NHỮNG TÍN HIỆU VUI
Thứ nhất, Du lịch Việt Nam đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đề ra trong năm 2007. Toàn Ngành đã đón tiếp phục vụ được khoảng 4,2 triệu lượt khách quốc tế, tăng trên 17% so với năm 2006. Khách du lịch nội địa ước đạt 19,2 triệu lượt, tăng 9,7% so với năm 2006. Thu nhập xã hội về du lịch năm 2007 đạt 56 nghìn tỷ đồng, tăng 9,8% so với năm 2006.
Về thị trường khách du lịch quốc tế có sự tăng trưởng đáng kể, thị trường khách du lịch Trung Quốc sau một thời gian sụt giảm, năm 2007 đã dần khôi phục với số lượng 515.430 lượt khách, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Một số thị trường khách du lịch trọng điểm khác của Việt Nam vẫn giữ mức tăng trưởng khá như thị trường Hàn Quốc tăng 14,2%, Nhật Bản tăng 7,9%, Mỹ tăng 6,7%, Thái Lan tăng 36,2%, Malaysia tăng 48,1% so với cùng kỳ năm trước. Hầu hết các khách sạn cao sao đều đạt công suất sử dụng buồng 90% đến 100%.
Thứ hai, công tác xây dựng văn bản pháp luật đạt được những bước đi đáng ghi nhận. Để Luật Du lịch sớm đi vào cuộc sống, trong năm 2007, với sự hỗ trợ của Bộ, Ban, Ngành ở Trung ương và địa phương, Tổng cục Du lịch đã hoàn thành và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 92/2007/NĐ-CP ngày 01/6/2007 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Du lịch; Nghị định số 149/2007/NĐ-CP ngày 9/10/2007 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch... Những văn bản hướng dẫn này có ý nghĩa quan trọng, góp phần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, tạo môi trường pháp lý ổn định cho các hoạt động du lịch, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về du lịch trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Thứ ba, Du lịch Việt Nam đã triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, đề án Chính phủ giao và triển khai tốt Chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch với 750 tỷ đồng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch cho 59 tỉnh thành trong cả nước trong năm 2007. Các Quy hoạch trọng điểm được Chính phủ giao đã hoàn tất như Quy hoạch Tổng thể phát triển du lịch đảo Phú Quốc, quy hoạch Tổng thể phát triển du lịch thác Bản Giốc... Nghiên cứu và đề xuất với Chính phủ điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Việt Nam giai đoạn 2006 - 2010 làm cơ sở định hướng cho việc xây dựng kế hoạch phát triển hàng năm của Ngành trong tình hình mới.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực du lịch tiếp tục tăng. Trong năm 2007, đã có 47 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch khách sạn được cấp phép với tổng số vốn lên đến 1.863 triệu USD tăng 195,7% so với cùng kỳ năm 2006. Tính chung trong giai đoạn từ 1988 đến tháng 12/2007, số dự án đầu tư FDI trong du lịch còn 235 dự án với số vốn đầu tư là 6.163 triệu USD.
Thứ tư, công tác đào tạo bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch được quan tâm, đẩy mạnh theo hướng đổi mới phương thức đào tạo. Tranh thủ nguồn tài trợ quốc tế, ngành Du lịch đã triển khai dự án nâng cấp trang thiết bị các cơ sở đào tạo trực thuộc và hoàn thiện chương trình đào tạo du lịch. Thành lập trường trung học nghiệp vụ du lịch tại Nha Trang, Đà Lạt, Cần Thơ. Tổng cục Du lịch đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Chương trình Phát triển nguồn nhân lực du lịch đến năm 2015, tầm nhìn 2020.
Thứ năm, tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp trực thuộc theo đúng lộ trình đã đạt được những thành tựu đáng kể, đến nay, công tác cổ phần hóa các doanh nghiệp trực thuộc đã cơ bản hoàn thành, trong đó có hai doanh nghiệp thực hiện thủ tục giao cho người lao động. Trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp, Tổng cục Du lịch đã chỉ đạo các doanh nghiệp cần quan tâm đến quyền lợi của người lao động, kịp thời giải quyết những vấn đề nảy sinh trong quá trình cổ phần hóa để các doanh nghiệp sớm ổn định tổ chức và hoạt động bình thường.
Thứ sáu, công tác xúc tiến quảng bá năm 2007 được chú trọng đầu tư nhiều hơn, nâng dần tính chuyên nghiệp. Nội dung và hình thức xúc tiến được cải tiến, nhiều sự kiện xúc tiến triển khai mạnh mẽ ở cả trong và ngoài nước, góp phần nâng cao hình ảnh Du lịch Việt Nam với các sự kiện tổ chức thành công như: Năm Du lịch Thái Nguyên 2007; lễ hội du lịch tại TP. Hồ Chí Minh; Tuần lễ hội du lịch - văn hóa Tuyên Quang, Cao Bằng, Hà Giang; lễ hội carnival đường phố Hạ Long; lễ hội biển ở Nha Trang, Đà Nẵng; lễ hội Quảng Nam; Festival “Ninh Thuận – Tiềm ẩn những sắc màu”, Festival hoa Đà Lạt... Tham gia các hội chợ du lịch quốc tế và sự kiện “những ngày Việt Nam ở nước ngoài”... Đón các đoàn Famtrip, Press trip vào khảo sát du lịch Việt Nam... Đặc biệt lần đầu tiên, được Chính phủ cho phép, Du lịch Việt Nam đã quảng bá trên kênh truyền hình quốc tế CNN.
