Danh lam thắng cảnh
Đến Quy Nhơn - Bình Định, du khách sẽ được tận hưởng bầu không khí trong lành của biển, của rừng, được cảm nhận cái gió, cái nắng miên man của vùng đất nhiệt đới, tham quan những làng nghề truyền thống đặc sắc, thưởng thức các sản phẩm độc đáo, đặc trưng vùng quê biển và được chào đón bằng lòng mến khách của người dân nơi đây.
Đầm Thị Nại
Cách thành phố Quy Nhơn 8km về phía Đông Bắc, đầm Thị Nại là đầm lớn nhất Bình Định với diện tích trên 5.000ha mặt nước, chạy dài hơn 10km, bề rộng gần 4km. Nơi đây có nguồn tài nguyên quý giá do thiên nhiên ban tặng, là nơi ẩn chứa đa dạng sinh học với hệ sinh thái rừng ngập mặn phong phú cùng nhiều thắng cảnh đẹp rất hấp dẫn du khách. Nằm về phía Đông đầm Thị Nại là bán đảo Phương Mai, với hệ thống núi đá trùng điệp và những đồi cát trắng khổng lồ, ăn ra biển chạy dài 15km. Hòa trong vẻ đẹp thiên nhiên của đầm Thị Nại - bán đảo Phương Mai là công trình cầu đường Quy Nhơn - Nhơn Hội với tổng chiều dài hơn 7km gồm 5 cầu ngắn và cầu Thị Nại. Trong đó, nổi bật là cầu Thị Nại có chiều dài 2.477,3m, đây là cầu vượt biển dài nhất Việt Nam với 54 nhịp nối liền thành phố Quy Nhơn và khu kinh tế Nhơn Hội, là điểm nhấn hấp dẫn biết bao du khách đến với Quy Nhơn - Bình Định.
Ghềnh Ráng
Nằm ở phía Đông Nam thành phố Quy Nhơn, ghềnh Ráng là tác phẩm thiên tạo với quần thể sơn thạch chạy sát biển, nơi những dãy đá núi nhấp nhô, trập trùng tạo thành hang, thành rạng, thành gành, với một bên là những bãi cát dài trắng mịn và mặt biển xanh màu ngọc bích rì rào sóng vỗ… tất cả tạo nên một ghềnh Ráng nguyên sơ, một bức tranh thủy mặc hữu tình kỳ vĩ và thơ mộng.
Biển Nhơn Lý
Biển Nhơn Lý là một trong những biển đẹp nhất Nam Trung Bộ. Nơi đây vẫn còn giữ được vẻ đẹp hoang sơ với những bãi cát trắng trải dài và những bãi tắm lý tưởng thu hút đông đảo du khách. Biển Nhơn Lý - Cát Tiến đang được quy hoạch trở thành khu du lịch quốc gia.
Biển Kỳ Co
Nằm cách thành phố Quy Nhơn gần 25km, thuộc xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn, Kỳ Co mang một vẻ đẹp nguyên sơ quyến rũ với biển xanh, cát trắng, nắng vàng đẹp tựa một bức tranh vừa nên thơ vừa hùng vĩ. Kỳ Co còn được mệnh danh là nơi chỉ cách thiên đường một bước chân. Nơi đây rất hấp dẫn du khách, đặc biệt là những người ưa du lịch khám phá, bởi không chỉ có cảnh đẹp làm say lòng người mà còn bao điều thú vị.
Eo Gió
Eo Gió thuộc thôn Lý Lương, xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn, là một eo biển xanh, đẹp, hình vòng cung được những rặng núi đá cao uốn cong ôm trọn vào lòng. Từ trên đỉnh Eo Gió, du khách có thể phóng tầm mắt ra xa, cảm thấy toàn bộ quang cảnh xã Nhơn Lý như nằm dưới chân mình… Tất cả hòa quyện với nhau giữa mênh mông biển trời, tạo nên một thắng cảnh Eo Gió tuyệt đẹp như chốn bồng lai.
