Tiềm năng phát triển du lịch sinh thái
Xã La Bằng nằm ven chân dãy núi Tam Đảo, có điều kiện khí hậu rất thuận lợi cho phát triển kinh tế trong đó có du lịch. La Bằng có 8 dân tộc anh em cùng chung sống, với 1200 hộ dân được chia thành 9 xóm. Cả 9 xóm đều được công nhận là làng nghề chè truyền thống, đã được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể chè La Bằng năm 2012. Toàn xã có 3 hợp tác xã chè, 1 nhà máy, 3 tổ hợp sản xuất chế biến. Trà La Bằng đã được lựa chọn là một trong những quà tặng tiêu biểu dành cho khách quốc tế tham dự hội nghị APEC 25. La Bằng còn là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, có 4 Di tích lịch sử cấp quốc gia và cấp tỉnh, là “địa chỉ đỏ” góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ trẻ.
La Bằng nổi tiếng với thương hiệu trà ngon, trong đó phải kể đến hợp tác xã chè La Bằng, là một trong những điểm thu hút nhiều du khách. Hiện nay, hợp tác xã đã xây dựng được không gian thưởng trà, trưng bày các sản phẩm trà và khu vực chế biến chè với không gian rộng rãi, có thể đón và phục vụ các đoàn khách lớn đến tham quan, trải nghiệm.
Khu vực Kẹm thuộc xóm Tân Sơn có tổng diện tích đất tự nhiên là 1.009ha, địa hình của xóm phần lớn là đồi núi, chiếm 88,63% so với diện tích đất tự nhiên. Địa hình dốc dần từ Tây sang Đông, xen kẽ giữa núi đồi là những dòng suối trong mát và những dải ruộng tạo nên khung cảnh hữu tình. Khí hậu thuận lợi, độ ẩm cao là điều kiện thích hợp để phát triển du lịch.
Toàn bộ khu vực có 7 dân tộc sinh sống bao gồm: Kinh, Dao, Tày, Nùng, Cao Lan, Hoa, Mường, trong đó dân tộc Dao chiếm đa số và sinh sống lâu đời nhất tại địa bàn. Hạ tầng cơ sở vật chất đã có nhiều cải thiện với hệ thống đường giao thông đổ nhựa hoặc bê tông hóa. Tại đây có các công trình văn hóa, tiêu biểu như không gian văn hóa trà với tổng diện tích khoảng 5000m2. Đến với khu vực Kẹm, ngoài trải nghiệm môi trường tự nhiên, du khách có thể tìm hiểu những nét văn hóa truyền thống các dân tộc, thưởng thức các làn điệu hát then, lượn..., tham gia các lễ hội độc đáo của đồng bào các dân tộc...
Hoạt động du lịch tại khu vực Kẹm
Với tài nguyên thiên nhiên, Kẹm trở thành khu vực sinh thái dã ngoại thu hút khách du lịch. Suối Kẹm bắt nguồn từ dãy núi Tam Đảo, chảy qua các gành đá tạo thành cảnh quan hấp dẫn. Những thảm rừng cây nguyên sinh ở chân núi Tam Đảo khiến không gian trở nên xanh mướt, tạo thành điểm dã ngoại hấp dẫn. Tại đây có những bãi tắm khá rộng với nhiều bãi đá và gành thác, nhiều điểm chụp ảnh đẹp. Hiện đã có khoảng 10 lán được bố trí dọc theo con đường khám phá suối Kẹm để du khách nghỉ ngơi cùng một số nhà hàng phục vụ ăn uống như Tân Sơn quán, nhà hàng Suối Kẹm và một số cơ sở phục vụ lưu trú dưới dạng homestay như La Bằng Homestay, La Bằng Xanh. Ngoài ra, tại đây còn có bể bơi đảm bảo tiêu chuẩn tập luyện, có thể đáp ứng công suất hoạt động 600 người/ngày.
