Nhận thức được những vấn đề này, chính quyền và người dân Khánh Hòa đặc biệt quan tâm đến việc gìn giữ và bảo vệ môi trường nói chung và môi trường du lịch nói riêng để đảm bảo cho việc phát triển du lịch bền vững trong mục tiêu chung phát triển bền vững cho tỉnh Khánh Hòa trong hiện tại và tương lai.
Các nghiên cứu về hiện trạng môi trường du lịch và giải pháp để đảm bảo phát triển du lịch bền vững đã kịp thời được triển khai và bước đầu đã đưa ra được những giải pháp ở nhiều khía cạnh, từ các giải pháp về chính sách như: thể chế, quản lý, tăng cường liên kết; đến các giải pháp về kỹ thuật như: áp dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh đào tạo, ứng phó biến đổi khí hậu, xây dựng mô hình phát triển du lịch thân thiện với môi trường…
Nhóm giải pháp về nguồn nhân lực và thể chế
Nâng cao năng lực và nhận thức
Nguồn nhân lực chất lượng cao, có năng lực và được trang bị đầy đủ nhận thức về môi trường, du lịch và phát triển bền vững sẽ đảm bảo cho tính thực tiễn, độ tin cậy và khả thi trong việc đề xuất và thực thi các giải pháp khác có liên quan để đảm bảo môi trường cho phát triển bền vững. Các giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (năng lực và nhận thức) chính là đào tạo về thực hành du lịch, về quản lý, về quản trị kinh doanh.
Tăng cường thể chế
Hoàn thiện các cơ chế chính sách bảo vệ môi trường trong phát triển du lịch. Bên cạnh đó cần xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động về bảo vệ môi trường du lịch phù hợp với Chiến lược phát triển ngành Du lịch và Luật Bảo vệ môi trường.
Các chính sách khác về bảo vệ môi trường, phát triển du lịch cộng đồng, khuyến khích du lịch xanh gắn với bảo tồn tài nguyên, thân thiện với môi trường, cơ chế để thành lập và phát huy hiệu quả các Quỹ Môi trường trong hoạt động du lịch… cần được chú trọng, ưu tiên và thực hiện một cách sáng tạo, tạo ra những hiệu quả tích cực và lan tỏa cho toàn vùng.
Khuyến khích xây dựng các mô hình phát triển thân thiện với môi trường
Mô hình du lịch xanh
Chú trọng và có cơ chế khuyến khích các mô hình phát triển du lịch xanh như: du lịch sinh thái; du lịch gắn với bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên (đa dạng sinh học, rừng, nguồn nước…) chủ yếu trong các khu bảo tồn; ưu tiên phát triển các loại hình/sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường trong chiến lược phát triển du lịch điểm đến, khuyến khích những điểm đến áp dụng các mô hình 3R (Giảm thiểu - Tái chế - Tái sử dụng),…
Mô hình đảm bảo môi trường xã hội cho phát triển du lịch
Một số mô hình hoàn toàn khả thi có thể triển khai tại Khánh Hòa như: mô hình cảnh sát du lịch chuyên quản lý và xử lý sự tuân thủ quy định của pháp luật trong lĩnh vực du lịch, đến an ninh an toàn và quyền lợi hợp pháp của du khách; mô hình Đội Thanh niên tình nguyện hỗ trợ du khách giải quyết những khó khăn và trở ngại trong quá trình du lịch ở địa phương, tham gia cùng cơ quan chuyên trách về đảm bảo an ninh an toàn trật tự xã hội tại các điểm đến; mô hình Trung tâm hỗ trợ du khách cung cấp thông tin du khách cần, kết hợp với các lực lượng chuyên trách để hỗ trợ về an toàn an ninh, hỗ trợ đặt phòng, tư vấn điểm đến phù hợp cho du khách…; mô hình Tổ tự quản an ninh, trật tự.
Nhóm giải pháp về khoa học công nghệ
Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế từ hoạt động du lịch
Việc áp dụng khoa học công nghệ trong việc sử dụng hợp lý, hạn chế sử dụng hoặc tái chế, tái sử dụng tài nguyên là vô cùng cần thiết. Một số công nghệ cụ thể có thể áp dụng đó là: đầu tư công nghệ phát triển các nguồn năng lượng thân thiện với môi trường như: điện mặt trời, điện gió ở nhiều quy mô như nhà máy lớn cấp điện cho diện tích lớn hoặc quy mô một khu du lịch, khu nghỉ dưỡng; sử dụng công nghệ tắt – bật thông minh và hệ thống sensor nhiệt trong các khu nghỉ dưỡng, phòng khách sạn để tiết kiệm điện; đầu tư hệ thống xử lý nước thải tại các khu, điểm du lịch để tái sử dụng lại nguồn nước; đặc biệt việc áp dụng mô hình 3R, phân loại rác thải phải được triển khai rộng rãi tại các khu/điểm du lịch.
