Phân biệt phát triển du lịch như là công cụ phát triển phúc lợi cộng đồng với du lịch cộng đồng, du lịch có trách nhiệm và du lịch bền vững
Phân biệt với du lịch cộng đồng
Khi nói tới việc phát triển du lịch như là một công cụ để phát triển cộng đồng, chúng ta đang nhấn mạnh đến việc phát triển du lịch theo hướng cải thiện chất lượng cuộc sống của cộng đồng địa phương. Như vậy, chúng ta đang muốn nhấn mạnh ý “bền vững” hơn là một loại hình du lịch cụ thể nào đó (như du lịch sinh thái hay du lịch cộng đồng chẳng hạn). Chính vì thế, đây không phải là du lịch cộng đồng.
Phân biệt với du lịch có trách nhiệm và du lịch bền vững
Với việc nhấn mạnh tính bền vững và phát triển chất lượng cuộc sống, việc phát triển du lịch như là công cụ để phát triển cộng đồng khá gần với khái niệm du lịch có trách nhiệm và du lịch bền vững. Tuy nhiên, cách tiếp cận này khác với hai hình thức du lịch trên ở chỗ, nó nhấn mạnh vào sự trải nghiệm du lịch của du khách, và với cách tiếp cận này, một địa phương nào đó có thể phát triển dựa vào du lịch mà không cần trực tiếp đón du khách.
Tiếp cận phát triển du lịch như là công cụ để phát triển phúc lợi cộng đồng sẽ tránh được 4 thách thức chính của việc phát triển du lịch
Thoạt nhìn, việc ứng dụng một loại hình du lịch hiệu quả nào đó vào địa phương và cách tiếp cận phát triển du lịch để phát triển cộng đồng có vẻ giống nhau. Tuy nhiên, với kinh nghiệm nghiên cứu về du lịch của nhóm tác giả, không phải một hình thức du lịch nào đó khi đã được áp dụng thành công ở địa phương này thì cũng sẽ áp dụng thành công ở địa phương khác. Thực tế, sau khi phân tích hơn 350 trường hợp của những dự án phát triển toàn cầu và xác định các yếu tố liên quan đến việc thất bại, chúng tôi đã rút ra được 4 thách thức chính sau đây cho phát triển du lịch, mà cách tiếp cận ứng dụng một loại hình du lịch cụ thể sẽ dễ dàng bị mắc phải, đó là:
Nhiều người thường cho rằng du lịch sẽ đem lại việc làm và phát triển cơ sở hạ tầng, thông qua đó sẽ đem lại cuộc sống tốt hơn cho người dân tại điểm đến. Nhưng nếu không có kế hoạch cẩn thận thì du lịch hiếm khi tạo ra những lợi ích, thậm chí sẽ không đem lại lợi ích gì cho cộng đồng.
Thông thường, những người phát triển du lịch sẽ xây dựng năng lực cộng đồng, nhưng nếu không yêu cầu thì họ ít khi thực hiện và vì vậy người dân địa phương có thể mất kiểm soát.
Áp dụng những mô hình du lịch thành công ở nơi khác nhưng không phù hợp với địa phương.
Không tạo được những trải nghiệm hấp dẫn, độc đáo và dễ tiếp cận cho khách du lịch.
Tiếp cận phát triển du lịch như là một công cụ để phát triển phúc lợi cộng đồng sẽ giúp chúng ta suy nghĩ sáng tạo, không đi vào lối mòn
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, xin được lấy ví dụ từ việc phát triển du lịch ở vùng Atherton Tablelands, đất nước Australia. Đây là một vùng nông thôn ở gần khu nghỉ dưỡng du lịch ven biển khá nổi tiếng ở Australia, vì thế đón rất nhiều khách du lịch đến tham quan hoạt động sản xuất nông nghiệp. Và vùng Atherton Tablelands đã đối mặt với một bài toán rất khó đó là làm sao để quản lý được ảnh hưởng tiêu cực từ lượng lớn du khách viếng thăm mỗi ngày trong khi thu từ du lịch là rất hạn chế. Thực tế, du khách chi hầu hết số tiền của họ ở bãi biển, và chỉ dừng chân ở Atherton chứ không lưu trú qua đêm. Với cách tư duy phát triển du lịch truyền thống, giải pháp cho vấn đề này sẽ là xây dựng một khu nghỉ dưỡng tại Atherton như một cách để giữ chân du khách. Tuy nhiên, đây không phải là một lựa chọn tốt nhất để đạt được mục tiêu phát triển phúc lợi cộng đồng vì năng lực tài chính của vùng có hạn, không đủ để xây khu nghỉ dưỡng, và cho dù có xây được khu nghỉ dưỡng thì với đặc tính mùa vụ của sản xuất nông nghiệp nơi đây, sẽ có những tháng các khu nghỉ dưỡng này không đón nhận du khách nên phải vận hành với chi phí cố định cao, có thể thu không đủ để bù chi. Để giải quyết vấn đề này, cần nghĩ về phát triển du lịch theo hướng khác biệt hơn. Và phát triển du lịch như là công cụ để phát triển phúc lợi cộng đồng là lời giải hợp lý cho “bài toán” hóc búa này.
