Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long
Giới thiệu
Thế kỉ 21 mở đầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) với hàng loạt công nghệ đột phá trên nền tảng số: tự động hóa hiện đại, trí tuệ nhân tạo, trao đổi dữ liệu và chế tạo trong chuỗi giá trị gồm các hệ thống thực tế - ảo, internet vạn vật, điện toán đám mây. Bốn đặc điểm chính thể hiện năng lực tiềm tàng của CMCN 4.0 mà các ngành công nghiệp và sản xuất các giai đoạn trước chưa từng có: mạng lưới theo chiều dọc của các hệ thống sản xuất thông minh; hội nhập theo chiều ngang thông qua một thế hệ mới của các mạng lưới chuỗi giá trị toàn cầu; kỹ thuật xuyên suốt trong toàn bộ chuỗi giá trị; và tác động của công nghệ phát triển với tốc độ theo hàm mũ. CMCN 4.0 tạo nên sự thay đổi căn bản trong phương thức sản xuất, làm biến đổi mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, chính quyên, doanh nghiệp và kinh doanh; tác động đến kỳ vọng của người tiêu dùng, đến dữ liệu và thông tin sản phẩm, sự hợp tác, mô hình hoạt động, dịch vụ và mô hình kinh doanh. CMCN 4.0 tạo cơ hội và thách thức cho phát triển kinh tế Việt Nam nói chung và ngành Du lịch nói riêng.
Dựa trên khảo sát thực trạng, đánh giá tiềm năng du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), bài báo đề xuất một số giải pháp trong chiến lược xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao - yếu tố hàng đầu cho phát triển kinh doanh du lịch phù hợp với xu thế hội nhập trong thời đại CMCN 4.0.
Thực trạng nguồn nhân lực du lịch tại đồng bằng sông Cửu Long
Những thách thức
Cộng đồng kinh tế ASEAN cho phép dịch chuyển lao động trong nội khối, theo đó ngành Du lịch ASEAN thống nhất tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch và thỏa thuận công nhận lẫn nhau văn bằng của người lao động. Điều này mở ra nhiều cơ hội việc làm nhưng nếu không chủ động nâng cao năng lực thì Du lịch Việt Nam sẽ thua trên chính sân nhà. CMCN 4.0 với công nghệ thông tin là nền tảng đòi hỏi phải thay đổi cốt lõi giáo dục và đào tạo, đảm bảo bình đẳng trong tiếp cận giáo dục cho tất cả các nhóm người, kết hợp lý thuyết với thực tiễn, liên kết trường học với doanh nghiệp, đào tạo kỹ năng cần thiết để cá nhân trở thành công dân toàn cầu.
Quy mô nguồn nhân lực du lịch ĐBSCL
ĐBSCL của Việt Nam gồm 12 tỉnh và TP. Cần Thơ, là một phần của châu thổ sông Mê Kông, với diện tích tự nhiên khoảng 40.000km2, nằm liền kề miền Đông Nam Bộ. ĐBSCL có khí hậu hài hòa, hệ thống sông ngòi chằng chịt, đa dạng sinh học cao với rừng nguyên sinh, vườn cây trái xanh tươi, nhiều sân chim… được ví như “vườn địa đàng”. ĐBSCL là nơi sinh sống của gần 18 triệu người Kinh, Khmer, Hoa, Chăm… với văn hóa độc đáo thể hiện qua các lễ hội, tín ngưỡng, tôn giáo, ẩm thực, làng nghề, di tích lịch sử… Điều kiện tự nhiên, giá trị văn hóa của ĐBSCL tạo cơ hội cho ngành Du lịch phát triển về quy mô, thể loại, chất lượng và hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, du lịch ĐBSCL phát triển chưa xứng tầm với tiềm năng vốn có. Theo báo cáo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng ĐBSCL đến năm 2030, từ năm 2006 - 2015 du lịch ĐBSCL đứng thứ 4 sau Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Hồng và duyên hải Nam Trung Bộ; nhưng doanh thu lại xếp ở vị trí cuối và chỉ đạt 8.636 tỷ đồng, chiếm chưa tới 3% tổng doanh thu du lịch của cả nước. Đội ngũ lao động trong ngành Du lịch Việt Nam nói chung và của ĐBSCL nói riêng còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Với dân số gần 18 triệu người, số người trong độ tuổi lao động chiếm khoảng gần 50%. Lực lượng lao động trong ngành Du lịch tại vùng ĐBSCL trong những năm gần đây tăng đáng kể. Theo số liệu thống kê, năm 2000 lực lượng lao động trực tiếp phục vụ trong ngành Du lịch là 5.956 người, tới năm 2008 là 17.397 người. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2000 - 2008 của ĐBSCL, một địa bàn du lịch còn mới, là 14,32%/năm, cao hơn vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) Bắc Bộ (10,49%/năm) và vùng KTTĐ miền Trung (13,24%/năm) nhưng lại thấp so với các khu vực Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ (16%/năm).
