Xu hướng Internet marketing hậu COVID-19
Trong thời gian tới, dự đoán sự gia tăng của Internet và sự phát triển mạnh mẽ, rộng khắp của công nghệ sẽ có tác động mạnh mẽ tới ngành Du lịch. E-marketing trở thành thiết yếu đối với hoạt động marketing toàn cầu đặc biệt trong lĩnh vực du lịch. Cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ và các xu hướng tiêu dùng mới thông qua môi trường số, Internet Marketing sẽ là công cụ hữu hiệu góp phần mang đến sự thành công cho các doanh nghiệp du lịch Việt Nam. Bởi thế, các doanh nghiệp cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến và kinh doanh du lịch, trong đó hướng vào ứng dụng mạng xã hội facebook, youtube…; đẩy mạnh thương mại du lịch thông qua việc công nghệ hóa các website, tạo điều kiện thuận tiện để khách du lịch dễ dàng đặt các dịch vụ du lịch, xây dựng niềm tin, duy trì môi trường thương mại điện tử lành mạnh; thúc đẩy khách du lịch trực tiếp hỗ trợ quảng bá du lịch thông qua việc đăng tải hành trình thông qua các trang mạng xã hội. Ngoài ra, để đẩy mạnh ứng dụng e-marketing trong xúc tiến du lịch và e-commerce trong kinh doanh du lịch cần có sự hỗ trợ, phối hợp thực hiện của nhiều ban ngành khác nhau đảm bảo các điều kiện cần thiết như: đường truyền internet ổn định, tốc độ cao; thông tin chính xác, minh bạch, đa chiều, đầy đủ; đảm bảo an toàn thông tin và an toàn giao dịch thươngmại... Bên cạnh đó, công tác xúc tiến, quảng bá cũng đòi hỏi sự năng động và linh hoạt cao của đội ngũ lao động với kỹ năng, nghiệp vụ và khả năng sử dụng công nghệ. Trong tình hình mới, nhân lực trong xúc tiến quảng bá du lịch sẽ có những đặc thù riêng: là những lao động trẻ, năng động, nhiệt tình; có sự quốc tế hóa trong việc sử dụng lao động, đặc biệt ở các cấp quản lý marketing, bán hàng hay phát triển sản phẩm...
Một số định hướng cụ thể
Nghiên cứu thị trường
Chú trọng công tác nghiên cứu thị trường, nghiên cứu xu hướng và nhu cầu khách du lịch quốc tế và khách du lịch nội địa đến Hà Nội; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về khách du lịch đến Hà Nội; ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại vào nghiên cứu thị trường, thống kê..., sử dụng hệ thống viễn thông và mạng Internet để xác định lượng khách truy cập khi đến Hà Nội. Nghiên cứu đánh giá đồng thời học tập kinh nghiệm của các đối thủ cạnh tranh của Du lịch Hà Nội như Đà Nẵng, Quảng Nam, thành phố Hồ Chí Minh, và Bangkok (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia), Siem Reap (Campuchia)...
Xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch Thủ đô Hà Nội
Xác định thương hiệu du lịch văn hóa là thương hiệu bao trùm của Thủ đô Hà Nội, các thương hiệu nhánh được phân chia theo từng phân đoạn thị trường mục tiêu hoặc từng chủ đề của mỗi năm du lịch. Thống nhất sử dụng thương hiệu du lịch văn hóa tại tất cả các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch thành phố Hà Nội trong và ngoài nước. Xây dựng chương trình xúc tiến quảng bá, chương trình truyền thông về thương hiệu du lịch văn hóa Hà Nội. Xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch văn hóa Hà Nội làm hình ảnh đại diện trong hoạt động xúc tiến quảng bá của cả thành phố.
Marketing bên trong
Nâng cao nhận thức về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô đối với tất cả các bên liên quan như các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân... Khuyến khích mỗi người dân Thủ đô tích cực phát huy vai trò, trở thành một hướng dẫn viên du lịch, tham gia thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng của Hà Nội, có những sáng kiến nâng cao hình ảnh du lịch Thủ đô, xanh, sạch, đẹp, lịch sự, văn minh.
Marketing bên ngoài
Xây dựng chương trình xúc tiến quảng bá đến thị trường quốc tế mang tính chủ động, dẫn dắt thị trường, phù hợp với nhu cầu của từng thị trường mục tiêu; tổ chức các sự kiện văn hóa - du lịch Hà Nội tại các thị trường mục tiêu quan trọng như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Pháp, Mỹ…
Hợp tác với các trang web du lịch uy tín như Tripadvisor, Kayak, Airbnb... để sử dụng hiệu quả đánh giá, phản hồi của khách du lịch đến Hà Nội, đặc biệt đối với khách du lịch quốc tế. Lựa chọn đại diện thương hiệu du lịch là những người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng trên cộng đồng mạng (KOL), là người nước ngoài và Việt Nam, trong quảng bá Du lịch Hà Nội thông qua việc tham gia các hoạt động cộng đồng, sự kiện đại chúng ở Hà Nội, hoặc đăng tải hình ảnh đẹp, bài viết hay về Du lịch Thủ đô.