Khu sinh thái suối Kẹm nằm trong khu vực VQG Tam Đảo, do vậy các dịch vụ bán vé tham quan, thuê lán nghỉ, trông giữ xe do VQG Tam Đảo quản lý. Tại đây có nội quy, biển hướng dẫn tham quan và hướng dẫn bảo vệ môi trường. Chính quyền địa phương quản lý các hoạt động dịch vụ du lịch như nhà hàng, cơ sở lưu trú, dịch vụ văn hóa... Tuy nhiên, do mới đi vào hoạt động nên công tác quản lý còn hạn chế, các dịch vụ du lịch còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ. Về nguồn nhân lực, xã mới tổ chức tập huấn và hướng dẫn cho CLB hát then, đàn tính phục vụ nhu cầu của du khách, đội ngũ lao động du lịch trực tiếp chưa được tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn...
Phát triển du lịch sinh thái tại khu vực Kẹm
Để đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái tại khu vực bãi Kẹm cần tổ chức quy hoạch các điểm du lịch với sự tham gia phối hợp, hợp tác giữa chính quyền địa phương và Ban quản lý VQG Tam Đảo, doanh nghiệp lữ hành, cộng đồng dân cư nhằm phát huy giá trị tự nhiên, giá trị văn hóa, bản sắc cộng đồng địa phương theo hướng bền vững. Trong đó cần đề cao vai trò cộng đồng trong tham gia thực hiện các dự án phát triển du lịch sinh thái; xây dựng cơ chế tham gia của các bên liên quan, gắn kết lợi ích của cộng đồng trong phát triển du lịch sinh thái tại khu vực Kẹm.
Để giữ chân du khách cần bổ sung thêm các dịch vụ đặc sắc như các mô hình dịch vụ du lịch sinh thái cộng đồng đang hoạt động hiệu quả tại Bắc Sơn (huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn), Bản Quyên (ATK Định Hóa, Định Hóa, Thái Nguyên)... Trước hết, cần tổ chức không gian sinh hoạt văn hóa, đội văn nghệ phục vụ khách du lịch; nghiên cứu đầu tư hệ thống dịch vụ du lịch mang đặc trưng bản địa như các món ăn, đồ uống truyền thống của đồng bào dân tộc, dịch vụ lưu trú, chăm sóc sức khỏe ngay tại nhà dân; sáng tạo loại hình du lịch mạo hiểm trên cơ sở điều kiện tự nhiên nhằm tạo sức hút đối với nhóm đối tượng khách hàng trẻ, ưa khám phá...
Tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá thông qua các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về du lịch sinh thái cho cộng đồng và các bên liên quan; thiết lập bộ nhân diện thương hiệu du lịch sinh thái khu vực Kẹm chuyên nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, sử dụng các nền tảng xã hội nhằm hướng dẫn và cung cấp thông tin cập nhật cho du khách; tích cực tổ chức các chương trình tuyên truyền, quảng bá thông qua các sự kiện như triển lãm, hội chợ, các lễ hội truyền thống trên địa bàn tỉnh, huyện nhằm giới thiệu hình ảnh, tiềm năng du lịch sinh thái khu vực Kẹm...
Xác định đúng thị trường khách hàng mục tiêu; tổ chức nghiên cứu tâm lý, thị hiếu, tập quán du khách, từ đó hình thành các sản phẩm phù hợp với thị trường và đáp ứng tối đa nhu cầu du khách theo hướng du lịch sinh thái, du lịch bền vững.
Hỗ trợ công tác đào tạo nghề cho bà con địa phương làm du lịch với sự kết hợp giữa Nhà nước, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo du lịch; tập trung đào tạo các nghiệp vụ hướng dẫn, nhà hàng, buồng, kỹ thuật chế biến món ăn, kỹ năng điều hành hoạt động du lịch sinh thái, kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ... nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch tại khu vực Kẹm.
Tài liệu tham khảo:
1. GS.TSKH. Lê Huy Bá (2000), Du lịch sinh thái , Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật.
2. UBND huyện Đại Từ (2021), Báo cáo kết quả rà soát, đánh giá tiềm năng phát triển du lịch huyện Đại Từ…
Lê Thị Anh
(Tạp chí Du lịch tháng 6/2022)