Chất lượng đội ngũ lao động ngành Du lịch vùng ĐBSCL
Lao động du lịch cả nước và vùng ĐBSCL nói riêng chưa được đào tạo một cách hệ thống; trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của du khách.
Theo báo cáo “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo chiếm 51%, lao động có trình độ đại hoc và sau đại học chiếm tỷ lệ không đáng kể khoảng 8%. Trong đó, Bến Tre chiếm 20,6% tổng số lao động trực tiếp ngành Du lịch của cả vùng, tuy nhiên trong số này phần lớn là lao động mùa vụ và lao động phổ thông chưa qua đào tạo. Cần Thơ, Tiền Giang, Kiên Giang và An Giang chiếm gần 50% tổng số lao động cả vùng, do hầu hết khách sạn, cơ sở ăn uống, vui chơi giải trí đều tập trung trên địa bàn thành phố hoặc các tỉnh có điểm du lịch thu hút khách. Chất lượng đội ngũ lao động các tỉnh này có tốt hơn, do được học tại các cơ sở đào tạo du lịch tập trung ở Cần Thơ hoặc ở một số cơ sở liên doanh với nước ngoài.
Mặt bằng chung về trình độ của đội ngũ ở mức thấp, phần lớn chỉ qua đào tạo cấp tốc (từ 1 tháng đến 1 năm). Số lao động du lịch có trình độ đại học chỉ chiếm khoảng 12% trên tổng số ở các tỉnh An Giang, Cần Thơ, Kiên Giang và khoảng 7 - 10% ở các tỉnh Bến Tre, Hậu Giang, Đồng Tháp; trong số đó có rất ít người được đào tạo đúng chuyên ngành. Chất lượng đào tạo kỹ năng còn rất hạn chế, đặc biệt đối với những tiêu chí chủ yếu có ảnh hưởng đến phát triển bền vững: kỹ năng quản lý, lãnh đạo, lập kế hoạch…
Tóm lại, nguồn nhân lực du lịch ĐBSCL đã có bước phát triển về số lượng và cơ cấu, chất lượng dần được nâng cao; nhưng rất cần một chính sách phát triển bền vững ngành Du lịch của toàn vùng.
Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch vùng ĐBSCL
Từ phân tích thực trạng, nhóm đề xuất một số giải pháp mang tính gợi mở trong xây dựng chiến lược nâng cao chất lượng nguồn nhân lực - yếu tố hàng đầu cho phát triển kinh doanh du lịch tiềm năng vùng ĐBSCL, phù hợp với xu thế hội nhập trong thời đại CMCN 4.0:
Một là, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải thống nhất chiến lược phát triển ngành kinh tế du lịch nói chung, trước hết cần xây dựng một kế hoạch nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch cho từng giai đoạn; hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy về chính sách đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ, tạo môi trường thuận lợi cho người lao động…
Hai là, tăng cường quản lý nhà nước, xác định trách nhiệm của Bộ chủ quản, tỉnh, thành, nhà trường và doanh nghiệp và mối liên kết giữa các tổ chức này trong dự báo nhu cầu, đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực du lịch. Nên có một đội ngũ cán bộ chuyên trách cho việc thực hiện nhiệm vụ này.
