Du lịch được xác định là ngành kinh tế chủ lực
Giai đoạn 2016 - 2021, Du lịch Thanh Thủy đã có những bước phát triển vượt bậc với nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch đạt hơn 7.000 tỷ đồng, hạ tầng giao thông được kết nối tăng 17,2% so với năm 2015, đáp ứng tốt nhu cầu khách du lịch. Trong giai đoạn này, tăng trưởng du lịch, dịch vụ đạt 7,65%/năm; cơ cấu ngành du lịch, dịch vụ đạt 47,4% cơ cấu kinh tế; lao động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ chiếm 38%; doanh thu từ du lịch, dịch vụ du lịch đạt khoảng 720,7 tỷ đồng, tăng trên 10%/năm, chiếm tỷ trọng 10,4% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa dịch vụ toàn xã hội của huyện.
Tính đến cuối năm 2021, toàn huyện có trên 70 dự án du lịch được chấp thuận đầu tư với tổng số vốn lên đến trên 10.000 tỷ đồng trên tổng diện tích khoảng 350ha. Trong đó, dự án Vườn Vua Resort & Villas gắn liền với hệ sinh thái đầm sen Bạch Thủy gồm 1.800 condotel, hơn 500 biệt thự, sân golf 18 lỗ tiêu chuẩn, đảm bảo nhu cầu nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp cho khách du lịch. Đến nay, khu du lịch đã đưa vào hoạt động hàng trăm hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật với gần 200 căn biệt thự, công suất trên 300 phòng với đầy đủ các công trình phụ trợ đi kèm, đặc biệt là khu trung tâm tổ chức hội nghị, hội thảo đạt tiêu chuẩn 4 sao. Bên cạnh đó, Tổ hợp khách sạn nghỉ dưỡng Wyndham Thanh Thủy dự kiến đưa vào vận hành khai thác từng hợp phần trong quý III/2022. Trong đó, Khu phố thương mại, dịch vụ tổng hợp và Công viên khoáng nóng Wyndham Thanh Thủy sẽ đưa vào vận hành khai thác từ tháng 6/2022. Dự án Trung tâm hội nghị quốc tế, khách sạn, biệt thự du lịch nghỉ dưỡng Wyndham Thanh Thủy dự kiến hoàn thành và đưa vào vận hành trong tháng 4/2023. Ngoài ra, Thanh Thủy còn có các dự án khác như: Khu du lịch sinh thái Đảo Ngọc Xanh; Khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng La Phù; Khu du lịch nghỉ dưỡng Bamboo Thanh Thủy; Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp của Tập đoàn Flamingo; Khu du lịch sinh thái Hồ Suối Rồng; Khu đô thị Ba Cô, Khu đô thị Đồng Sạn... Các dự án này khi đưa vào hoạt động sẽ làm thay đổi đáng kể diện mạo du lịch trên địa bàn huyện Thanh Thủy.
Hiện nay, Thanh Thủy đang xây dựng mô hình điểm chương trình du lịch học đường năm 2021 - 2022; hỗ trợ 6 cơ sở kinh doanh bể bơi hoàn thiện các điều kiện để cấp phép hoạt động; hướng dẫn, hỗ trợ 7 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống hoàn thiện hồ sơ xin cấp biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; xây dựng kế hoạch đào tạo hướng dẫn viên du lịch tại điểm với khoảng 20 học viên theo chương trình phối hợp với Trường Đại học Hùng Vương…
Tuy đã có bước phát triển vượt bậc nhưng Du lịch Thanh Thủy còn một số thách thức: các dự án du lịch mới chỉ trong giai đoạn đầu nên việc liên kết, phối hợp tạo các tour tuyến còn hạn chế; chưa thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao và nhiều sản phẩm hấp dẫn gắn với thương hiệu địa phương; kết cấu hạ tầng và các dịch vụ du lịch còn đơn điệu; chuỗi giá trị trong phát triển du lịch chưa chuyên nghiệp...
Thanh Thủy đặt mục tiêu đến 2025 đón 1.550.000 lượt khách/năm, doanh thu từ du lịch đạt 1.100 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 18.000 lao động; đến năm 2030 trở thành trung tâm du lịch của Phú Thọ với 2,5 triệu lượt khách/năm, doanh thu đạt 1.780 tỷ đồng, tạo ra việc làm cho 29.500 lao động trên địa bàn. Để đạt được những mục tiêu này, Thanh Thủy cần xác định rõ thế mạnh về tài nguyên để hình thành những sản phẩm du lịch mang bản sắc riêng; tăng cường công tác quảng bá, đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm nâng tầm thương hiệu; nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh du lịch thuận lợi hơn...
Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch
Du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, du lịch sinh thái: để tăng chi tiêu trung bình/ngày và số đêm lưu trú của du khách, Thanh Thủy cần tạo nên một chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch chất lượng, hướng đến khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, spa cao cấp trên cơ sở khai thác từ nguồn tài nguyên nước khoáng nóng quý hiếm kết hợp với tạo cảnh quan môi trường sinh thái, không gian thư giãn gần gũi với thiên nhiên.
