(Tiếp theo và hết)
Giải pháp xây dựng mô hình quản lý và phát triển sản phẩm du lịch tại Đường Lâm
Trong thời gian tới, mục tiêu phát triển chiến lược của Đường Lâm là trở thành một điểm đến tiêu biểu cho vùng du lịch Bắc Bộ, nằm trong tuyến du lịch Hà Nội – Đường Lâm – thành cổ Sơn Tây. Hiện tại, Ban Quản lý di tích Đường Lâm xây dựng kế hoạch phát triển du lịch gồm sáu điểm chính: mở rộng không gian đón tiếp khách du lịch; cải thiện cơ sở hạ tầng du lịch; thiết kế lắp đặt các biển chỉ dẫn tại các điểm di tích; bảo tồn, sửa chữa nâng cấp nhà cổ và các đền chùa trong làng, hỗ trợ người dân địa phương phát triển dịch vụ ẩm thực chay phục vụ du khách; quy hoạch tổ chức năm đến bảy lễ hội. Tuy nhiên, để hoàn thiện mô hình quản lý và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển du lịch của Đường Lâm một cách hiệu quả, một số giải pháp sau cần được xem xét thực hiện:
Thành lập Ban Quản lý Di tích và Du lịch Đường Lâm (sau đây gọi tắt là Ban Quản lý) trên cơ sở Ban Quản lý di tích Đường Lâm hiện tại với sự tham gia của cả chính quyền địa phương, cộng đồng địa phương và doanh nghiệp du lịch theo mô hình đối tác công tư (PPP – Public Private Partnerships) nhằm huy động tối đa các nguồn lực, đảm bảo việc quy hoạch và phát triển du lịch tại làng cổ Đường Lâm được triển khai một cách có hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho các bên tham gia cũng như hạn chế những tác động tiêu cực do hoạt động du lịch gây ra.
Ban Quản lý cần thực hiện việc nghiên cứu thị trường, nghiên cứu khách du lịch phục vụ cho việc phát triển sản phẩm du lịch thông qua việc hợp tác với các doanh nghiệp lữ hành đang đưa khách đến Đường Lâm. Tài nguyên du lịch của Đường Lâm khá phong phú, tuy nhiên, vấn đề đặt ra là phải lựa chọn được những tài nguyên phù hợp để phát triển những sản phẩm du lịch mang nét độc đáo, riêng biệt của làng cổ và hấp dẫn khách du lịch. Ở giai đoạn này, sự tham gia tích cực của người dân địa phương với tư cách là đơn vị cung cấp các dịch vụ và sản phẩm du lịch, cũng như sự tham gia của các doanh nghiệp lữ hành với tư cách là đại diện cho nhu cầu của khách hàng là cần thiết. Ban Quản lý sẽ giữ vai trò điều phối hoạt động của hai bên, huy động nguồn lực từ doanh nghiệp, các cơ quan hỗ trợ như JICA hay từ các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch như Sở VHTTDL và Tổng cục Du lịch nhằm thực hiện tốt kế hoạch nghiên cứu thị trường đã đề ra. Kết quả của những hoạt động nghiên cứu thị trường này sẽ là cơ sở để xây dựng các phương án phát triển sản phẩm du lịch và phương án tiếp thị có hiệu quả trong giai đoạn tiếp theo.
Xem xét và đánh giá các phương án phát triển sản phẩm du lịch, lập thứ tự ưu tiên: Ban Quản lý xem xét, đánh giá và lựa chọn phương án tốt nhất dựa trên kết quả nghiên cứu thị trường và sử dụng các công cụ đánh giá thực trạng như phân tích môi trường vĩ mô (phân tích PEST), phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức (SWOT), ma trận đánh giá tiềm năng tăng trưởng của ngành và điểm đến (BCG),... Từ đó, Ban Quản lý lên danh mục sản phẩm, vùng phát triển sản phẩm, các cụm, tuyến du lịch và sự kiện thu hút du khách và xác định những ưu tiên trong phát triển sản phẩm du lịch. Trong quy hoạch phát triển các điểm du lịch tại làng cổ, cần chọn một thôn làm điểm tham quan "cửa ngõ" hay "trung tâm" và phát triển các lộ trình du lịch sang các thôn lân cận (có thể chọn thôn Mông Phụ - nơi tập trung nhiều di sản văn hóa đặc sắc nhất). Về sản phẩm du lịch, cần phát triển hội làng cổ Đường Lâm làm điểm nhấn để thu hút khách du lịch. Bên cạnh đó, cần xây dựng một số phương án phát triển sản phẩm du lịch đa dạng nhằm mục đích kéo dài thời gian ở lại cũng như chi tiêu của khách du lịch, chẳng hạn như một số hoạt động văn hóa, văn nghệ buổi tối, và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ địa phương...
Khi xem xét và đánh giá các phương án phát triển sản phẩm du lịch cho làng cổ Đường Lâm, Ban Quản lý nên tập trung vào những phương án được đánh giá có tính khả thi cao, có thể được khu vực tư nhân (doanh nghiệp) và cộng đồng địa phương hợp tác đầu tư. Các chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân tham gia phát triển sản phẩm du lịch cũng cần được tính đến như hỗ trợ chi phí tiếp thị, chia sẻ thông tin, đào tạo, hướng dẫn,... Phương án phát triển sản phẩm du lịch được lựa chọn nên tạo điều kiện các bên liên quan, đặc biệt là cộng đồng địa phương tại làng cổ hưởng ích lợi từ hoạt động du lịch theo định hướng du lịch cộng đồng.
