt đối tránh tình trạng hình thức, “chặt ngoài, lỏng trong”. Khi đã thực hiện giãn cách xã hội (ở mức độ nguy cơ cao nhất theo Quyết định 2686/QĐ-BCĐQG và theo Chỉ thị 16/CT-TTg, phải bảo đảm đúng tinh thần “ai ở đâu ở đó”.
Bên cạnh đó, các địa phương thiết lập ngay hệ thống đường dây nóng, các đội y tế cộng đồng để tiếp nhận, giám sát, hỗ trợ y tế tại chỗ cho mọi người dân có triệu chứng mắc COVID-19 cũng như các vấn đề sức khỏe khác. Gần đây, TP. Hồ Chí Minh đã phổ biến các đơn thuốc, phương pháp tự chăm sóc, theo dõi, bảo vệ sức khoẻ cho người dân tại các khu cách ly, phong tỏa…
Để người dân không ra khỏi nhà trừ trường hợp thật cần thiết, kinh nghiệm cho thấy, cần có hệ thống phân phối hàng hóa, lương thực, thực phẩm bảo đảm thông suốt, trong đó, những người thực hiện giao hàng được xét nghiệm định kỳ, tiêm vaccine, có dấu hiệu nhận diện, mã QR… Công tác xét nghiệm phải có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm khoa học, hiệu quả, tiết kiệm.
Đối với các khu vực đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, nếu cần xét nghiệm tầm soát cộng đồng ở những thời điểm nhất định, phải thực hiện lấy mẫu đại diện gia đình, xét nghiệm mẫu gộp; dành nguồn lực xét nghiệm để tăng tần suất đối với khu vực bệnh viện, các đối tượng nguy cơ cao (phải di chuyển ra khỏi nhà), người cao tuổi, có bệnh nền…; trong đó, chú ý hướng dẫn người dân tự lấy mẫu để giảm tải cho lực lượng y tế.
Thanh Hiền
*Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