Du lịch học tập, trải nghiệm: Đây là nhóm sản phẩm du lịch khắc phục tính thời vụ, có ý nghĩa nhân văn, giáo dục và giá trị cộng đồng. Thanh Thủy cần tập trung khai thác các điểm tham quan, di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu để hình thành các chương trình du lịch giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử của dân tộc, hướng về cội nguồn gắn với các hoạt động trải nghiệm làng nghề, sản xuất nông nghiệp, trò chơi dân gian... Một số điểm đến có thể kết nối như: đền Lăng Sương, đình Đào Xá, tượng Đài chiến thắng Tu Vũ, các làng nghề truyền thống… Các sản phẩm du lịch học tập, trải nghiệm, giáo dục kỹ năng sống cần có kịch bản hấp dẫn, phong phú, phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông, tâm sinh lý trẻ theo từng lứa tuổi.
Du lịch văn hóa - du lịch tâm linh: Nhóm sản phẩm này nhằm bảo tồn, phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử - văn hóa, lễ hội truyền thống gắn với không gian tâm linh đất Tổ, văn hóa Hùng Vương, kết nối các điểm, tuyến du lịch nội tỉnh và liên tỉnh. Một số điểm di tích, điểm văn hóa có thể khai thác như đền Lăng Sương, đình Đào Xá, tượng đài chiến thắng Tu Vũ, kết nối với không gian thiêng là Khu di tích lịch sử đền Hùng (Việt Trì) và phụ cận…
Du lịch nông nghiệp, nông thôn, cộng đồng: Tính đến nay, huyện Thanh Thủy đã có 3 sản phẩm OCOP, trong đó có 2 sản phẩm OCOP đạt 4 sao là trà matcha sữa và trà matcha Maika (xã Xuân Lộc), 01 sản phẩm đạt 3 sao là tương làng Bợ (xã Thạch Đồng). Ngoài ra, còn có các sản vật nấm, mộc nhĩ, bánh sắn Đào Xá, tinh nghệ gia truyền Dịu Tảo, sản phẩm mây tre đan… Đây chính là tiềm năng để đẩy mạnh các mô hình du lịch nông nghiệp - nông thôn phục vụ du khách trên cơ sở khảo sát cụ thể các địa bàn có thế mạnh sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn, các địa phương có sản phẩm OCOP; đồng thời lựa chọn các điểm trưng bày, giới thiệu, quảng bá và bán các sản phẩm nông nghiệp, các sản vật đặc trưng địa phương.
Du lịch MICE: Với vị trí địa chính trị, địa văn hóa phía Tây Nam Phú Thọ và cầu Đồng Quang nối liền Ba Vì và Thanh Thủy, rút ngắn khoảng cách với trung tâm thủ đô Hà Nội, Thanh Thủy hội tụ các yếu tố cơ bản để trở thành một điểm đến lý tưởng cho tổ chức các hội nghị, hội thảo, sự kiện, triển lãm. Các dự án của Vườn Vua Resort & Villas, tổ hợp khách sạn nghỉ dưỡng Wyndham Thanh Thủy… khi hoàn thiện và đi vào hoạt động đều có thể đáp ứng cho các sự kiện ở nhiều quy mô khác nhau.
Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực
Với mục tiêu chuyên nghiệp hóa, nâng tầm chất lượng các dịch vụ du lịch, Thanh Thủy cần kết nối, “đặt hàng” các cơ sở đào tạo du lịch tổ chức bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ, kĩ năng, văn hóa ứng xử cho lao động trong các doanh nghiệp du lịch và cộng đồng địa phương làm du lịch theo các hình thức phù hợp. Các doanh nghiệp trên địa bàn có cơ chế ưu đãi, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; quan tâm bồi dưỡng, đào tạo lại kỹ năng, năng lực phục vụ khách của đội ngũ lao động hiện có.
Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá
Du lịch sẽ phát triển bền vững hơn nếu có sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương. Do đó, cần nâng cao nhận thức cho cộng đồng để người dân chủ động tham gia và phát huy vai trò bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên du lịch, xây dựng điểm đến du lịch an toàn, thân thiện, chất lượng, văn minh.
Công tác quảng bá thương hiệu du lịch Thanh Thủy cần được triển khai đa dạng trên các phương tiện truyền thông, các nền tảng mạng xã hội; tổ chức, tham gia các hội chợ, các sự kiện du lịch trong nước và quốc tế, đón các đoàn farmtrips, presstrips... để giới thiệu, quảng bá sản phẩm du lịch… Trong đó, bộ nhận diện thương hiệu du lịch Thanh Thủy cần được xây dựng và vận hành hiệu quả.
Thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, kỹ thuật du lịch đồng bộ
Những quy định về trình tự, thủ tục đầu tư các dự án du lịch; huy động nguồn vốn ngân sách và ngoài ngân sách; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với các dự án lớn về du lịch… cần được cải tiến theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư.
Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nhất là đường giao thông, khách sạn, khu nghỉ dưỡng cần được tiếp tục hoàn thiện và nâng cấp; tổ chức quy hoạch hợp lý trung tâm mua sắm, các điểm dừng chân, không gian nghệ thuật, điểm bán sản phẩm du lịch, hàng lưu niệm, quầy hàng ẩm thực đặc sản, vui chơi giải trí, hệ thống thông tin hướng dẫn du khách, chợ quê, chợ nông sản…
Tài liệu tham khảo:
1. Huyện ủy Thanh Thủy (2021), Nghị quyết số 08-NQ/HU của Ban chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển du lịch huyện Thanh Thủy giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030.
2. Huyện ủy Thanh Thủy (2021), Báo cáo Sơ kết 01 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện và cơ sở nhiệm kỳ 2020 – 2025…
ThS. Bùi Thị Hoa
ThS. Nguyễn Thị Huyền
(Tạp chí Du lịch tháng 7/2022)