Biển Trung Lương - Cát Tiến
Trung Lương là một trong những bãi biển khá quen thuộc và nổi tiếng với khách du lịch Bình Định. Nước biển xanh trong hoang sơ, sóng vỗ bờ nhẹ nhàng, các phiến đá với nhiều hình thù kỳ lạ đẹp mắt, nhấp nhô xếp chồng lên nhau tạo nên bức tranh biển cả nên thơ, đọng lại nhiều cung bậc cảm xúc trong lòng du khách phương xa.
Cù lao Xanh
Là hòn đảo cách thành phố Quy Nhơn khoảng 22km, Cù lao Xanh là món quà vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất võ. Đến nơi đây, du khách sẽ được đắm mình trong không gian xanh bất tận của biển xanh, trời xanh và đảo xanh, được ngắm nhìn hoàng hôn trên cầu cảng với những chiếc thuyền con dập dềnh trên sóng biển… Khám phá Cù lao Xanh, du khách còn được chiêm ngưỡng ngọn hải đăng có chiều cao 118m so với mặt nước biển được xây dựng cách ngày nay hàng trăm năm.
Quần thể du lịch sinh thái và tâm linh Linh Phong
Quần thể du lịch sinh thái và tâm linh Linh Phong nằm phía Đông đường ĐT639, trải dọc theo eo biển vòng cung thôn Trung Lương, xã Cát Tiến, huyện Phù Cát. Đến đây, du khách có thể viếng thăm chùa Ông Núi, chiêm ngưỡng tượng Phật ngồi cao nhất Đông Nam Á, đắm mình giữa khung cảnh thiên nhiên trữ tình. Ngoài ra, Bình Định còn vô số danh lam thắng cảnh nổi tiếng hấp dẫn du khách trong và ngoài nước như: Khu sinh thái Cồn Chim, thành Hoàng Đế, Tiểu chủng viện Làng Sông, đảo Yến, đảo Hòn Khô, Hòn Sẹo, bãi biển Lộ Diêu, bãi biển Quy Hòa, đầm Trà Ổ, mũi Vi Rồng... Mỗi danh thắng đều chứa đựng những giá trị văn hóa sâu sắc, là những bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp.
Di tích Lịch sử - Văn hóa
Tài nguyên di tích lịch sử - văn hóa của Bình Định rất đặc sắc. Đây là vùng đất có bề dày lịch sử và văn hóa lâu đời; là nơi phát tích của phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn (thế kỷ 18), quê hương của người anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ; là nơi nuôi dưỡng tài năng nhiều nhà văn hóa lớn của đất nước như Đào Duy Từ, Đào Tấn, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử… Bảo tàng Quang Trung, cùng với hàng loạt di tích về phong trào Tây Sơn là những địa chỉ du lịch văn hóa - lịch sử hấp dẫn các nhà nghiên cứu và du khách. Bên cạnh đó, dấu ấn Chămpa ở vùng đất Bình Định hiện lên vô cùng phong phú, đa dạng về loại hình, số lượng… Tất cả hòa quyện tạo nên sức lôi cuốn khó cưỡng đối với những ai từng đặt chân đến nơi đây.
Bảo tàng Quang Trung
Bảo tàng Quang Trung được xem là một điểm nhấn đặc biệt mang đậm dấu ấn “Miền đất võ”. Đến đây, ngoài việc được chiêm ngưỡng những di sản vật thể của phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn, du khách còn được thưởng thức các chương trình biểu diễn phong phú, độc đáo, hấp dẫn như võ Tây Sơn, trống trận Quang Trung, ca múa nhạc dân tộc… Các chương trình này sẽ đưa du khách ngược dòng lịch sử trở lại với những trận chiến hào hùng của phong trào Tây Sơn cuối thế kỷ 18.