Tư vấn các bên liên quan và hợp tác: Ban Quản lý cần thường xuyên họp trao đổi thông tin nhằm đảm bảo ý kiến của cộng đồng địa phương và doanh nghiệp được lắng nghe kịp thời và đặc biệt là tham khảo ý kiến chuyên gia từ các cơ quan hỗ trợ phát triển như JICA, Sở VHTTDL, Tổng cục Du lịch. Việc phát triển sản phẩm du lịch là phần cốt lõi của kế hoạch phát triển du lịch chung của Đường Lâm và phải phù hợp với quy hoạch phát triển chung của thành phố Hà Nội, khu vực Bắc Bộ và Chiến lược Phát triển Du lịch Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng du lịch Bắc Bộ là: du lịch văn hóa kết hợp với du lịch tham quan, nghiên cứu, nghỉ dưỡng.
Để làm được điều này, quan trọng là phải xây dựng quy trình phối hợp và thông tin nhằm đảm bảo rằng các bên - cả trực tiếp và không trực tiếp liên quan đến hay bị ảnh hưởng bởi du lịch - đều hiểu bức tranh toàn cảnh về những bước phát triển mới và dự tính quy hoạch du lịch trong tương lai của Đường Lâm. Quá trình lấy ý kiến giúp cho phương án quy hoạch phát triển sản phẩm du lịch được chọn nhận được sự chấp thuận và hỗ trợ tích cực từ các ban ngành, doanh nghiệp cũng như cộng đồng địa phương.
Phát triển nguồn nhân lực: Chất lượng việc lập kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch nói riêng và quy hoạch, quản lý hoạt động du lịch nói chung tại Đường Lâm phụ thuộc vào chất lượng nguồn nhân lực tại đây. Những nhà quản lý du lịch tại Đường Lâm cần phải hiểu cách làm và xu hướng của hệ thống du lịch quốc tế, quốc gia và khu vực cũng nhu thị hiếu của khách hàng mục tiêu để quy hoạch hoạt động du lịch và xây dựng những phương án phát triển sản phẩm du lịch phù hợp. Do đó, Ban Quản lý nên tăng cường các cơ hội hợp tác với các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu về du lịch để đào tạo để nâng cao trình độ, kĩ năng nghề du lịch cho cán bộ, công nhân viên, hướng dẫn viên địa phương. Bên cạnh đó, tận dụng sự hỗ trợ của các chuyên gia JICA, chuyên gia châu Âu để tiếp thu được những kinh nghiệm và tinh hoa của ngành du lịch quốc tế trong quy hoạch và phát triển sản phẩm du lịch.
Tiếp thị và quảng bá sản phẩm du lịch của Đường Lâm tới du khách trong và ngoài nước: Nếu việc lựa chọn các phương án quy hoạch và phát triển sản phẩm du lịch phù hợp là điều kiện cần thì hoạt động tiếp thị và quảng bá sản phẩm du lịch chính là điều kiện đủ để phát triển được những sản phẩm du lịch thành công. Do điều kiện hạn chế về nguồn lực tài chính dành cho công tác quảng bá thương hiệu và sản phẩm du lịch, những kênh quảng bá hiệu quả và ít tốn kém như internet cần được tận dụng triệt để. Hiện nay, Đường Lâm đang có được hiệu ứng "quảng bá truyền miệng" khá tích cực từ phía du khách, Ban Quản lý cần tận dụng lợi thế này để phục vụ cho công tác quảng bá hình ảnh và sản phẩm du lịch, thông qua các hoạt động như tặng một số thiệp cảm ơn, bản đồ du lịch miễn phí dành riêng cho khách du lịch...
Kiểm tra, giám sát thường xuyên việc thực hiện kế hoạch và có những điều chỉnh kịp thời: Theo Kotler và đồng nghiệp (2002), khả năng thực hiện cũng đóng vai trò còn quan trọng hơn khả năng lập chiến lược trong việc đạt đến mục tiêu. Do vậy, trong quá trình xây dựng mô hình quản lý và phát triển sản phẩm du lịch tại Đường Lâm, việc kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện các kế hoạch đã đề ra là hết sức quan trọng. Trong trường hợp có những thay đổi bất thường từ môi trường bên ngoài, từ phía nhu cầu của khách du lịch, Ban Quản lý cần có những điều chỉnh phù hợp để đạt được mục tiêu phát triển đã đề ra.
Thông qua việc xây dựng một mô hình quản lý và phát triển những sản phẩm du lịch phù hợp, Đường Lâm không chỉ thu hút thêm khách du lịch - trở thành một điểm đến hấp dẫn ở miền Bắc, mà còn tăng doanh thu từ hoạt động này, mang lại nhiều lợi ích hơn cho cộng đồng địa phương./
Tài liệu tham khảo
1. Báo cáo tổng kết hoạt động du lịch Đường Lâm, Ban Quản lý Đường Lâm tháng 6/2012 (số liệu cập nhật thêm đầu tháng 1/2013).
2. Báo cáo tổng kết dự án phát triển bản đồ du lịch Đường Lâm tháng 10/2012, JICA.
3. Giá trị phi vật thể ở làng cổ xã Đường Lâm, Phan Hải Linh (ĐH Quốc gia Hà Nội), 2011.
4. Luật Du lịch Việt Nam 2005.
5. Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Tổng cục Du lịch Việt Nam 2011.
6. Tài liệu hướng dẫn phát triển sản phẩm du lịch của UNWTO, Tổng cục Du lịch Việt Nam 2012.
TS. Vũ Nam - ThS. Lê Thị Phương Dung
(Nguồn: Tạp chí Du lịch tháng 4/2013)