Du lịch và chụp ảnh
Hãng máy ảnh Kodak đã từng nói: “Thật hiếm thấy một vị khách du lịch nào mà không mang bên mình một chiếc máy ảnh”.
Theo Tổ chức Du lịch thế giới, du lịch bao gồm mọi hoạt động của những người du hành, tạm trú với mục đích tham quan, khám phá và tìm hiểu, trải nghiệm hoặc nghỉ ngơi, giải trí, thư giãn, hành nghề và những mục đích khác trong thời gian liên tục không quá một năm bên ngoài môi trường sống định cư, nhưng loại trừ các du hành có mục đích chính là kiếm tiền. Du lịch còn là dạng nghỉ ngơi năng động trong môi trường sống khác hẳn nơi định cư. Nói một cách ngắn gọn, du lịch là đi và trải nghiệm, mở rộng vốn văn hóa bản thân và khám phá thế giới. Trong mỗi chuyến đi, việc ghi lại những khoảnh khắc thú vị của bản thân, những danh lam thắng cảnh với vẻ đẹp mà ngôn từ không thể diễn tả là điều không thể thiếu. Đây chính là sợi dây gắn kết du lịch và chụp ảnh.
Tuy nhiên, trong mối liên quan với du lịch chỉ xét chụp ảnh trên hai mặt: một là các bức ảnh được chụp bởi khách du lịch và hai là hình ảnh về các điểm đến được tạo ra để hấp dẫn khách du lịch.
Du khách đến với địa điểm du lịch, họ dùng máy ảnh để ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ của bản thân. Ngoài ra, họ có thể chụp bất cứ thứ gì họ muốn, và sau khi trở về nhà, người thân bạn bè của họ sẽ được ngắm nhìn, biết về điểm đến. Các bức ảnh mang đến cái nhìn phong phú về điểm đến, lưu giữ những dấu ấn nhất định trong lòng du khách.
Những hình ảnh được tạo ra để hấp dẫn khách du lịch có vai trò to lớn trong du lịch. Đây chính là hoạt động quảng bá hình ảnh, tiếp thị về điểm đến du lịch tới rộng rãi công chúng và du khách. Các học giả đều cho rằng hình ảnh về điểm đến đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút khách du lịch. Điều này rất có ý nghĩa đối với các nhà marketing du lịch, hình ảnh sẽ là công cụ đắc lực, mang lại hiệu quả cao.
Một cách ngắn gọn, chụp ảnh trong du lịch đóng vai trò vô cùng quan trọng. Mối quan hệ mật thiết giữa chụp ảnh và du lịch biến nó thành một phần không thể thiếu, trở thành một hoạt động chính, chủ yếu của du khách khi đi du lịch. Chụp ảnh không chỉ đơn thuần là công cụ quảng cáo, tiếp thị đắc lực cho du lịch mà còn là cái nhìn đa chiều, chân thực nhất về điểm đến du lịch trong mắt du khách.
Nhu cầu du lịch chụp ảnh tại các điểm đến ở miền Bắc Việt Nam
Theo kết quả được tổng hợp từ các phiếu trả lời thăm dò ý kiến, 83,4% du khách được hỏi thích và rất thích chụp ảnh khi đi du lịch; 78% du khách thường xuyên chụp ảnh khi đi du lịch. Không có một du khách nào không thích hoặc chưa từng chụp ảnh khi đi du lịch. Với số liệu trên, có thể thấy chụp ảnh trong quá trình đi du lịch là điều tất yếu và phổ biến với nhiều du khách, đó là hoạt động quen thuộc trong mỗi chuyến đi của họ.
Với các điểm đến tại miền Bắc, 77,4% du khách được hỏi trả lời rằng việc chụp ảnh có vai trò quan trọng trong chuyến đi, 9,5% du khách cho rằng chụp ảnh có vai trò hết sức quan trọng. Bên cạnh đó, chỉ có 17,7% du khách đánh giá rằng việc chụp ảnh không có vai trò quan trọng hoặc không cần thiết.
Có rất nhiều yếu tố thúc đẩy du khách đi du lịch như có thời gian rảnh, có thu nhập thừa, có mong muốn đi để khám phá, trải nghiệm, tôn giáo…Và đối với du lịch chụp ảnh cũng có nhiều yếu tố khiến du khách sẵn sàng lên đường, chiếm 82,1% là do mùa hoa, mùa lễ hội và các dịp lễ đặc biệt. Yếu tố thời tiết chiếm 8,2%, còn lại là các yếu tố khác. Yếu tố khách quan là động cơ chủ yếu của việc đi du lịch. Những người làm chương trình du lịch có thể chủ động hơn vì họ nắm bắt được thời gian diễn ra các lễ hội, các hoạt động đặc biệt cũng như thời gian mùa hoa nở. Điều đó giúp họ chủ động trong việc lên chương trình, định giá bán cho các chương trình. Tuy nhiên, các yếu tố khách quan này cũng tiềm ẩn một số rủi ro, như thời tiết làm ảnh hưởng tới chuyến đi, hay các rủi ro có thể xảy ra trong từng lễ hội…
Địa hình núi được sự quan tâm nhiều nhất của du khách (chiếm 53,6%), tiếp theo là biển (chiếm 23,8%), còn lại là các dạng địa hình khác. Núi là một dạng địa hình đặc trưng ở miền Bắc; người ta có thể chụp ảnh ở nhiều góc khác nhau, thời điểm và đặc điểm ánh sáng khác nhau để có được những hình ảnh sinh động. Điều này hoàn toàn phù hợp khi đối tượng chụp ảnh của du khách 74% là phong cảnh tự nhiên, 15% là hình ảnh con người.
