Nguy cơ tiếng thoi chỉ còn trong tâm tưởng
Đến với làng lụa Vạn Phúc ngày nay, chúng ta vẫn tự hào còn một số gia đình tận tụy với nghề truyền thống, nhiều sản phẩm vẫn ra đời cuốn hút du khách phương xa. Tuy nhiên, Vạn Phúc cũng không đứng ngoài bối cảnh đang bị đô thị hóa rất nhanh như ở những vùng ven Hà Nội, khung cảnh làng xưa nay chỉ còn lại trong ký ức, làng nghề đã trở thành phố nghề, xưởng sản xuất ít dần đi, các ngôi nhà được xây dựng để làm cửa hàng mọc lên san sát. Công đoạn trồng dâu nuôi tằm không còn nữa, không gian làng nghề đã thay đổi khác nhiều hơn xưa.
Trước kia đến với làng lụa Vạn Phúc, ngay từ đầu làng người ta đã nghe được tiếng máy “lách cách” rộn ràng của nhiều khung cửi trong một không gian thoáng đãng, nay tiếng máy nhạt dần và đã bị át đi bởi tiếng ồn của động cơ xe máy.
Hiện trạng các công trình công cộng phục vụ du khách còn hạn chế, nhất là khi lượng khách đến tham quan đông, nhiều đoàn khách sử dụng xe lớn, làng Vạn Phúc thiếu chỗ đỗ và giao thông trong làng gặp khó khăn; điều này gây cản trở đến khách khi mà đặc điểm tour du lịch làng nghề là đi bộ tham quan và mua sắm.
Sản phẩm từ dệt được bày bán trông thật đa dạng và phong phú, thật đáng mừng nếu như đây hoàn toàn là sản phẩm được dệt nên từ bàn tay khéo léo của người làng làm nghề truyền thống; rất nhiều lo lắng, băn khoăn không biết trong số những sản phẩm kia có pha trộn sản phẩm của những nơi khác và loại khác không? Hướng dẫn viên du lịch khó có đủ tự tin để nói nhiều lời hay ý đẹp về những sản phẩm được bày bán ở trong làng khi mà không chắc chắn là sản phẩm được sản xuất ở đây. Khách hàng sẽ chỉ còn biết hy vọng vào đạo đức kinh doanh của những người bán hàng và đôi khi cả hướng dẫn viên du lịch.
Các chuyên gia không dễ tìm ra giải pháp hữu hiệu phát triển bền vững cho làng nghề Vạn Phúc. Bỏ nghề, khó khăn duy trì và phát triển làng nghề là điều trăn trở của nhiều gia đình trong làng. Khó vì đầu ra, nguyên liệu tăng giá, vì mưu sinh họ có thể dừng sản xuất và chuyển sang nghề khác. Thực tế cho thấy, có rất ít hộ có đầy đủ các công đoạn sản xuất ra sản phẩm và bán chính những sản phẩm do mình sản xuất ra. Mặt khác, không tránh khỏi việc nhiều cửa hàng chỉ lấy danh Vạn Phúc để bán hàng.
Làng lụa Vạn Phúc nằm ngay bên sông Nhuệ, hiện nay thành phố đang có nhiều dự án để xử lý chông ô nhiễm cho sông; trong quy trình sản xuất vải tại làng một khối lượng lớn hóa chất được sử dụng đã gây nguy cơ ô nhiễm cho làng nói riêng và nước sông Nhuệ nói chung. Đây cũng là một vấn đề cần được cân nhắc và quan tâm khi tổ chức các tour du lịch trong làng nhất là du khách đi qua những đoạn mương, cống mở...
Để duy trì và phát triển một làng nghề truyền thống cần có sự đồng bộ ở nhiều khâu từ chính sách, quy hoạch, kinh phí đầu tư và triển khai hiệu quả, tuy nhiên các dự án bảo tồn và phát triển làng nghề thường vấp phải sự khó khăn là thiếu kinh phí, dự án thường kéo dài do vậy khó đáp ứng triển khai theo đúng quy hoạch ban đầu và phải khắc phục những phát sinh trong quá trình chờ đợi thực hiện dự án.
Đã có nhiều năm, khách du lịch quốc tế và nội địa đến thăm làng lụa Văn Phúc lên đến hàng vạn người trong tháng, điều đó đã tạo ra sự phấn khởi của người làm nghề và những người làm du lịch. Tuy nhiên, hiện nay sự cạnh tranh gay gắt cùng với ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã làm ảnh hưởng đến đời sống của dân làng và ảnh hưởng tới việc duy trì một nghề truyền thống vốn dễ bị tác động của cuộc sống hiện đại.