Ứng dụng khoa học công nghệ trong đảm bảo môi trường xã hội cho phát triển du lịch
Việc áp dụng công nghệ trong đảm bảo môi trường xã hội có thể phát huy hiệu quả rất tốt với những giải pháp sau: quản lý du khách bằng hệ thống mạng được kết nối với tất cả các cơ sở lưu trú và có lưu các cơ sở dữ liệu về các trường hợp vi phạm an ninh trật tự của du khách để xử lý và quản lý; lắp máy camera tại nhiều điểm tập trung đông du khách để kịp thời xử lý và chấn chỉnh những hành vi vi phạm trong hoạt động du lịch của người dân lẫn du khách, đồng thời phát triển hệ thống nhận dạng tự động để đảm bảo các đối tượng tội phạm hoặc đã từng có vi phạm pháp luật nói chung sẽ được giám sát chặt chẽ; minh bạch và cập nhật các thông tin liên quan đến vấn đề an ninh, an toàn, dịch tễ, những lời khuyên và khuyến cáo đến du khách lên các kênh truyền thông, mạng xã hội để du khách có thể tiếp cận kịp thời.
Ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý giám sát môi trường tự nhiên trong du lịch
Khánh Hòa cần đầu tư hoàn thiện và nâng cấp hệ thống các trạm quan trắc giám sát chất lượng môi trường toàn tỉnh, đặc biệt chú trọng những điểm du lịch có mật độ khách đông thường xuyên. Hệ thống quan trắc tự động chất lượng nước và không khí sẽ chỉ ra những vấn đề mà môi trường tự nhiên của điểm đến đang gặp phải từ đó có giải pháp xử lý kịp thời.
Ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu
Mặc dù chưa có nghiên cứu cụ thể về tác động của biến đổi khí hậu đến Du lịch Khánh Hòa nhưng hiện tượng nước biển dâng kèm với đó là xâm nhập mặn, xói lở đường bờ, thay đổi đặc điểm mùa khô và mùa mưa, bão nhiệt đới và các hiện tượng thời tiết bất thường đang có xu hướng ảnh hưởng ngày càng rõ rệt đến Khánh Hòa. Việc thích ứng và giảm nhẹ các tác động của biến đổi khí hậu là vấn đề cấp thiết cần được quan tâm không chỉ cho phát triển du lịch nói riêng mà còn cho cả sự phát triển bền vững của Khánh Hòa nói chung.
Các giải pháp nhằm thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu bao gồm: tiến hành nghiên cứu có hệ thống về tác động của biến đổi khí hậu đối với phát triển du lịch của Khánh Hòa từ đó có thể xây dựng được những chính sách cụ thể và khả thi cũng như biện pháp hiệu quả để thích ứng và giảm nhẹ tác động đến phát triển du lịch bền vững; đẩy mạnh phối hợp liên vùng trong hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường hợp tác quốc tế để trao đổi kinh nghiệm và có thêm sự hỗ trợ về chính sách và kỹ thuật; xây dựng hệ thống thể chế, chính sách về bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên.
Nhóm giải pháp về liên kết trong đảm bảo môi trường cho phát triển du lịch
Giải pháp để tăng cường liên kết liên ngành trong phát triển Du lịch Khánh Hòa là liên kết các chính sách giữa các ngành (Xây dựng, Giao thông Vận tải, Khoa học Công nghệ, Thương mại, Kế hoạch Đầu tư, An ninh) để tạo hành lang và cơ chế thực thi một cách hiệu quả công tác quản lý, thực hành các giải pháp cụ thể khác đã nêu ở trên. Ngoài ra, các cơ quan chính quyền cần liên kết với các doanh nghiệp du lịch để tạo hiệu quả trong việc nâng cao nhận thức, triển khai các mô hình phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường, cùng hợp tác gây Quỹ Môi trường Du lịch để phát huy hiệu quả…
Giải pháp tăng cường liên kết vùng để phát triển du lịch bền vững đó là: liên kết chính sách với các địa phương lân cận như Bình Thuận, Ninh Thuận, Đà Lạt trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, định hướng phát triển du lịch… để bám sát các định hướng phát triển dài hạn, quy hoạch phát triển ngành/vùng; ngoài ra, việc liên kết phát triển du lịch cần chú trọng đầu tư kết nối về giao thông, nâng cấp và xây dựng cao tốc kết nối các trọng điểm du lịch vùng duyên hải Nam Trung Bộ; song song với việc liên kết với các địa phương trong nước thì cũng cần chú trọng liên kết đầu tư nước ngoài, hợp tác quốc tế.
Tài liệu tham khảo:
1. Phạm Trung Lương, 2015, “Phát triển du lịch xanh với bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long”. Tuyển tập Hội thảo “Liên kết phát triển du lịch xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long”. TP. Cần Thơ, ngày 29/06/2015;
2. Sở Tài nguyên Môi trường Khánh Hòa, 2015, “Báo cáo hiện trạng môi trường tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2011-2015”. Nha Trang.
PGS.TS. Phạm Trung Lương
ThS. Nguyễn Thị Việt Trâm