Di tích Chămpa
Bình Định là nơi lưu giữ những di sản văn hóa Chămpa vô giá. Các di tích Chăm ở Bình Định hết sức phong phú, đa dạng nhưng độc đáo và hấp dẫn nhất đối với khách du lịch là những ngọn tháp rêu phong cổ kính. Hiện nay, trên đất Bình Định có đến 8 cụm với 14 tháp Chăm nổi tiếng gồm Bánh Ít, Dương Long, tháp Đôi, Cánh Tiên, Phú Lốc, Thủ Thiện, Bình Lâm và Hòn Chuông...
Làng nghề truyền thống
Bình Định có nhiều làng nghề thủ công truyền thống đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Du khách đến đây sẽ được tham quan quá trình sản xuất, ngắm nhìn tay nghề khéo léo của những nghệ nhân làm ra các sản phẩm vừa mang đậm nét văn hóa dân gian, vừa có tính nghệ thuật cao.
Làng nghề rượu Bàu Đá
Làng nghề rượu Bàu Đá thuộc địa phận thôn Cù Lâm Bắc, xã Nhơn Lộc, huyện An Nhơn. Đây là nơi chế biến ra các loại rượu thơm ngon nổi tiếng, sánh ngang với các sản phẩm rượu nổi tiếng khác của Việt Nam.
Làng nón Phú Gia
Làng nón Phú Gia thuộc xã Cát Tường, huyện Phù Cát, cách Quy Nhơn khoảng 45km về hướng Bắc, với hơn 400 hộ tham gia sản xuất. Nón lá Phú Gia gồm hai loại: nón ngựa và nón lá, nổi tiếng bởi đẹp, bền và rẻ.
Làng dệt thổ cẩm Hà Ri
Hà Ri là nơi tập trung nhiều đồng bào dân tộc Ba Na nhất Bình Định nên đồng bào nơi đây vẫn còn lưu giữ được những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình, đặc biệt là nghề dệt thổ cẩm. Những lúc nông nhàn, chị em phụ nữ lại miệt mài bên khung cửi để dệt ra những tấm vải thổ cẩm đẹp mắt cho mình và cho gia đình.
Gốm Vân Sơn
Làng gốm Vân Sơn nằm về phía Đông dưới chân núi Long Cốt thuộc xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn. Từ loại đất sét trắng ngà không lẫn sạn, người dân nơi đây đã tạo ra những sản phẩm gốm đủ loại: chum, vò, am, chậu, thạp, bộng giếng, ấm, nồi… với kích cỡ to nhỏ khác nhau. Ngoài ra, nơi đây còn nhiều làng nghề truyền thống khác như làng rèn Tây Phương Danh, hay sản phẩm du lịch độc đáo làm bằng tôm tre của làng tôm An Nhơn, dệt chiếu Hoài Châu, làng đồ gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu, chế biến xơ dừa Tam Quan, bánh tráng Trường Cửu…
Lễ hội truyền thống
Bình Định là nơi hội tụ và giao hòa văn hóa của rất nhiều dân tộc anh em nên các hình thức văn hóa dân gian và lễ hội truyền thống cũng rất đa dạng và phong phú.
Lễ hội Đống Đa - Tây Sơn
Lễ hội Đống Đa - Tây Sơn diễn ra từ chiều ngày mùng 4 tết và kéo dài cho đến hết ngày mùng 5 tết tại thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, với nhiều nghi lễ cổ truyền đặc sắc để tưởng nhớ các thủ lĩnh của phong trào Tây Sơn, đặc biệt là người anh hùng áo vải Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ.
Lễ hội Đô thị nước mặn
Đây là lễ hội truyền thống ra đời rất sớm và được tổ chức quy mô lớn ở Bình Định, từ mùng 1 - 3/2 âm lịch, tại chùa Bà, thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước. Lễ hội đánh dấu việc một cảng thị ở vùng đất biên viễn bước vào thời kỳ phồn vinh.
