Theo quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Nghệ An thời kỳ 1997- 2010, Vườn quốc gia Pù Mát là một trong 5 trung tâm du lịch quan trọng của Nghệ An. Pù Mát có mối quan hệ mật thiết với các khu, điểm du lịch trong khu vực Bắc Trung bộ, trực tiếp là trung tâm du lịch TP. Vinh – TP. Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh - Lào - Đông Bắc Thái Lan.
Điều kiện, lợi thế phát triển du lịch sinh thái Vườn quốc gia Pù Mát
Vườn quốc gia Pù Mát thành lập ngày 8/11/2001 theo Quyết định số 174/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; là một trong số ít của 27 Vườn quốc gia Việt Nam có tiềm năng sinh thái lớn nhất, còn bảo tồn được nhiều giá trị nguyên vẹn tự nhiên và đa dạng sinh học. Vườn quốc gia Pù Mát nằm trên địa bàn ba huyện miền núi phía Tây Nghệ An: Con Cuông, Anh Sơn, Kỳ Sơn với diện tích 91.113 ha, địa hình gồm các dãy núi đá vôi điệp điệp, trùng trùng nối kết nhau, có đỉnh cao trên 1.800m, có nhiều thác nước đẹp, đặc biệt có thác Kèm ở Trung Chính xã Yên Khê cao trên 200m.
Vườn quốc gia Pù Mát đang bảo tồn các giá trị về đa dạng sinh học, một trong những giá trị cơ bản để xây dựng các sản phẩm du lịch sinh thái hấp dẫn. Vì vậy việc đầu tư khai thác phát triển du lịch sinh thái Vườn quốc gia Pù Mát và một số điểm ở vùng phụ cận sẽ tạo ra hình ảnh mới, đặc sắc của Du lịch Nghệ An.
Theo các nhà chuyên môn, tại Vườn quốc gia Pù Mát có thể phát triển rất nhiều loại hình du lịch sinh thái hấp dẫn:
- Du lịch Trekking (đi bộ trong Vườn quốc gia) theo các tour trên tuyến khe Khặng, khe Kèm để tìm hiểu thiên nhiên, đời sống sinh hoạt của cư dân địa phương.
- Tham quan hang động, leo núi.
- Tham quan nghiên cứu khoa học hệ động, thực vật.
- Du thuyền trên sông Giăng.
- Du lịch mạo hiểm đến các điểm du lịch đặc thù trong Vườn: như xem động vật ở mỏ muối, leo đỉnh Thác Kèm, đỉnh Pơmu.
Ngoài ra, có các loại hình du lịch kết hợp tham quan các di tích văn hoá lịch sử, các làng nghề ...
Các giải pháp và định hướng phát triển:
Để khai thác các tuyến du lịch Vườn quốc gia Pù Mát và vùng phụ cận có hiệu quả, đảm bảo yếu tố phát triển du lịch bền vững trước mắt cần thực hiện một số giải pháp cấp bách:
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá tiềm năng, sản phẩm đặc thù, các tuyến, tour du lịch sinh thái của Vườn quốc gia Pù Mát đến du khách trong nước và quốc tế. Tổ chức khảo sát mở tour du lịch trong Vườn quốc gia.
- Đầu tư xây dựng các tuyến đường đi bộ vào các điểm du lịch trong Vườn quốc gia Pù Mát.
- Có chính sách khuyến khích, ưu đãi và kêu gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các dịch vụ du lịch, các loại hình du lịch, sản phẩm du lịch tại Vườn quốc gia Pù Mát, trên cơ sở phát triển du lịch gắn liền với bảo vệ môi trường sinh thái bền vững, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội vùng biên giới quốc gia.
- Cần ưu tiên cho việc phát triển đa dạng và có chất lượng các sản phẩm du lịch sinh thái. Phấn đấu đến 2010 Vườn quốc gia Pù Mát là điểm đến hấp dẫn của khách du lịch quốc tế và trong nước, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển du lịch Nghệ An./.
NGUYỄN MẠNH CƯỜNG
Sở Du lịch Nghệ An