Du khách thường chỉ nắm được sơ sài các kỹ thuật chụp ảnh (chiếm 64,3%), có 16,7% du khách không biết kỹ thuật, chỉ có 19% nắm chắc các kỹ thuật, bởi họ thích thú chụp ảnh nhưng chưa có điều kiện cho việc tham dự các lớp đào tạo kỹ năng chụp ảnh. Chính vì thế, các bức ảnh du khách chụp trong chuyến đi chủ yếu để chia sẻ lên các trang mạng (chiếm 40%), hoặc để giữ làm kỷ niệm (chiếm 44%), chỉ có 3% là gửi ảnh tham gia các cuộc thi về nhiếp ảnh.
Việc nâng cao chất lượng chụp ảnh cũng góp phần gián tiếp phát triển du lịch. Bởi khi chất lượng ảnh đẹp thì du khách sẽ có mong muốn quay trở lại nơi đó, thêm vào đó, những người được chiêm ngưỡng những bức hình đẹp cũng có mong muốn tới nơi đó để du lịch.
Một số lưu ý trong phát triển du lịch chụp ảnh
Các công ty du lịch tổ chức tour chụp ảnh cần tìm hiểu chi tiết các địa điểm có góc ngắm đẹp (đặc biệt ở địa hình đồi núi); đào tạo cho hướng dẫn viên về các kỹ thuật chụp ảnh; cung cấp dịch vụ cho thuê máy ảnh chuyên nghiệp, cho thuê thiết bị, công cụ hỗ trợ chụp ảnh… hoặc bao gồm trong chuyến đi; nắm bắt được các địa hình sẽ tới; cần chú ý tới những dấu hiệu thay đổi thời tiết thất thường chẳng hạn như có tuyết, hoặc tới mùa hoa, mùa lễ hội với các mùa trong năm.
Đối với loại hình chụp ảnh, du khách yêu cầu sự chủ động hơn nhiều trong thời gian của mình, công ty du lịch cần bố trí các bữa ăn sao cho hợp lý, có thể giới thiệu một số địa điểm ăn gần đó để du khách chủ động. Để có một chương trình chất lượng, số lượng khách thường không quá 10 - 15 người để dễ kiểm soát và đáp ứng được nhu cầu của khách tốt hơn.
Đối với hướng dẫn viên: năng động, nhiệt tình, làm việc chuyên nghiệp; có kỹ năng chụp ảnh thành thạo và sẵn sàng chia sẻ với khách; hiểu biết về các địa điểm đẹp với từng mùa, từng thời tiết và nắm được văn hóa của người dân bản địa; hướng dẫn, giới thiệu sinh động về các điểm đến, gợi sự tò mò và mong muốn chụp ảnh trong lòng du khách.
Đối với thiết bị chụp ảnh và hỗ trợ chụp ảnh: có thể cho du khách thuê máy ảnh chuyên nghiệp, hiện đại; có xe máy tại điểm đến để khách có thể chủ động chụp những khu vực lân cận; có dụng cụ che mưa, nắng, thiết bị hắt sáng, đạo cụ (đu quay, ghế, đàn…), chân máy…
Đối với địa điểm chụp ảnh: địa điểm có nhiều dạng địa hình, phong cảnh, nhiều đặc điểm mới lạ theo mùa; khí hậu đa dạng, không khí trong lành, thân thiện; an ninh được đảm bảo.
Một số yêu cầu khác: thời gian chụp ảnh chiếm khoảng 1/2 thời gian trong suốt chuyến đi; du khách có thể dừng chân ở bất cứ đâu trên chuyến hành trình để chụp ảnh; trong không gian lưu trú nên có một không gian riêng để du khách có thể ngồi trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với nhau…
Trên thế giới, chụp ảnh nói riêng và chụp ảnh du lịch nói chung xuất hiện vào đầu thế kỷ 19. Hai bức ảnh đầu tiên chụp về đô thị Pháp do Joseph Nicéphore Niépcea (1765-1833) và Louis Daguerre (1787-1851) thực hiện. Bức ảnh cổ nhất được phát hiện là bức ảnh chụp về một góc đường phố phía Đông của nước Pháp bởi Joseph Nicéphore Niépcea vào năm 1825. Nicéphore Niépcea là người chụp bức ảnh đầu tiên nhưng cha đẻ của chụp ảnh thuộc về Louis Daguerre. Vì Louis Daguerre là người đầu tiên trong lịch sử chụp ảnh đưa con người vào trong bức ảnh. |
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Minh Tuệ (Chủ biên), “Địa lý du lịch Việt Nam”, NXB Giáo dục Việt Nam.
2. Bùi Thị Hải Yến, “Tuyến điểm du lịch Việt Nam”, NXB Giáo dục Việt Nam.
3. Richard M.Chalfen, Photography’s role in tourism, University of Temple Philadelphia, USA.
4. Susan McCartney, How to shoot great travel photos. |
TS. Phạm Hồng Long và nhóm tác giả
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)