*Lạng Sơn đã chính thức công bố mẫu logo và slogan mới mang đậm nét khác biệt cho thương hiệu Du lịch Lạng Sơn. Ông có thể chia sẻ về sự thay đổi này?
Trong năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch nhưng UBND tỉnh và ngành Du lịch Lạng Sơn đã có nhiều hành động cụ thể nhằm triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá và kích cầu du lịch. Trong đó có việc công bố biểu trưng và khẩu hiệu mới của bộ nhận diện thương hiệu Du lịch Lạng Sơn. Biểu tượng cách điệu của ngọn núi Mẫu Sơn hùng vĩ, trùng điệp và hình ảnh bông hoa đào trên núi Mẫu Sơn ngày xuân của logo mới thể hiện khát vọng, niềm tin vào một tương lai tươi sáng, một “bình minh mới” sẽ đến với Du lịch Lạng Sơn nói riêng và xứ Lạng nói chung. Slogan “Ai lên xứ Lạng cùng anh” dễ nhớ, dễ thuộc, gắn với lịch sử như lời mời gọi du khách đến với Lạng Sơn.
Việc lựa chọn, xác định logo và slogan Du lịch Lạng Sơn sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu hình ảnh Du lịch xứ Lạng với du khách, bạn bè trong nước và quốc tế. Đây là bước đầu tiên trong việc xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch Lạng Sơn một cách đồng bộ, chuyên nghiệp, hiệu quả. Đồng thời, sự đổi mới này góp phần phục vụ đắc lực cho các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại của tỉnh Lạng Sơn trong thời gian tới.
Ngay sau khi logo và slogan Du lịch Lạng Sơn được công nhận, các cơ quan quản lý nhà nước đã thực hiện công bố rộng rãi bộ quy chuẩn trên trang thông tin điện tử của tỉnh: langson.gov.vn; dulichlangson.com.vn; fanpage Trungtamhotrokhachdulich… nhằm đảm bảo cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân được sử dụng logo và slogan để tuyên truyền, quảng bá Du lịch Lạng Sơn.
Riêng lĩnh vực du lịch, đã tiến hành triển khai đồng bộ việc xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với logo và slogan mới nhằm tạo bộ nhận diện thương hiệu cho Du lịch Lạng Sơn. Tiêu biểu như bộ nhận diện cho các hoạt động của văn phòng (danh thiếp, bao bì thư, túi giấy, ấn phẩm du lịch...); hiệu chỉnh giao diện website dulichlangson.com.vn về đồ họa, banner và hình ảnh minh họa; thiết kế showroom triển lãm phục vụ công tác xúc tiến quảng bá du lịch tại các cuộc hội thảo, hội nghị, hội chợ…
*Xin ông cho biết kế hoạch phát triển ngành kinh tế du lịch của Lạng Sơn trong năm tới?
Trong năm 2022, Lạng Sơn phấn đấu đón và phục vụ 3,46 triệu lượt khách du lịch, doanh thu từ du lịch ước đạt 2.600 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu này, Lạng Sơn sẽ triển khai các kế hoạch phát triển kinh tế du lịch như: chỉ đạo nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách về phát triển du lịch nhằm tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi, hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư đến Lạng Sơn; tiếp tục thực hiện các biện pháp kích cầu, phục hồi du lịch; tổ chức các sự kiện văn hóa - du lịch, hội chợ, hội nghị xúc tiến đầu tư; triển khai hợp tác phát triển du lịch với Khu tự trị dân tộc Choang (Quảng Tây, Trung Quốc); thực hiện Bản ghi nhớ hợp tác triển khai Dự án phát triển du lịch bền vững tỉnh Lạng Sơn với Viện kỹ nghệ quốc gia Pháp; thúc đẩy hiệu quả hợp tác trong Chương trình “Du lịch Qua miền di sản Việt Bắc”, hợp tác phát triển với thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Bắc.
Cùng với đó, thúc đẩy tiến độ dự án Quần thể khu du lịch sinh thái, cáp treo Mẫu Sơn; phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, có thế mạnh của tỉnh như du lịch văn hóa, lịch sử về nguồn, lễ hội; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch thể thao, vui chơi giải trí; du lịch biên giới cửa khẩu kết hợp mua sắm; du lịch cộng đồng. Lạng Sơn sẽ tập trung xây dựng mô hình phát triển kinh tế - xã hội bền vững, phát huy giá trị tổng thể của các loại hình di sản tiến tới đưa công viên địa chất Lạng Sơn đạt danh hiệu công viên địa chất toàn cầu.