Lễ hội Cầu ngư
Ở Bình Định, Lễ hội Cầu ngư có tại hầu hết các vùng ven biển ở các huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Tuy Phước, thành phố Quy Nhơn và thường được tổ chức từ tháng 2 đến tháng 6 âm lịch. Theo thông lệ, lễ hội diễn ra trong thời gian 3 ngày đêm: ngày đầu tiên diễn ra nghi thức lễ cúng trần thiết bài vị, rồi tiến hành nghi lễ nghinh thần, lễ an thần; ngày thứ hai diễn ra nghi thức đại lễ tế thần; ngày thứ ba là phần hội gồm có: chèo bả trạo, hội xây chầu hát bội, hát dân ca và các trò chơi dân gian của ngư dân miền biển. Bên cạnh đó, ở miền quê anh hùng lịch sử này còn có nhiều lễ hội gắn liền với cuộc sống sinh hoạt của người dân như Lễ hội chợ Gò, Lễ hội đua thuyền ở Tuy Phước, Lễ hội chùa ông Núi ở Phù Cát…
Nghệ thuật truyền thống
Nghệ thuật hát bội
Bình Định là một trong những cái nôi của nghệ thuật hát bội (tuồng), là quê hương của vị hậu tổ tuồng Đào Tấn. Hiện nay, Bình Định đang bảo tồn, kế thừa và phát huy nghệ thuật hát bội mang phong cách Đào Tấn - một loại hình nghệ thuật vừa bác học nhưng lại vừa mang tính dân gian gần gũi với quần chúng.
Nghệ thuật bài chòi
Bài chòi Bình Định thu hút khách bằng ngôn ngữ nghệ thuật đặc thù với hàng loạt làn điệu: xuân nữ, hò quảng, xàng xê, cổ bản và các điệu dân ca như: lý thương nhau, vọng kim lang, hò tát nước… Với những giá trị mang tính nghệ thuật gắn với đời sống văn hóa người dân, nghệ thuật hát bài chòi đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại vào tháng 12/2017.
Võ cổ truyền Bình Định
Truyền thống thượng võ từ lâu đã thấm sâu vào trong máu thịt người dân Bình Định. Đất võ Bình Định và phái võ thuật Tây Sơn đã tạo nên những chiến công vang dội trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, trở thành di sản văn hóa, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di sản phi vật thể cấp quốc gia năm 2012. Liên hoan quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam thường xuyên được tổ chức tại Bình Định, quy tụ tất cả các võ học sinh học võ cổ truyền Việt Nam từ các quốc gia trên thế giới về tụ họp, trao đổi, nghiên cứu bảo tồn và phát triển bộ môn võ thuật này.
Nhạc võ Tây Sơn
Nhạc võ Tây Sơn là một nét văn hóa độc đáo, niềm tự hào của người dân Bình Định, xuất phát từ phong trào nông dân Tây Sơn. Theo truyền thuyết, tiếng võ nhạc Tây Sơn là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên cuộc hành quân thần tốc và chiến đấu oanh liệt của vua Quang Trung trong cuộc chiến chống ngoại xâm. Ngày nay, nhạc võ Tây Sơn đã trở thành một loại nhạc lễ trong di sản nghệ thuật của dân tộc.
