Nước ta có nhiều làng nghề thủ công truyền thống, trong đó, nhiều làng nghề có lịch sử phát triển lâu đời và độc đáo; là một quốc gia có thế mạnh về những sản phẩm làng nghề truyền thống, góp phần tạo việc làm cho hơn 11 triệu lao động nông thôn. Nghề thủ công truyền thống được coi là một loại tài nguyên du lịch nhân văn quan trọng và có sức hấp dẫn lớn đối với du khách. Thông thường, nghề thủ công truyền thống sản xuất những công cụ và đồ dùng sinh hoạt thủ công cho nhân dân, với những sản phẩm độc đáo không chỉ thể hiện tài khéo léo của người dân lao động mà còn thể hiện những tư duy triết học, những tâm tư tình cảm của con người. Và đó là những đặc tính riêng của các nghề và làng nghề thủ công truyền thống của các dân tộc, các địa phương.
Bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống
Làng nghề truyền thống chính là một nguồn tài nguyên du lịch nhân văn dồi dào, có thể khai thác, sử dụng ở cả hai hình thức là du lịch và thương mại, vì các làng nghề này có mật độ lớn, nằm dọc các trục đường giao thông và gắn liền với những di tích lịch sử, văn hóa, lễ hội. Cả hai hình thức này đều thu hút một lượng khách du lịch nội địa cũng như quốc tế khá lớn, đặc biệt là khách Tây Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Làng nghề truyền thống nói chung và làng nghề truyền thống Hà nội nói riêng, bên cạnh những thành tựu đã đạt được như bước đầu khôi phục hoạt động truyền thống của làng nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, phát triển các hoạt động văn hóa dân gian, xây dựng môi trường du lịch văn hóa, cải thiện các cơ sở hạ tầng kết hợp với bảo vệ môi trường sinh thái, đẩy mạnh công tác dạy nghề, đào tạo cho lớp trẻ nhằm duy trì, gìn giữ nghề truyền thống và bản sắc văn hóa của làng nghề. Với ý nghĩa đó, sau khi mở rộng địa giới hành chính, sáp nhập thêm địa bàn tỉnh Hà Tây - một địa bàn có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng, làng nghề... lãnh đạo thành phố Hà Nội đã có chủ trương phát triển làng nghề và làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch bền vững. Theo đó, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã, đang và sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc huy động mọi tầng lớp nhân dân, các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng môi trường du lịch, phát triển làng nghề và du lịch làng nghề trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch đồng bộ thống nhất.
Đối với làng nghề, trong giai đoạn 2010 – 2015, nhằm bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề Hà Nội, Thành phố đã tập trung nguồn vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để triển khai thực hiện ba nhiệm vụ trọng tâm: bảo tồn làng nghề truyền thống; phát triển làng nghề kết hợp với du lịch; xây dựng làng nghề mới đồng thời với công tác xử lý môi trường làng nghề. Riêng đối với làng nghề truyền thống, Hà Nội ưu tiên khôi phục, bảo tồn 25 làng nghề đã có từ lâu đời nhưng đang có nguy cơ mai một, thất truyền như: sơn mài Đông Mỹ, nón lá Đại Áng, giấy sắc Nghĩa Đô, tết thao Triều Khúc, giấy dó Vân Canh, đúc đồng Ngũ Xã... Công việc sẽ được triển khai theo hướng gắn kết làng nghề truyền thống với hoạt động du lịch, duy trì hoạt động trình diễn nghề, hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho các nghệ nhân; bảo tồn một số công nghệ cổ truyền tinh xảo, độc đáo và khuyến khích chuyển sang sản xuất các loại sản phẩm cao cấp mang tính nghệ thuật có giá trị cao, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và khách du lịch quốc tế.
Song song với nhiệm vụ bảo tồn làng nghề truyền thống, Thành phố chú trọng phát triển làng nghề với mức đầu tư khá lớn nhằm mục tiêu tạo nhiều việc làm tại chỗ và tăng thu nhập cho người lao động, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Hướng phát triển trong thời gian tới là đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ mà trước hết là phát triển các làng nghề mới từ các làng nghề đã có nghề và làng nghề thuần nông với phương thức dựa vào cộng đồng và có sự hỗ trợ của Nhà nước. Để khuyến khích các dự án trong lĩnh vực bảo tồn phát triển nghề, làng nghề, Hà Nội chủ trương sẽ cho các đơn vị sản xuất vay vốn không tính lãi, thời hạn từ 3 – 5 năm từ các quỹ của Thành phố. Hà Nội cũng ưu tiên công tác quy hoạch mặt bằng sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng chợ đầu mối cung ứng nguyên liệu, hỗ trợ kinh phí tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề và xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ cho nghệ nhân làng nghề. Tập trung xây dựng và phát triển thương hiệu; hỗ trợ kinh phí thuê gian hàng triển lãm; tăng cường quảng bá, giới thiệu làng nghề trên cổng giao dịch điện tử của Thành phố.