Đặc biệt, chú trọng đầu tư hạ tầng du lịch và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch đồng bộ, kết nối phát triển hệ thống các trung tâm, khu, điểm, tuyến du lịch; từng bước hoàn thành, đưa vào khai thác các dự án Quần thể khu du lịch sinh thái, cáp treo Mẫu Sơn, Khu di tích Chi Lăng, Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Emer Hill (thành phố Lạng Sơn), Khu du lịch sinh thái danh thắng thác Bản Khiếng (huyện Lộc Bình), các điểm du lịch, các khu du lịch sinh thái, cộng đồng trên địa bàn các huyện, thành phố.
Công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch cũng được chúng tôi đặc biệt quan tâm. Điều đó được thể hiện thông qua việc xây dựng cơ chế, chính sách thu hút nhân lực du lịch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý nhà nước, cán bộ, nhân viên trong các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch khoa học, phù hợp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập; đẩy mạnh xã hội hóa, đa dạng các hình thức đào tạo theo hướng chuyên môn hóa…
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVII đã đặt ra nhiệm vụ: “phấn đấu đến năm 2025 du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, trong đó đề ra mục tiêu đến năm 2025 thu hút trên 4,4 triệu lượt khách du lịch, doanh thu du lịch đạt trên 5.200 tỷ đồng, toàn tỉnh có khoảng 5.400 buồng lưu trú (trong đó có 1.100 buồng đạt tiêu chuẩn xếp hạng từ 3 - 5 sao), trên 15.000 lao động du lịch (trong đó có 7.000 lao động trực tiếp); có 1 khu du lịch quốc gia (Khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn), 2 - 4 khu du lịch cấp tỉnh, 8 - 10 điểm du lịch và 4 - 6 điểm du lịch cộng đồng .
*Lạng Sơn có biện pháp cụ thể nào để khai thác sản phẩm du lịch tâm linh phục vụ khách trước và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, thưa ông?
Để khai thác sản phẩm du lịch tâm linh trong thời gian tới, ngành Du lịch Lạng Sơn đã tập trung tuyên tryền quảng bá và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh dựa trên những đặc trưng riêng. Cùng với đó, nâng cao nhận thức cho các cấp hoạch định đến người dân trên địa bàn tỉnh về tầm quan trọng của du lịch văn hóa tâm linh.
Trước hết, khai thác, kết nối các điểm du lịch địa phương (chùa Tam Thanh, chùa Thành, chùa Bắc Nga, đền Mẫu Đồng Đăng, đến Bắc Lệ…) tạo thành các tuyến du lịch tâm linh, gắn du lịch tâm linh với các loại hình di tích khác nhằm tạo sự phong phú, đa dạng của sản phẩm; xây dựng các sản phẩm thu hút sự tham gia trải nghiệm của khách tham quan như: nghi lễ thiền, ăn chay tại chùa, tình nguyện vì cộng đồng… Đặc biệt, chú trọng xây dựng chuỗi cung ứng dịch vụ tham quan, tìm hiểu, chiêm bái những giá trị tâm linh gắn với điểm du lịch; tiếp tục đầu tư tu bổ, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở vật chất, hệ thống chùa, đình, đền, cơ sở thờ tự cũng như hạ tầng tiếp cận điểm du lịch tâm linh; quan tâm đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên có kỹ năng nghiệp vụ, có kiến thức về dân tộc, văn hóa, lịch sử, địa lý, tôn giáo, tín ngưỡng… và nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý để tăng cường hiệu quả công tác quản lý phát triển du lịch tâm linh; tiếp tục duy trì và phát triển các nghi lễ sinh hoạt tâm linh có tác dụng tích cực tới nhận thức của người dân và du khách.
Bên cạnh đó, Lạng Sơn cũng triển khai nhiều biện pháp nhằm thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn: quán triệt tới các cấp, sở, ngành thực hiện đảm bảo an toàn cho người dân và du khách khi tham gia du lịch; tuyệt đối tuân thủ 5K, khoanh vùng, xét nghiệm loại bỏ các trường hợp F0 ra khỏi cộng đồng… nhằm tạo sự an tâm cho người dân cũng như du khách khi đến Lạng Sơn.
*Xin cảm ơn ông!
Đoàn Hoa (thực hiện)
(Nguồn: Tạp chí Du lịch tháng 1+2/2022)