Thứ bảy, ngành Du lịch tiếp tục đạt được những thành tựu quan trọng trong việc mở rộng các mối quan hệ hợp tác song phương và đa phương tạo điều kiện cho hoạt động du lịch phát triển, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới. Trong năm 2007, Du lịch Việt Nam đã ký thêm hai Hiệp định hợp tác Du lịch cấp Chính phủ với Hy Lạp, Tunisi nâng số hiệp định, thỏa thuận hợp tác song phương đã ký lên 39. Bên cạnh đó, tích cực tham gia các chương trình, nội dung trong hợp tác đa phương...
MỘT SỐ HẠN CHẾ
Tuy nhiên, năm 2007 cũng là năm có nhiều biến động bất lợi cho Du lịch Việt Nam. Tình hình bất ổn trên thế giới, giá nhiên liệu không ngừng gia tăng kéo giá cả trong nước tăng theo; tình hình dịch bệnh, bão lụt dữ dội ở miền Trung gây thiệt hại nghiêm trọng... cũng gây tác động không nhỏ đến sự phát triển của Du lịch Việt Nam.
Một số hoạt động của Ngành còn có những hạn chế như việc xây dựng ấn phẩm quảng bá năm 2007 còn yếu. Một số thị trường quan trọng như: Nga, Mỹ cần được quan tâm nghiên cứu để có chiến lược phù hợp. Công tác quy hoạch và đầu tư phát triển du lịch chưa thực sự đáp ứng yêu cầu thực tế; việc khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường du lịch còn nhiều bất cập; tình trạng lộn xộn trong kinh doanh tại các điểm du lịch vẫn tồn tại, hoạt động hướng dẫn viên vẫn còn chưa thực sự đi vào nề nếp, tính chuyên nghiệp chưa cao; sự phối hợp giữa Tổng cục Du lịch với các Bộ, Ngành và địa phương trong quản lý hoạt động kinh doanh du lịch còn chưa chặt chẽ và đồng bộ.
NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM NĂM 2008
Năm 2008 là năm thứ ba cả nước thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X và kế hoạch 5 năm 2006 - 2010 trong bối cảnh đất nước hội nhập toàn diện vào nền kinh tế thế giới. Ngành Du lịch triển khai kiện toàn tổ chức bộ máy, đẩy mạnh cải cách hành chính và nâng cao năng lực quản lý chuyên môn đối với hoạt động du lịch; tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ đẩy mạnh quảng bá xúc tiến Du lịch Việt Nam; phát triển du lịch sinh thái, văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng và du lịch chất lượng cao. Nắm bắt tình hình, tận dụng cơ hội để mở rộng thị trường với phương châm củng cố các thị thường truyền thống, tranh thủ phát triển các thị trường tiềm năng, thị trường mới.
Ngành Du lịch tập trung lực lượng và trí tuệ đẩy mạnh các hoạt động, tiếp tục giữ vững được nhịp độ tăng trưởng, phấn đấu đón từ 25,5 triệu đến 26,2 triệu lượt khách du lịch, trong đó đón từ 4,8 triệu đến 5 triệu lượt khách quốc tế, tăng từ 16,7% đến 19% so với thực hiện năm 2007; 20,5 triệu đến 21,2 triệu lượt khách du lịch nội địa, tăng khoảng 6,8% đến 10,4% so với thực hiện năm 2007. Tổng doanh thu xã hội về du lịch đạt khoảng 62.000 tỷ đến 64.000 tỷ đồng, tăng khoảng 10,7% đến 14,3% so với mức thực hiện năm 2007.
Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, ngành Du lịch sẽ triển khai các nhiệm vụ chủ yếu năm 2008 là: kiện toàn hệ thống tổ chức ngành và phát triển nguồn nhân lực du lịch; hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Nghị định số 92/2007/NĐ-CP thuộc thẩm quyền của Tổng cục Du lịch. Tiếp tục triển khai thực hiện Luật Du lịch; tổ chức tập huấn, phổ biến các Nghị định hướng dẫn Luật Du lịch và các văn bản hướng dẫn khác trên phạm vi toàn quốc; triển khai Đề án phát triển Du lịch sau khi Việt Nam đã là thành viên chính thức của WTO; tổ chức triển khai thành công Năm Du lịch Quốc gia tại Cần Thơ với chủ đề: "Miệt vườn sông nước Cửu Long - Mê kông, Cần Thơ 2008"; hướng dẫn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương điều chỉnh quy hoạch du lịch của các địa phương khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam tới năm 2020. Tăng cường phối hợp liên ngành, liên vùng nhằm đẩy mạnh đa dạng hóa, phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch, phát triển du lịch bền vững...
PHÙ NINH