Sử dụng hiệu quả kết hợp tuyên truyền quảng bá trực quan thông qua hệ thống pano, áp phích, biển quảng cáo, quảng cáo chéo giữa doanh nghiệp dịch vụ… và các ấn phẩm quảng bá chung của ngành, các phương tiện truyền thông đại chúng như mạng xã hội (Facebook, Instagram, Twitter...), truyền hình quốc tế, trong nước, báo chí... để cung cấp các thông tin chính thống về Du lịch Hà Nội, quảng bá Du lịch Hà Nội với quốc tế và nội địa.
Tổ chức nhiều sự kiện văn hóa lớn kết hợp với du lịch để tăng cường thu hút khách du lịch trong nước, các sự kiện chuyên đề về văn hóa, xã hội, cộng đồng thu hút khách du lịch nội địa trẻ tuổi. Cung cấp các ưu đãi về giá cả, dịch vụ đối với khách du lịch là người Việt Nam khi tham gia các hoạt động du lịch tại Hà Nội.
Tăng cường liên kết hợp tác với các bên liên quan như hàng không, ngân hàng, giao thông vận tải, thông tin truyền thông... cùng tham gia hoạt động xúc tiến quảng bá Du lịch Thủ đô. Liên kết hợp tác với các hãng lữ hành quốc tế, đặc biệt tại các thị trường mục tiêu, để xúc tiến du lịch, có cơ chế ưu đãi phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các hãng lữ hành lớn này. Xây dựng chương trình liên kết hợp tác với các địa phương trong và ngoài nước trong xúc tiến du lịch, kết nối tour nội địa và xuyên quốc gia. Xây dựng một số sự kiện du lịch lớn có tính định kỳ, mang dấu ấn đậm nét của Hà Nội và đúng tầm Thủ đô nghìn năm văn hiến.
Phát triển công nghệ 4.0
Ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin nhằm gia tăng trải nghiệm và tính tương tác cho khách du lịch đối với Hà Nội, đặc biệt nâng cấp website du lịch Hà Nội, xây dựng ứng dụng di động Hà Nội với bản đồ miễn phí, trợ lý ảo... để hỗ trợ du khách. Khuyến khích và hỗ trợ các điểm du lịch trên địa bàn thành phố cung cấp dữ liệu số để tăng cường nội dung cho website, ứng dụng di động của Hà Nội, tạo lập một hệ thống số thống nhất trên toàn thành phố. Phát triển cổng thông tin du lịch Hà Nội tích hợp thương mại điện tử, cho phép các khu điểm du lịch trên địa bàn có thể giới thiệu và bán các sản phẩm du lịch, vé tham quan, vé sử dụng dịch vụ trên trang web.
|
Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 sẽ thu hút lượng khách du lịch trong nước và quốc tế tương đương năm 2019, với trên 7 triệu lượt khách quốc tế và trên 23 triệu lượt khách nội địa, những năm tiếp theo sẽ giữ nhịp tăng trưởng khách du lịch quốc tế từ 12 - 15%/năm, khách nội địa từ 5 - 7%/năm. |
Đề xuất hoạt động xúc tiến du lịch trong nước và quốc tế giai đoạn 2021 - 2025
Các chương trình xúc tiến du lịch trong nước hướng tới khách nội địa đến Hà Nội: tham gia các sự kiện du lịch lớn trong nước như Năm du lịch quốc gia, các sự kiện văn hóa, thể thao lớn; tuyên truyền, quảng bá du lịch trên các loại hình báo chí trong nước; quảng bá du lịch Hà Nội tại các sân ga, sân bay, các nút giao thông quan trọng có lưu lượng khách lớn; tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên đề về xúc tiến du lịch nhằm tăng cường sự liên kết giữa các vùng miền, địa phương; phối hợp tổ chức và tham gia các hội chợ, sự kiện du lịch quốc tế ở trong nước; đón các đoàn lữ hành, báo chí quốc tế.
Các chương trình xúc tiến du lịch hướng tới khách quốc tế đến Hà Nội: tổ chức các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch Hà Nội ở nước ngoài (tại các thị trường trọng điểm ở khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương, Bắc Mỹ, Tây Âu và Đông Âu); tham gia các hội chợ du lịch quốc tế ở các thị trường trọng điểm và tiềm năng; quảng bá Du lịch Hà Nội trên một số phương tiện truyền thông quốc tế; tổ chức cho các hãng lữ hành và đơn vị truyền thông, báo chí nước ngoài đến Hà Nội để khảo sát điểm đến, sản phẩm và dịch vụ du lịch; tham gia các hội nghị, hội thảo ở nước ngoài nhằm xúc tiến du lịch Hà Nội tại các thị trường trọng điểm và thị trường tiềm năng…
Hữu Việt
(Nguồn: Tạp chí Du lịch tháng 7/2021)