Ba là, từ năm 2015, lao động Việt Nam được phép đến các nước trong khối ASEAN làm việc và ngược lại, do vậy cần xây dựng một hệ thống tiêu chuẩn các chức danh, cấp bậc ngành nghề du lịch theo tiêu chuẩn quốc tế; hoàn thiện chương trình đào tạo du lịch các cấp.
Bốn là, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở đào tạo du lịch phù hợp với chiến lược phát triển du lịch quốc gia và khu vực.
Năm là, đối với cơ sở đào tạo cần hoàn chỉnh chương trình đào tạo, môn học phù hợp với chuẩn đầu ra mới, tỷ lệ lý thuyết và thực hành hợp lý; đa dạng hóa loại hình đào tạo: du lịch nông nghiệp, du lịch trực tuyến…; hoàn thiện cơ sở dữ liệu du lịch; tham gia kiểm định chất lượng; xây dựng đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn, tin học, ngoại ngữ, phương pháp giảng dạy, nghiên cứu khoa học; tiến hành liên kết đào tạo với doanh nghiệp, tạo môi trường thực tập cho sinh viên; tăng cường đầu tư trang thiết bị phục vụ giảng dạy, thực hành.
Sáu là, đối với các doanh nghiệp cần có chiến lược phát triển nguồn nhân lực, chế độ đãi ngộ thu hút nhân lực chất lượng cao; liên kết với nhà trường trong đào tạo và đào tạo lại; góp ý về chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra; tạo điều kiện thực tập cho sinh viên và cơ hội tìm kiếm việc làm sau tốt nghiệp. Nhờ đó, doanh nghiệp giảm được chi phí đào tạo lại và có thể tuyển chọn nhân viên có trình độ theo yêu cầu.
Kết luận
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của ngành du lịch trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 và toàn cầu hóa. Cần xây dựng chiến lược và có lộ trình triển khai từng giai đoạn, thực hiện đồng bộ từ trung ương đến địa phương giúp ngành du lịch cả nước và ĐBSCL nói riêng trở thành một nền kinh tế mũi nhọn. Để làm được điều này cần sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước, của doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo ngành Du lịch đóng vai trò đặc biệt quan trọng.
Tài liệu tham khảo
1. Báo cáo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng ĐBSCL đến 2030.
2. Công văn 469/TB-VPCP Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại buổi làm việc với Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch về tình hình đào tạo nguồn nhân lực.
3. Hội thảo “Marketing và quản trị du lịch đối với Việt Nam” ngày 22/6/2011 do Trung tâm Pháp Việt Đào tạo về Quản lý (CFVG) và L’Espace đồng tổ chức tại Hà Nội.
4. Nguyễn Viết Thao, Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Tạp chí Lý luận chính trị số 5/2017.
5. https://baoquocte.vn/thi-truong-nhan-luc-viet-nam-canh-tranh-nhat-apec-49334.html (19/10/2018).
Some solutions to improve the quality of tourism human resources in the Mekong Delta region
Phan Thi Ngan
Ngo Van Le
Faculty of Tourism and Vietnamese Studies, Nguyen Tat Thanh University
Abstract: In the context of global integration of the industrial age 4.0, the task of improving the quality of human resources is always a top urgent issue in the strategy for the tourism industry development. On the basis of assessing the current situation of human resources in the locality, the article proposes a number of possible solutions that require proper coordination and attention of the local government and competent sectors in order to improve the quality of human resources for tourism in the Mekong Delta region.
Keywords: tourism human resources, quality of personel, Mekong Delta, industry 4.0
|
Phan Thị Ngàn
Ngô Văn Lệ
(Khoa Du lịch và Việt Nam học, Đại học Nguyễn Tất Thành)