Thiên nhiên hào phóng, hệ sinh thái ngập nước dâng tặng con người biết bao tài nguyên quý gắn liền với môi sinh, môi trường mà Vườn Quốc gia Tràm Chim - nằm trên địa phận huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Đây là mô hình thu nhỏ cảnh quan của vùng Đồng Tháp Mười và là nơi sinh sống của sếu đầu đỏ - một loài chim quý hiếm cần được bảo vệ…
Rừng ngập nước đã dâng tặng và tạo điều kiện để nơi đây xây dựng một trung tâm bảo vệ chim hạc, còn gọi là sếu đầu đỏ cổ trụi, có giá trị kinh tế - khoa học và là địa điểm du lịch sinh thái lý thú.
Vườn Quốc gia Tràm Chim đã được Nhà nước đầu tư hàng chục tỉ đồng để nâng cấp, mở rộng, hình thành một bảo tàng thiên nhiên toàn cảnh của vùng Đồng Tháp Mười thu nhỏ và đã được cấp bằng công nhận là khu Ramsar về đất ngập nước thứ 4 của Việt Nam và thứ 2.000 của thế giới. Đây là 1 trong 8 vùng bảo tồn chim quan trọng nhất của Việt Nam, sinh cảnh độc nhất vô nhị ở bán đảo Đông Dương!
Đến Tràm Chim, khi bình minh vừa ló rạng, sương mai còn đọng trên cành cây, ngọn cỏ, ngồi trên xuồng máy lướt sóng trên dòng kênh, ngắm nhìn hai bên bờ chim chóc bay đi kiếm ăn rất nhiều, tiếng chim hót líu lo nghe thật vui tai… Bầy le le - vịt trời cả trăm con, nghe tiếng xuồng máy đến gần, vút bay lên cao rồi giang đôi cánh hướng về cụm rừng tràm xanh thẫm phía xa. Bất chợt, một thoáng như mơ, như thực, trong không gian còn mang vẻ hoang sơ, khách bắt gặp những đàn sếu chấp chới, bay lượn trên đồng nước vùng tràm nguyên thủy. Dáng thanh thoát - nhẹ nhàng, sếu đầu đỏ - mỏ dài, cổ và chân cao, có bộ lông màu xám nâu rất đẹp... Đến Vườn Quốc gia Tràm Chim du khách còn ngắm những đầm sen, súng, lúa trời, rừng tràm xanh mát mắt và chụp ảnh lưu niệm trên cánh đồng hoa hoàng đầu ấn... nghe tiếng chim hót trước bình minh.
Xuôi theo tuyến quốc lộ 30 đến xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh rồi từ đây vào kênh Hội đồng Tường, rẽ vào con rạch ngoằn ngoèo, khách tham quan khu địa danh lịch sử sáng ngời truyền thống cách mạng suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ... Đó là "căn cứ địa nhân tâm" Xẻo Quýt. Khu rừng xanh mát mắt, hào phóng, những luồng gió mát trong lành, nằm gọn giữa khu đất trũng có nhiều cây tràm, gáo, sậy, sen, súng và dây leo bòng bong mang đặc trưng của Đồng Tháp Mười.
Xẻo Quýt có cả hệ thống các di tích được bảo tồn và phục chế như: Công sự chiến đấu và tránh bom đạn - pháo, hàng rào mìn, chống bảo vệ các đường hầm bí mật, khu văn thư, khu điện đài của Tỉnh ủy Kiến Phong đã bền bỉ lãnh đạo lực lượng vũ trang và đồng bào địa phương anh dũng đánh giặc suốt từ năm 1960 đến ngày giải phóng miền Nam. Đường thủy từ xã Mỹ Hiệp đến căn cứ Xẻo Quýt chỉ chừng 7km, ngồi trên tắc ráng, khách có dịp thưởng ngoạn cảnh sông nước hữu tình với nhiều vườn xoài, mận, táo, ổi, sơri... trĩu quả nằm dọc hai bên bờ kênh.
Cạnh bên Xẻo Quýt là khu du lịch sinh thái Gáo Giồng. Nơi đây, có gần 2.000ha rừng tràm và một quần thể 40ha, tập trung hơn 15 loài chim muông quý hiếm sinh sống, làm tổ và đẻ trứng, cùng với nguồn lợi thủy sản rất phong phú và đa dạng... Du khách đến Gáo Giồng vào mùa nước nổi phù sa lắng đọng bởi lúa, cỏ hòa lẫn chất phèn, nước trong veo, nhìn rõ từng loại cá bơi lội, lấy trứng kiến vàng làm mồi câu, rồi nhổ bông súng, hái bông điên điển... nấu canh chua ăn "mát trời ông Địa". Riêng dân nhậu, đến Gáo Giồng vào mùa lũ, nước lên ngập hết ruộng đồng, chuột - rắn không chỗ ẩn cư dồn hết lên gò, tha hồ mà bắt...
Đến khu du lịch sinh thái rừng tràm Gáo Giồng, du khách sẽ được thưởng ngoạn không khí trong lành, sự yên tĩnh thoải mái của vùng quê... Hoặc lên trên các chòi, tháp cao hơn 20m để nhìn toàn cảnh Gáo Giồng - một góc Đồng Tháp Mười bát ngát, mênh mông. Nếu rảnh, du khách tiêu khiển với việc câu cá giữa đồng năn và thưởng thức các món ăn đặc trưng của "đất rừng phương Nam" như mắm kho - bông súng, cá rô đồng kho tộ, cá gói lá sen nướng, cá hấp lá duối, chuột đồng quay lu, chuột đồng luộc cơm mẻ, rắn hầm tỏi, lẩu lươn... rồi nhấm nháp ly rượu mật ong tinh khiết để lắng lòng nghe mùi mẫn câu vọng cổ với loại hình đờn ca tài tử độc đáo...
