Mục tiêu chung của Chương trình nhằm xác định rõ nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở TW và địa phương, doanh nghiệp du lịch, tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức, đưa du lịch nước ta bước vào giai đoạn phát triển mới, nhanh, mạnh và bền vững. Phấn đấu đến năm 2010, Du lịch Việt Nam sẽ đón được 5,5 – 6,0 triệu lượt khách quốc tế, 25 triệu lượt khách nội địa, doanh thu du lịch đạt 4,0 – 4,5 tỷ USD, chiếm 5,3% tổng GDP của cả nước, tạo ra 1,4 triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp cho xã hội, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước có ngành du lịch phát triển hàng đầu khu vực.
Để thực hiện mục tiêu nêu trên, ngành Du lịch đã đề ra một số nhiệm vụ cụ thể trên tất cả các mặt hoạt động trong thời gian tới. Cụ thể, hình thành diễn đàn trao đổi thông tin, kinh nghiệm về phát triển du lịch với việc tuân thủ các cam kết khi gia nhập, quy tắc và luật lệ của WTO trên mạng thông tin ngành Du lịch; tổ chức các cuộc hội thảo, lớp tập huấn để trao đổi, phổ biến nội dung các cam kết trong lĩnh vực du lịch và các lĩnh vực có liên quan cho cán bộ, viên chức, người lao động trong ngành Du lịch. Ngành Du lịch tiến hành rà soát hệ thống văn bản pháp luật về du lịch hiện hành, loại bỏ những quy định chồng chéo, không phù hợp với các cam kết trong WTO nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh thông thoáng cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động du lịch. Xây dựng kế hoạch phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật Ngành, trong đó ưu tiên phát triển các cơ sở lưu trú du lịch đạt tiêu chuẩn quốc tế nhằm khắc phục tình trạng thiếu các cơ sở lưu trú, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Tiếp tục xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch mạo hiểm đặc thù của Việt Nam (lặn biển, leo núi, thám hiểm hang động…), tổ chức các cuộc đua, các hoạt động chuyên đề để thu hút khách du lịch; thúc đẩy phát triển các loại hình du lịch mới, đặc biệt là du lịch đường bộ liên quốc gia, du lịch đường biển; hình thành hệ thống các sản phẩm chất lượng cao bằng các khu du lịch nghỉ dưỡng tổng hợp cao cấp ở khu vực ven biển và vùng núi có khí hậu ôn hoà; lập kế hoạch và tổ chức các sự kiện văn hoá, thể thao, du lịch mang tầm cỡ quốc tế để thu hút khách du lịch và quảng bá hình ảnh Du lịch Việt Nam. Đối với công tác xúc tiến quảng bá, cần tiến hành nghiên cứu xác định nhu cầu và thị trường trọng điểm cần ưu tiên quảng bá; mở rộng phạm vi các công cụ sử dụng trong công tác tuyên truyền, trong đó coi trọng vai trò của mạng internet. Về tăng cường năng lực đội ngũ lao động, ngành Du lịch tổ chức thực hiện Chương trình phát triển nguồn nhân lực Du lịch đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nội dung chủ yếu của Chương trình gồm: tăng cường năng lực hệ thống quản lý, đào tạo lại, bồi dưỡng cán bộ quản lý và người lao động, phát triển đội ngũ giảng viên, đào tạo viên du lịch, đầu tư cơ sở vật chất và xây dựng áp dụng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp du lịch, ứng dụng công nghệ mới trong phát triển nguồn nhân lực du lịch…
Chương trình Hành động của ngành Du lịch cũng đề cập tới việc phối hợp liên ngành nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động du lịch. Cụ thể là phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao và các cơ quan, ban, ngành liên quan xây dựng và thực hiện đề án trạm dừng chân dọc các tuyến quốc lộ, mở rộng phạm vi hoạt động cho các đoàn xe du lịch tay lái bên phải, đoàn xe caravan, xe mô tô phân khối lớn vào Việt Nam; nghiên cứu khả năng cấp visa tại cửa khẩu, miễn visa song phương và đơn phương cho khách du lịch tại một số thị trường trọng điểm của Việt Nam; phát triển hệ thống cửa hàng dịch vụ đạt chuẩn đề khuyến khích hoạt động mua sắm, tăng chi tiêu của khách khi đến Việt Nam…
PV