Xuất phát từ phúc lợi cộng đồng, qua nhiều hội thảo và các cuộc phỏng vấn chuyên sâu với cộng đồng địa phương, chúng tôi nhận ra cộng đồng địa phương đang có nhu cầu rất lớn về nhân lực tham gia sản xuất nông nghiệp tại các trang trại và cần đảm bảo doanh số tiêu thụ nông sản. Cư dân địa phương rất thiếu và yếu về kỹ năng bảo vệ môi trường, đồng thời nguồn nhân lực cần cho sản xuất nông nghiệp mang tính mùa vụ rất cao.
Dựa vào nhu cầu của cộng đồng, các nhà nghiên cứu đã đề ra được những hướng phát triển cho du lịch vùng Atherton.
Một là, phát triển hình thức du lịch tình nguyện viên. Du khách sẽ trở thành nguồn nhân lực bổ sung cho việc sản xuất nông nghiệp tại các trang trại, đồng thời, du khách cũng sẽ tình nguyện tham gia các hoạt động để giúp cộng đồng địa phương nâng cao khả năng bảo vệ môi trường.
Hai là, tập trung nguồn lực để phát triển việc cung ứng thực phẩm cho các khu du lịch ven biển, và chú ý đến việc gửi thông điệp du lịch hoặc câu chuyện du lịch đến du khách, để họ biết rằng các thực phẩm họ thưởng thức tại các khu du lịch ven biển là đến từ vùng Atherton Tablelands. Nếu du khách thích thú, họ sẽ chủ động tìm đến vùng Atherton, từ đó du lịch vùng này sẽ phát triển. Sử dụng hướng tiếp cận này, du lịch có thể đem lại lợi ích to lớn cho cộng đồng địa phương ngay cả khi họ không bán sản phẩm trực tiếp cho du khách. Nghĩa là, nếu lượng khách đến khu du lịch ven biển nhiều và tiêu thụ thực phẩm tại đây nhiều, thì doanh thu từ sản phẩm nông nghiệp của Atherton sẽ tăng cao, và đem lại lợi ích to lớn cho cộng đồng địa phương.
Có thể nói, phát triển du lịch như là công cụ để phát triển phúc lợi cộng đồng sẽ giúp cộng đồng địa phương hưởng lợi nhiều nhất từ việc phát triển du lịch, vì vậy chúng ta có thể suy nghĩ đến cách tiếp cận này khi hoạch định phát triển du lịch ở một địa phương nào đó. Để tiến hành phát triển du lịch như là công cụ phát triển phúc lợi cộng đồng, cần phải phân tích phúc lợi cộng đồng, dựa vào đó tìm ra cách thức cộng đồng có thể sử dụng du lịch để đạt được phúc lợi cao nhất và lên kế hoạch, chương trình hành động cho du lịch. Và để phát triển du lịch theo cách tiếp cận này, luôn cần phải nhấn mạnh về trải nghiệm du lịch của du khách và câu chuyện du lịch mà chúng ta mong muốn truyền tải đến du khách.
Tài liệu tham khảo:
- Flora, C.B. (2004). Community Dynamics and social capital. In D. RIckerl, C. Francis, R.
- McGehee, N.G., and K. Kim ( 2004). Motivation for Agri-Tourism Entrepreneurship. Journal of Travel Research, 43 (2): 161-70.
- Representations of tourism planning: issue for governance. Journal of Sustainable Tourism, 19(4-5), 423-436…
ThS. Dương Quế Nhu
GS. TS. Gianna Moscardo
PGS. TS. Laurie Murphy