Nhưng có một Nhật Bản khác – một Nhật bản diệu kỳ mà tôi đã được khám phá trong chuyến hành trình dài hơn hai tuần xuyên qua xứ sở này.
Chuyến tàu lao vút trong đêm, đưa gia đình tôi từ sân bay Osaka về thành phố. Trong chuyến tàu dài gần 1 giờ đồng hồ hôm ấy, tôi nhìn thấy cô nhân viên thoăn thoắt qua lại giữa các khoang tàu. Điều thật lạ là cô luôn cúi rạp mình mỗi khi bước vào một khoang tàu, và lại cúi rạp trước khi bước ra khỏi nơi đó. Cô luôn tươi cười làm thế mặc dù có những lúc hành khách không ai nhìn cô. Thái độ phục vụ của người nhân viên soát vé làm chúng tôi kinh ngạc. Tưởng chừng cảm giác đó sẽ mất đi một khi chúng tôi hòa mình vào một đất nước Nhật Bản đang vội vã năng động vươn mình về phía trước. Nhưng không!
“Cô ơi, cô để quên cái này,” trên đường phố Osaka, một người đàn ông đang chạy theo chúng tôi. Trên tay ông là tiền. Số tiền mà chúng tôi đã để lại trong quán ăn của ông.
“Dạ, tiền này chúng cháu muốn biếu chú, thay lời cảm ơn…”
“Không, không. Quán chúng tôi không nhận tiền boa, cô thanh toán tiền ăn như thế là đủ rồi” - người đàn ông xua tay.
Thật lạ lùng. Chúng tôi đã gõ cửa quán của ông vào giữa đêm khuya. Quán đã đến giờ đóng cửa, nhưng thấy chúng tôi, ông lại nhiệt tình nổi lửa, nấu nướng, phục vụ, rồi nhiệt tình giảng giải cho chúng tôi nghe những điểm tham quan của thành phố, và cách mua vé đi tàu lửa để đến cố đô Kyoto và cố đô Nara. Ở tất cả các quốc gia chúng tôi đã từng qua, để lại tiền boa là một điều bình thường, vậy mà ở xứ sở Nhật bản này, đó là một điều “bất bình thường.”
“Mẹ ơi, trái cây, người ta bán trái cây dọc bên đường này mẹ,” con trai tôi reo lên. Chúng tôi đang đạp xe ở ngoại ô của cố đô Kyoto. Dọc hai bên đường là những ngôi nhà nhỏ xinh và những khu vườn trĩu quả. Và có những chiếc bàn nhỏ đặt trước cổng nhà, trên đó bày những loại trái cây vàng ươm hay đỏ rực vừa hái từ vườn.
Chúng tôi dừng xe trước một chiếc bàn bày những quả hồng và cam. Mỗi loại trái cây được đóng gói vào từng túi trông rất đẹp mắt. Cạnh đó là bảng giá và một chiếc hộp mở. Chiếc hộp đó đầy tiền. Thì ra, bất cứ ai mua chỉ cần thả tiền vào hộp, và tự động lấy lại tiền thừa. Một dịch vụ mua bán dựa hoàn toàn vào sự trung thực của con người. “Ở đây thật thích mẹ nhỉ,” con trai tôi hào hứng. “Giá như trên trái đất này ai cũng có thể tin vào lòng tốt con người như ở nơi đây”.
“Mẹ có để ý không, ở đây chẳng ai bấm còi ô tô cả,” tối hôm đó, con gái tôi nói với tôi. “Mà mẹ cũng đừng bấm chuông xe đạp nhé. Ở đây chẳng ai làm thế!”. Những con đường dù đông đúc đến mấy nhưng không hề có tiếng tiếng còi xe. Tất cả đều lặng lẽ đi, lặng lẽ tuân thủ luật lệ giao thông, lặng lẽ nhường nhịn nhau.
Có lẽ vì người Nhật tôn trọng nhau nên chẳng thấy ai xả rác ngoài đường. Những con đường của các thành phố tôi đã từng qua như Osaka, Nara, Kyoto, Tokyo và Kamakura đều sạch sẽ. Bất cứ khi nào ra đường vào sáng sớm, tôi cũng thấy một số người dân dạo quanh con đường mà họ sinh sống, với những chiếc túi trên tay. Họ nhặt rác để khu phố mình sạch đẹp.
Vẻ đẹp của Nhật Bản còn hiện diện rất rõ nét trong những hành động của những người tình nguyện viên lớn tuổi. Ở một trung tâm giúp đỡ khách du lịch tại Nara, chúng tôi gặp một người đàn ông ở độ tuổi hơn 60, đã về hưu. Ông vui vẻ cung cấp thông tin về những điểm du lịch rồi hướng dẫn chúng tôi lần lượt ngồi vào một chiếc ghế. Trên tay cầm bộ điều khiển, ông giải thích cho chúng tôi về sức tàn phá của những trận động đất mà nước Nhật đã trải qua hàng chục năm gần đây.
“Mời cô dùng trà, đây là trà do các tình nguyện viên của chúng tôi chuẩn bị,” tại một đền thờ tại thủ đô Tokyo, một người phụ nữ trong bộ kimono truyền thống vui vẻ nói với tôi.
Trò chuyện với người phụ nữ, tôi được biết tháng nào bà cũng ra đây chuẩn bị trà đạo cho mọi người. “Công việc tình nguyện khiến tôi vui hơn, làm tôi có cảm giác sống có ý nghĩa hơn” - bà vui vẻ nói.
Rời Nhật Bản, tôi hiểu tại sao đất nước này có sức cuốn hút khách du lịch đến thế. Tôi hiểu tại sao những ai đến đây cũng luôn đặt kế hoạch phải quay trở lại. Còn tôi, tôi biết rằng mình sẽ sớm quay lại nơi đây. Quay lại để được thả mình trong những bể nước khoáng ngoài trời, để cùng đón bình minh lên ở những đền thờ hàng ngàn năm tuổi, để hòa mình vào những lễ hội truyền thống độc đáo, để sà vào những quán ăn nhỏ xinh ven đường. Và tôi phải quay lại, để ngắm nhìn cách mặt trời mỗi ngày vẫn mọc từ những lòng tốt và sự trung thực của con người. Và tôi phải quay lại, để thực sự tin rằng có một nơi trên trái đất này, con người ta vẫn còn sống tử tế với nhau.
Nguyễn Phan Quế Mai
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)