Đến tham quan khu di tích Gò Tháp có niên đại trên 1.500 năm, nằm ở huyện Tháp Mười, du khách hình dung như đến một ốc đảo xanh tươi, một viên ngọc bích giữa Đồng Tháp Mười mênh mông. Xuyên qua những tuyến kênh rạch chằng chịt mang dấu vết của những dòng sông cổ, túa đi các hướng… Diện tích Gò nối liền khoảng 1km2, Gò Tháp tập trung đủ các loại hình di tích đình, chùa, tháp, miếu… trên bề mặt và nhiều loại hình khảo cổ còn tiềm tàng trong lòng đất. Cực Nam di tích là Gò Tháp Mười cao ngất, cách đó khoảng 100m về phía bắc là Tháp Cổ Tự hay Tháp Mười Cổ Tự.
Qua khỏi chùa, du khách đến Đồn Trung (tức Đại bản doanh) nằm khoảng giữa khu di tích. Mặt đồn bằng phẳng, dấu vết hào lũy còn in dấu rất rõ. Đồn Trung cùng với Đồn Tiền (Gò Bảy Liếp), Đồn Tả (Gò Giồng Dung), Đồn Hữu (Động Cát) và các động ngoại vi ở Mộc Hóa, Cái Nửa, Doi Me… đã tạo thành căn cứ Đồng Tháp Mười thời kháng chiến. Bằng lối đánh du kích, Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều đã làm giặc Pháp mất ăn mất ngủ từ năm 1861 - 1866. Hiện nay, ngôi mộ Đốc binh Kiều vẫn còn, phía trước là đền thờ chung cho cả hai ông rất khang trang. Lần theo phía bắc là Miếu Bà Chúa Xứ, Gò Minh Sư - ngôi mộ bằng hợp chất ô dước, tương truyền là mộ Hoàng Cô - em gái vua Gia Long và hàng loạt tượng Phật, tượng thần bằng gỗ…
Trở ra thành phố Cao Lãnh - trung tâm tỉnh lị của Đồng Tháp sầm uất. Từ cửa ngõ Mỹ Trà vào đến ngã tư bùng binh có nghĩa trang liệt sĩ uy nghi… Trên các tuyến đường rộng thênh thang như các đường Lý Thường Kiệt, Hùng Vương, Nguyễn Huệ..., có điều khác biệt so với các đô thị khác là đường phố ở Cao Lãnh dù lớn hay nhỏ đều rợp bóng cây xanh. Cuối đường Lý Thường Kiệt là khu thương mại sầm uất. Chợ Cao Lãnh là những căn hộ khang trang và siêu thị góp phần tạo nên sắc vóc của một đô thị trẻ.
Từ giao lộ Lý Thường Kiệt - Tôn Đức Thắng, rẽ trái ra quốc lộ 30 về miền biên giới Hồng Ngự - Tân Hồng, rẽ phải một đoạn gần cây số là khu liên hợp thể dục thể thao cấp quốc gia hiện đại vào bậc nhất đồng bằng sông Cửu long. Điểm nổi trội nữa là trong không gian xanh của Cao Lãnh phải kể đến công viên văn hóa Văn Miếu tọa lạc giữa lòng đô thị, có cây xanh bóng mát, hồ nước rộng thoáng như lá phổi của thành phố, đúng là đô thị xanh - sạch - văn minh. Đặc biệt, ở thành phố trẻ này còn có khu lăng mộ cụ phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Nơi đây có ngôi nhà được dựng theo đúng kiểu dáng và chất liệu của nhà sàn Bác Hồ tại Hà Nội… như một lời gợi nhắc về cuộc sống thanh bạch, khiêm nhường của vị anh hùng dân tộc, nhà văn hóa lớn...
Về Đồng Tháp, du khách còn nghe điệu hò Đồng Tháp thật da diết, ngọt ngào trên những đồng sen bạt ngàn hay trên cánh đồng lúa mỏi cánh cò bay và có thể đi thăm khu di tích khảo cổ Gò Tháp, thăm chùa Kiến An Cung (chùa Ông Quách), Gò Quản Cung - Giồng Thị Đam, Dinh Đốc Binh Vàng thờ danh tướng Trần Văn Năng, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê (Sa Đéc) trong bộ phim “Người tình”, khu du lịch văn hóa Phương Nam tại xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò. Rồi tham quan vườn cò Mỹ An, bãi tắm An Hòa và độc đáo là làng hoa kiểng Tân Quy Đông - Sa Đéc, nằm cạnh con đường vành đai, với bốn mùa bao phủ những thảm hoa rực rỡ mà lâu đời nhất là vườn Hồng Tư Tôn...
Thăm những làng nghề truyền thống như chiếu Định Yên, làng đóng xuồng Rạch Bà Đài, làng dệt khăn choàng tắm Long Thuận, làng nuôi cá bè Hồng Ngự, Rẫy Cụ Hồ... hay thưởng thức các món ăn đặc sản Quýt hồng Lai Vung, nhãn Châu Thành, xoài Cao Lãnh, bưởi Phong Hòa, Nem Lai Vung... để hiểu thêm con người và cuộc sống gắn bó rất lâu đời trên dải đất giàu đẹp của Tổ quốc Việt Nam mang dáng hình chữ S.
TRẦN TRỌNG TRUNG
Nguồn: Laodong.com.vn