Giải pháp phát triển bền vững
Theo đánh giá của Sở Công thương Hà Nội, sự phát triển làng nghề truyền thống của Hà nội hiện nay còn tồn tại nhiều điểm bất cập. Hầu hết các làng nghề còn phát triển theo hướng tự phát, quy mô sản xuất nhỏ lẻ dưới dạng hộ gia đình, chưa được đầu tư nhiều về công nghệ dẫn đến năng suất, chất lượng, mẫu mã và thẩm mỹ sản phẩm chưa cao, sức cạnh tranh thấp. Việc bảo tồn văn hóa truyền thống của sản phẩm làng nghề chưa được chú trọng và quan tâm. Phần lớn các cơ sở còn chạy theo lợi nhuận, mang tính chất thị trường, ít chú trọng đến nâng cao trình độ tinh xảo, thậm chí làm hàng giả, hàng nhái ảnh hưởng đến uy tín của làng nghề. Phát triển theo kiểu phân tán, làng nghề còn gặp khó khăn, bị động trong nguồn cung nguyên liệu và thị trường tiêu thụ, thiếu trung tâm trưng bày và giới thiệu sản phẩm. Chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng, mặt bằng sản xuất chật hẹp xen lẫn không gian sinh hoạt dẫn đến môi trường làng nghề có nguy cơ ô nhiễm cao cộng với chất lượng an toàn lao động chưa được đảm bảo. Phần lớn lao động làng nghề trình độ học vấn hạn chế, không qua đào tạo cơ bản và chưa tách khỏi nông nghiệp nên chậm tiếp thu công nghệ và hoạt động theo tính thời vụ.
Cũng giống như hoạt động sản xuất tại làng nghề, hoạt động du lịch của làng nghề hiện nay được xây dựng theo lối tự phát, thiếu quy hoạch đồng bộ và thiếu tính chuyên nghiệp. Du lịch làng nghề đang phát triển đối mặt với rất nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết, đó là trình độ tổ chức quản lý, trang thiết bị và nguồn nhân lực, tài chính, kiến thức thị trường, marketing, cơ sở hạ tầng và kỹ thuật công nghệ, mẫu mã sản phẩm chưa đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch...
Thực trạng nhiều làng nghề nói chung và làng nghề du lịch nói riêng trên địa bàn Hà Nội vẫn còn trong tình trạng phát triển và sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, vốn ít, thiếu công nghệ, thiếu đầu tư chiều sâu cũng như việc tổ chức, quản lý làng nghề chưa được chặt chẽ, khoa học và đồng bộ, thiếu sự hợp tác liên ngành; đặc biệt, tình trạng ô nhiễm môi trường đã ở mức báo động... đang là vấn đề cấp bách đòi hỏi các cơ quan chức năng sớm đưa ra những giải pháp hợp lý để khắc phục, nhằm tạo điều kiện cho làng nghề phát triển và đưa hoạt động du lịch của làng nghề phát triển bền vững xứng với tiềm năng.
Trước hết, cần quy hoạch lại không gian, mặt bằng sản xuất của làng nghề, quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch. Quy hoạch lại không gian cũng như mặt bằng sản xuất của một làng nghề truyền thống để phát triển du lịch bao giờ cũng phải đáp ứng được các yếu tố như: tính truyền thống, bảo đảm về môi trường và thu hút hấp dẫn khách du lịch.
Thứ hai là đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch của làng nghề. Trước những đòi hỏi ngày càng cao của khách du lịch và các quy định của pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng thì việc đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch của làng nghề là rất cần thiết và luôn đóng một vai trò quan trọng cho sự phát triển bền vững du lịch làng nghề.
Thứ ba là tăng cường đầu tư phát triển du lịch làng nghề. Để có thể đẩy mạnh tăng cường đầu tư phát triển du lịch làng nghề, các cơ quan, ban, ngành cần phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành tập trung đầu tư cải tạo, xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất nghề thủ công và hoạt động du lịch của làng nghề.
Thứ tư là chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của làng nghề và xây dựng bộ máy tổ chức, nâng cao năng lực quản lý.
Thứ năm là đẩy mạnh các hoạt động văn hóa - xã hội và bảo vệ môi trường. Đối với du lịch làng nghề, việc giữ gìn truyền thống, dung hòa giữa giá trị truyền thống và bản sắc văn hóa với khoa học công nghệ kỹ thuật hiện đại và hiệu quả là vô cùng quan trọng. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần có kế hoạch nâng cao nhận thức của cộng đồng cư dân địa phương về lợi ích của du lịch làng nghề. Khuyến khích người dân địa phương tham gia tích cực vào các hoạt động đón tiếp khách du lịch cũng như ý thức bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống của sản phẩm làng nghề và văn hóa đặc sắc địa phương để tạo môi trường văn minh, lịch sự, hấp dẫn du khách đến tham quan làng nghề...
Bàn về giải pháp phát triển làng nghề bền vững, ông Diệp Kính Tần - Thứ trưởng Bộ NN & PTNN đã nhấn mạnh, giải pháp phát triển làng nghề bền vững là các địa phương cần phải tập trung những sản phẩm chủ yếu để xây dựng và phát triển làng nghề. Việc chọn sản phẩm làng nghề chủ lực, sẽ làm cho sự hỗ trợ của Nhà nước mang tính tập trung, hiệu quả hơn. Mặt khác, các làng nghề cũng cần phải đẩy mạnh và làm tốt công tác tuyên truyền quảng bá nhằm giới thiệu sản phẩm thủ công truyền thống ở thị trường trong nước và nước ngoài; phổ biến và truyền dạy kỹ thuật và kỹ năng nghề nghiệp có giá trị tiêu biểu; hỗ trợ việc duy trì và phục hồi các nghề thủ công có nguy cơ bị mai một, thất truyền...
Mai Linh