Để Vạn Phúc trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn
Làng nghề truyền thống là một trong những sản phẩm du lịch được khách du lịch và các công ty du lịch quan tâm, muốn phát huy được giá trị làng nghề và kết hợp với phát triển du lịch cần có sự dồng bộ và chuyên nghiệp ở nhiều khâu.
Thứ nhất, cần nghiên cứu tổng kết, khảo sát, đánh giá nghiêm túc về những hoạt động liên quan đến du lịch, về thị trường du lịch đối với làng nghề Vạn Phúc để có những bước đi thích hợp. Du lịch có trách nhiệm của các công ty du lịch, của chính quyền địa phương, của người dân địa phương và của người đến kinh doanh tại làng là một trong những điều kiện quan trọng nhằm duy trì và phát triển làng nghề truyền thống.
Thứ hai, có kế hoạch duy trì hoạt động của nghề dệt trên diện rộng thay vì chỉ có vài gia đình làm hoặc làm để biểu diễn trong khi sản phẩm được bày bán tràn lan không cân bằng với sản xuất. Liên quan đến vấn đề này chính quyền cần có những chính sách hỗ trợ cho các nhà sản xuất như giới thiệu, marketing sản phẩm ở nước ngoài, hỗ trợ về tìm kiếm kênh bán sản phẩm, hỗ trợ về phát triển thương hiệu…
Thứ ba, có một lộ trình tham quan tốt khi đến với làng lụa Vạn Phúc, rất có hiệu quả cho đoàn tham quan khi có một phòng trưng bày lịch sử phát triển làng một cách chuyên nghiệp, giới thiệu lễ hội của làng, quy trình sản xuất từ khi trồng dâu nuôi tằm đến ra sản phẩm dệt qua hình ảnh video chất lượng cao...
Thứ tư, hỗ trợ và hướng dẫn cho các gia đình giữ gìn nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm chung của làng và nhãn hiệu của các hộ gia đình. Các bao bì đóng gói đẹp, dịch vụ may đo quần áo tại chỗ lấy nhanh sẽ rất hấp dẫn du khách… Tổ chức đào tạo và tập huấn cho các gia đình và người lao động địa phương kiến thức tiếp thị du khách. Tổ chức hướng dẫn người dân cách làm ra các sản phẩm hấp dẫn, cuốn hút du khách.
Thứ năm, cần có bộ phận quản lý chất lượng sản phẩm hàng dệt hiệu quả và có nơi cung cấp thông tin như website về mẫu mã hàng và giá cả niêm yết. Nên thống nhất với các hộ sản kinh doanh cam kết không bán hàng có xuất xứ từ nơi khác (hoặc tỷ lệ hàng khác rất ít và cần được niêm yết rõ ràng) đặc biệt là hàng có xuất xứ từ nước ngoài. Công khai và hướng dẫn cách phân biệt lụa Vạn Phúc và các lụa khác, hàng dệt ở Vạn Phúc và các hàng dệt khác. Cung cấp giấy đảm bảo chất lượng, chính hiệu sản phẩm của các hộ gia đình cho khách.
Thứ sáu, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch địa phương tổ chức áp dụng tiêu chuẩn cơ sở bán hàng đạt chuẩn du lịch và bổ sung những điều kiện riêng cho làng nghề Vạn Phúc. Trên cơ sở đó cấp giấy chứng nhận cửa hàng đạt chuẩn du lịch cho các gia đình sản xuất và bán hàng sẽ giúp du khách lựa chọn tham quan và mua sắm dễ dàng hơn.
Thứ bảy, quy hoạch làng nghề, đầu tư thu gom và xử lý chất thải chung của làng tạo ra môi trường du lịch tốt, đảm bảo môi trường sống cho dân làng.
Thứ tám, thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại giữa các hộ gia đình và các công ty du lịch, hiệp hội du lịch nhằm cập nhật và xử lý thông tin hai chiều giữa người sản xuất và khách du lịch, quảng bá thương hiệu và quảng cáo sản phẩm.
Danh tiếng “lụa Hà Đông” “lụa Vạn Phúc” đã được lưu truyền từ đời này sang đời khác, in vào trong tâm trí của người dân đất Việt và cùng với thời gian đã lan rộng ra khắp các nước trên thế giới. Phát triển du lịch song song với duy trì hoạt động làng nghề là một hướng đi thích hợp trong bối cảnh hiện nay, du lịch có trách nhiệm với cộng đồng và xã hội là một trong những điều kiện để cùng phát triển. |
Phùng Quang Thắng