Kết nối các Ngân hàng thương mại và doanh nghiệp du lịch để gỡ “điểm nghẽn” phục hồi và phát triển du lịch
Tạo điều kiện cho doanh nghiệp ngành du lịch giải tỏa cơn khát vốn để phục hồi
Phát biểu tại hội nghị, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu – Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh cho biết, bên cạnh những nguyên nhân chủ quan đến từ tình hình thế giới diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến thị trường nguồn khách chưa thể kích hoạt, chính sách visa, lạm phát tăng cao, nguyên nhân chủ quan là doanh nghiệp ngành du lịch gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay để tái khởi động, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp lữ hành đang rất cần nguồn vốn xoay vòng đón các đoàn khách đến, nhưng chưa đảm bảo được điều kiện vay vốn với nguyên nhân chủ yếu là không có tài sản tín chấp.
“Việc triển khai Nghị định 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 với chính sách hỗ trợ lãi suất 2% khi vay vốn ngân hàng thương mại nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp ngành du lịch giải tỏa cơn khát vốn để phục hồi, tiếp tục phát triển là ngành kinh tế mũi nhọn với tỷ lệ đóng góp hơn 10% vào GDP của Thành phố. Để chính sách đi vào thực tiễn, Sở Du lịch rất mong các ngân hàng thương mại tham dự hội nghị cùng xem xét để có cơ chế cho vay linh hoạt, đa dạng với từng doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là các gói cho vay tín chấp dựa trên thời gian hoạt động có hiệu quả của các doanh nghiệp du lịch; các hợp tác, kết nối khác trong thanh toán, giao dịch du lịch; hợp tác, liên kết thực hiện các chương trình khuyến mãi kích cầu tiêu dùng du lịch. Chúng tôi tin rằng, với kết quả ký kết cho vay, cam kết hỗ trợ giữa 8 Ngân hàng thương mại và 8 doanh nghiệp du lịch trong hội nghị hôm nay sẽ là tiền đề để gắn kết doanh nghiệp du lịch và khối ngân hàng để cùng chung tay khôi phục du lịch và phát triển kinh tế Thành phố’, bà Hiếu kỳ vọng.
Ông Nguyễn Đức Lệnh – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh theo chỉ đạo, hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước. Trong đó, gồm 2 nội dung là: thực hiện các chương trình tín dụng theo Nghị quyết 11/NQ-CP tại Ngân hàng Chính sách xã hội TP. Hồ Chí Minh; triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2% tại các ngân hàng thương mại theo quy định tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước.
Ông Trần Hoài Phương - Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp - Ngân hàng HD Bank, cho rằng: Ngân hàng cũng là một doanh nghiệp cũng cần phải tạo ra lợi nhuận cho cổ đông và đảm bảo cuộc sống cho người lao động của mình. Cho nên, ngân hàng thương mại phải phân tích được phương án kinh doanh của doanh nghiệp du lịch muốn vay khả thi đến mức độ nào, doanh nghiệp đó đã hình thành và phát triển được bao nhiêu năm, cùng với việc doanh nghiệp đó tích lũy được lợi nhuận tăng vốn qua qua từng năm như thế nào?. Việc thu hồi dòng tiền và bán tour du lịch cho một cái hãng lớn nước ngoài, họ sẽ trả một lần hay là bán lẻ từng khách. Cuối cùng thì ngân hàng mới đánh giá được nhu cầu về vốn, tỷ lệ % ngân hàng cùng chia sẻ cùng tham gia và biện pháp gì để giảm thiểu những rủi ro… Qua đó, mới có thể xem xét hỗ trợ cho doanh nghiệp du lịch.
Cần có chính sách vay hỗ trợ lãi suất thiết thực hơn
Về vấn đề tiếp cận được nguồn vốn vay hỗ trợ 2% lãi suất, đa số doanh nghiệp băn khoăn việc nếu doanh nghiệp không thể đáp ứng những điều kiện để hưởng được chính sách vay vốn hỗ trợ lãi suất 2% tại các ngân hàng thương mại theo quy định tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước thì có cách nào hỗ trợ hay không? Nên chăng Ngân hàng Nhà nước sẽ có kiến nghị, đề xuất gì đối với Chính phủ để có một chính sách hỗ trợ cho đa số doanh nghiệp du lịch một cách thiết thực hơn đúng với tình trạng doanh nghiệp đang gặp phải hiện nay. Qua đó, doanh nghiệp có thể tiếp cận một nguồn vốn ưu đãi để đầu tư phục hồi và phát triển lĩnh vực du lịch trong thời gian tới.
Để các chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn cho các doanh nghiệp du lịch đi vào thực chất và mang lại hiệu quả, ông Nguyễn Đức Lệnh khẳng định, chúng tôi sẽ tiếp tục công tác phối hợp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như cách làm trong thời gian vừa qua. Qua trao đổi thông tin ngày hôm nay giữa ngân hàng và doanh nghiệp đã làm rõ các khó khăn vướng mắc, nguyên nhân. Vì vậy, đề nghị các doanh nghiệp có mặt ngày hôm nay cũng như Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Du lịch cùng đồng hành, chia sẻ với ngành Ngân hàng trong thời gian tới.
“Các đơn vị cứ phản ánh khó khăn vướng mắc liên quan lĩnh vực ngân hàng về Sở Du lịch, Sở Du lịch sẽ làm đầu mối tổng hợp phản ánh về Ngân hàng Nhà nước Thành phố để ngành ngân hàng cùng phối hợp hỗ trợ tháo gỡ. Trong quá trình này, nếu vướng mắc liên quan cơ chế chính sách, Ngân hàng Nhà nước Thành phố sẽ báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, điều chỉnh; nếu vướng mắc thuộc về Ngân hàng thương mại hay cán bộ ngân hàng gây khó khăn, Ngân hàng Nhà nước Thành phố sẽ tiếp nhận xử lý. Còn trường hợp vướng mắc liên quan đến doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn, tài chính, sổ sách kế toán không minh bạch, sử dụng vốn vay sai mục đích... thì tất yếu doanh nghiệp phải tự hoàn thiện, thay đổi chính mình cho tốt hơn, để tiếp cận nguồn vốn ngân hàng cũng như các cơ chế chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, từ Ngân hàng Nhà nước và từ Ngân hàng thương mại được thuận lợi”, ông Lệnh nhấn mạnh.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới của cả nước có liên quan đến lĩnh vực du lịch trong 6 tháng 2022 gia tăng ấn tượng. Trong đó dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 3.065 doanh nghiệp, tăng 27,7% so với cùng kỳ; dịch vụ việc làm, du lịch đạt 3.902 doanh nghiệp, tăng 23,4%. Ở khía cạnh vận chuyển, báo cáo mới nhất từ Airbus và Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) cho biết Hàng không nội địa Việt Nam phục hồi nhanh nhất thế giới, với đà tăng trưởng 123% so với cùng kỳ năm 2019.
|
Phước Quang