Ẩm thực
Khách phương xa về thăm Bình Định không chỉ bị quyến rũ bởi những danh lam thắng cảnh, những di tích lịch sử - văn hóa hay những đêm hát bội hấp dẫn mà còn bị chinh phục bởi những món ăn đặc sản lạ miệng mang nét đặt trưng văn hóa của miền đất võ như: rượu Bàu Đá, nem Chợ Huyện, bánh ít lá gai, bún chả cá Quy Nhơn, bánh hỏi cháo lòng, bún Song Thằn…
Một số tour du khách nên trải nghiệm khi tới Bình Định
1. Tour sinh thái biển
Lộ trình: Quy Nhơn - Phù Cát
Các điểm tham quan: bãi biển Quy Nhơn, ghềnh Ráng, bãi Dài, Nhơn Lý, Trung Lương - Cát Tiến, Vĩnh Hội, Tân Thanh, cảnh quan bán đảo Phương Mai - đầm Thị Nại.|
Thời gian: 1 - 2 ngày
2. Tour khám phá biển, đảo
Lộ trình: Quy Nhơn - Hải Giang - đảo Nhơn Châu
Các điểm tham quan: bãi biển Quy Nhơn - các hệ sinh thái đặc thù trên và quanh đảo Nhơn Châu (Cù lao Xanh), Hải Giang - đảo Yến - hòn Khô
Thời gian: 1 - 2 ngày
3. Tour sinh thái rừng - hồ
Lộ trình: Quy Nhơn - An Nhơn - Tây Sơn - Vĩnh Thạnh
Các điểm tham quan: thắng cảnh đồi ghềnh Ráng, Hầm Hô, hồ Núi Một, hồ thủy điện Vĩnh Sơn, hồ Định Bình
Thời gian: 1 - 2 ngày
4. Tour tham quan nghiên cứu di tích thời Tây Sơn
Lộ trình: Quy Nhơn - An Nhơn - Tây Sơn
Các điểm tham quan: Bảo tàng Quang Trung và khu di tích điện thờ Tây Sơn, đền thờ Bùi Thị Xuân, từ đường Võ Văn Dũng, thắng cảnh Hầm Hô, thành Hoàng Đế, bãi Nhạn, núi Tam Tòa, Đài Kính Thiên đàn tế trời đất.
Thời gian: 1 - 2 ngày
5. Tour tham quan nghiên cứu văn hóa Chăm
Lộ trình: Quy Nhơn - Tuy Phước - An Nhơn - Tây Sơn
Các địa điểm tham quan: tháp Đôi, tháp Bình Lâm, tháp Bánh Ít, tháp Cánh Tiên, thành Đồ Bàn (thành Hoàng Đế), chùa Nhạn Sơn, tháp Thủ Thiện, tháp Phú Lốc, tháp Dương Long, Bảo tàng Tổng hợp
Thời gian: 1 - 2 ngày
6. Tour làng nghề truyền thống
Lộ trình: Quy Nhơn - Tuy Phước - An Nhơn - Phù Cát
Các điểm tham quan: làng rèn Tây Phương Danh, làng gốm Nhạn Tháp, làng tiện gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu, làng nghề rượu Bàu Đá, làng nón Phú Gia, làng nghề làm bánh tráng…
Thời gian: 1 - 2 ngày.
7. Tour nghỉ dưỡng, chữa bệnh
Lộ trình: Quy Nhơn - Phù Cát
Các điểm tham quan: bãi Dài, Cát Hải, Cát Tiến, suối khoáng nóng Hội Vân
8. Quy Nhơn - Tây Sơn
Các điểm tham quan: tháp Dương Long, Bảo tàng Quang Trung - Điện Tây Sơn, đền thờ Bùi Thị Xuân, Hầm Hô, hồ Núi Một.
Thời gian: 1 - 2 ngày.
9. Quy Nhơn - Tuy Phước - An Nhơn - Phù Cát
Các điểm tham quan: tháp Đôi, tháp Cánh Tiên, thành Hoàng Đế, chùa Thập Tháp, chùa Linh Phong, biển Nhơn Lý - Cát Tiến, khu kinh tế Nhơn Hội, đầm Thị Nại, ghềnh Ráng, Bảo tàng Tổng hợp, các làng nghề.
Thời gian: 2 ngày.
10. Quy Nhơn - An Nhơn - Phù Mỹ - Tam Quan
Các điểm tham quan: Thành Đồ Bàn, tháp Dương Long, đầm Trà Ổ, mũi Vi Rồng, gành đá Lộ Diêu, biển Tam Quan, ghềnh đá Hoài Hải.
Thời gian: 2 ngày
T.T