Tại phiên tọa đàm về “Định hướng và giải pháp đào tạo nguồn nhân lực du lịch khách sạn để phục hồi và phát triển du lịch quốc tế ở Việt Nam” vừa diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn - Tổng cục Du lịch Nguyễn Thanh Bình cho biết, hiện nay, khối cơ sở lưu trú du lịch cần khoảng 485.000 lao động cho công suất trên 70%, thế nhưng lao động trực tiếp của khối này hiện chưa đến 400.000 người, định mức trung bình chỉ khoảng 0,4 lao động/buồng.
Cũng theo bà Bình, sau 4 tháng mở cửa lại hoàn toàn hoạt động du lịch, hơn 90% cơ sở lưu trú du lịch trong cả nước đã đi vào hoạt động bình thường. Thời điểm tháng 6, 7 vừa qua là mùa cao điểm đón khách nội địa, công suất phòng các ngày cuối tuần đạt trung bình trên 55%, các ngày trong tuần đạt từ 25% đến 50%. Khu vực nghỉ dưỡng biển công suất bình quân trên 60%, cuối tuần từ 70 đến 95%, một số nơi như Hạ Long, Sapa, Quy Nhơn, Phú Quốc… có thời điểm đạt công suất trên 95%. Dự báo quý 4 sẽ tăng số khách quốc tế lưu trú so với thời điểm hiện nay nên rất cần có thêm nhiều nhân lực.
Cơ sở lưu trú du lịch cung ứng dịch vụ lưu trú và nhiều dịch vụ bổ sung liên quan trực tiếp đến nhiều người, nhiều ngành nghề, thu hút lao động từ giản đơn đến trình độ cao. Thế nên chất lượng cơ sở lưu trú du lịch phụ thuộc nhiều vào năng lực người lao động (bộ phận giám sát, buồng, bàn, bar, bếp…). Nhiều bộ phận không đòi hỏi trình độ văn hóa cao, như phục vụ buồng, tạp vụ, vệ sinh, chăm sóc cây cảnh, bảo vệ... chiếm tỷ trọng lớn nhưng cần được đào tạo nghề. Những bộ phận cần chuyên môn sâu là quản trị, lễ tân, bếp, pha chế, kinh doanh, tin học, kỹ thuật, ngoại ngữ… luôn yêu cầu cao về chất lượng nhân lực nên không phải đào tạo là sẽ có liền. Hiện nay, nhiều khách sạn bị thiếu hụt nhân lực có kinh nghiệm, chuyên môn tốt, có kỹ năng… tuy lương cao nhưng cũng rất khó tuyển dụng làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình chất lượng dịch vụ. Có cơ sở lưu trú du lịch phải tuyển người điều hành hạn chế về kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm quản lý. Một số cơ sở khó tuyển lao động mới, phải tuyển gấp nhân sự tại địa phương chưa qua đào tạo, sau đó “vừa học vừa làm” nên còn nhiều lúng túng, một số nơi sử dụng sinh viên bán thời gian…
Ngoài ra, theo đánh giá của Vụ khách sạn, ở một số nơi, người lao động chưa được coi trọng, chế độ tiền lương, chính sách đãi ngộ, điều kiện làm việc chưa được quan tâm đầy đủ, nên rất khó tuyển nhân sự. Để phục hồi và phát triển du lịch quốc tế ở Việt Nam, việc phát triển nguồn nhân lực cơ sở lưu trú du lịch cần phải được xác định cho từng nhóm đối tượng để đạt mục đích hiệu quả, đáp ứng yêu cầu số lượng, chất lượng và cơ cấu, yêu cầu phát triển bền vững.
Có thể nói, sau đại dịch ngành Du lịch giống như một “bệnh nhân” đang trong giai đoạn đầu của quá trình hồi phục. Ở giai đoạn này, du lịch nội địa phát triển nên nhu cầu tham quan, đi lại của du khách trong nước làm nảy sinh nhu cầu đối với phân khúc khách sạn từ 1 sao tới 3 sao. Từ đó, hình thành nhu cầu nhân lực phục vụ trong các khách sạn thuộc phân khúc này sẽ tăng nhanh. Đồng thời, do việc quay trở lại của khách quốc tế còn chậm, nên khách sạn 4-5 sao chưa thể hoạt động bình thường trở lại. Tuy nhiên, việc khôi phục chậm của các khách sạn 4-5 sao sẽ khiến cho lao động có chất lượng sẽ không thể tiếp tục chờ đợi, chuyển sang các ngành khác và khi đã ổn định thì có thể không quay trở lại ngành du lịch.
Với xu hướng phát triển như hiện nay, khách sạn cao cấp sẽ đóng vai trò quan trọng với chất lượng phục vụ khách du lịch quốc tế và đóng góp trực tiếp vào khả năng thu hút khách quốc tế trong thời gian tới. Do đó, khả năng thiếu hụt nhân lực chất lượng cao trong hoạt động lưu trú là hoàn toàn có thể xảy ra. Trong khi việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tốn rất nhiều thời gian và kinh phí. Thế nên đòi hỏi các cơ sở lưu trú cần có giải pháp thích hợp để giữ chân những lao động chuyên nghiệp này.
Cao Phương