Tuy vậy, sự thay đổi khí hậu theo mùa là nguyên nhân chủ yếu tạo nên tính thời vụ trong hoạt động du lịch biển ở Việt Nam và có ảnh hưởng rất lớn đến tổ chức lãnh thổ du lịch.
Ảnh hưởng của khí hậu đến tính thời vụ trong du lịch biển
Việt Nam có tiềm năng phát triển du lịch biển rất lớn. Là nước bán đảo, nơi tiếp xúc giữa nhiều hệ thống tự nhiên đã tạo cho vùng ven biển có sự đa dạng về cảnh quan, thuận lợi cho phát triển du lịch biển, đứng thứ 27 trong số 156 quốc gia trên thế giới có biển với 125 bãi biển mà hầu hết là các bãi tắm đẹp, là 1 trong 12 quốc gia có các vịnh đẹp nhất thế giới là vịnh Hạ Long và vịnh Nha Trang.
Hơn nữa, biển Việt Nam nắng đẹp, dồi dào cát trắng lại có sự kết tụ các yếu tố cảnh quan của núi rừng, đồng bằng, bờ biển, biển, đảo, cùng với các yếu tố văn hóa-xã hội biển đặc sắc đã tạo tiềm năng du lịch biển, đảo rất to lớn.
Đối với hoạt động du lịch biển Việt Nam, đa số khách đi du lịch với mục đích nghỉ dưỡng kết hợp tắm biển là những loại hình du lịch chủ yếu của hoạt động du lịch biển. Sự kết hợp giữa điều kiện thuận lợi của khí hậu với các điều kiện khác là tiềm năng du lịch to lớn đối với sự phát triển du lịch biển.
Nhưng sự thay đổi khí hậu theo mùa là nguyên nhân chủ yếu tạo nên tính thời vụ trong hoạt động du lịch biển ở Việt Nam, có ảnh hưởng rất lớn đến các hợp phần trong tổ chức lãnh thổ du lịch.
Chính vì vậy, việc nghiên cứu ảnh hưởng của khí hậu đến tính thời vụ trong hoạt động du lịch biển ở Việt Nam không chỉ có ý nghĩa về mặt lý luận mà còn có ý nghĩa về thực tiễn, góp phần tích cực vào sự phát triển du lịch và kinh tế-xã hội của đất nước.
Theo bà Nguyễn Thị Liễu, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), tính thời vụ du lịch tại một đơn vị lãnh thổ nào đó là tập hợp các biến động có tính chu kỳ theo thời gian trong năm của “cung” và “cầu” du lịch.”
Tính thời vụ làm cản trở tiến trình bình thường của hoạt động du lịch trong năm và gây ra hàng loạt ảnh hưởng tiêu cực về kinh tế-xã hội, tổ chức và kỹ thuật, vì vậy nó thu hút sự quan tâm nghiên cứu của các nhà khoa học, các cơ quan và tổ chức kinh tế, các tổ chức quốc gia và quốc tế.
Bản chất của tính thời vụ du lịch là sự dao động có tính chu kỳ trong năm của mối quan hệ “cung” và “cầu” du lịch và được đặc trưng bởi cường độ, độ dài và tần số của mùa vụ du lịch. Cường độ của mùa du lịch chính là độ tập trung khách trong một khoảng thời gian ở mùa du lịch.
Độ dài mùa du lịch là khoảng thời gian mà ở đó số lượng khách đến còn đủ để duy trì công suất sử dụng buồng phòng trên mức độ tối thiểu đối với khu du lịch, còn tần số mùa du lịch là số lần xuất hiện mùa du lịch trên một phạm vi lãnh thổ trong một năm.
Đối với hoạt động du lịch biển Việt Nam, đa số khách đi du lịch với mục đích nghỉ dưỡng kết hợp tắm biển là những loại hình du lịch chủ yếu của hoạt động du lịch biển. Đây là những loại hình du lịch phụ thuộc và chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất của các điều kiện tự nhiên, đặc biệt là điều kiện khí hậu. Trên thực tế, những điểm, khu du lịch biển ở những nơi có điều kiện khí hậu phân hóa sâu sắc theo thời gian trong năm, thì tính thời vụ trong hoạt động du lịch ở nơi đó cũng rõ rệt và mùa du lịch thường trùng với mùa khí hậu thuận lợi cho hoạt động du lịch.
Trong hoạt động du lịch biển, các điều kiện khí hậu thuận lợi nhất được du khách ưa thích là số ngày mưa ít, số giờ nắng trung bình trong ngày cao, nhiệt độ không khí trung bình trong ngày không cao lắm và nhiệt độ nước biển điều hòa.
Như vậy, sự thay đổi khí hậu theo mùa và các hiện tượng thời tiết đặc biệt như gió mùa Đông Bắc, bão, áp thấp nhiệt đới, lũ lụt,...là những nhân tố tạo nên tính thời vụ trong hoạt động du lịch biển, thậm chí gây trở ngại cho hoạt động du lịch biển.
Các yếu tố khí hậu như nhiệt độ, số giờ nắng, lượng mưa và mùa mưa là những yếu tố có tác động mạnh nhất và là nguyên nhân chủ yếu hình thành nên tính thời vụ trong hoạt động du lịch biển. Các yếu tố này cũng chính là các chỉ tiêu, tiêu chí để phân chia khí hậu ven biển Việt Nam thành các vùng, miền có sự khác nhau về các điều kiện khí hậu.
Nhìn chung, khí hậu vùng ven biển Việt Nam phân hóa thành hai mùa nên đặc điểm của tính thời vụ trong loại hình du lịch nghỉ dưỡng kết hợp tắm biển ở các khu du lịch biển Việt Nam là tương đối giống nhau.
Phân hóa khí hậu vùng miền - cần sự định hướng phát triển du lịch
Do vị trí địa lý, địa hình, hoàn lưu dẫn đến sự phân hóa khí hậu giữa các vùng, miền nên thời vụ ở các điểm, khu du lịch biển Việt Nam có sự khác nhau về thời gian, độ dài và cả tính chất của mùa vụ. Trong thực tế, thời vụ du lịch biển ở các vùng, miền này có đặc trưng khác nhau về thời gian, độ dài và cường độ của mùa du lịch.
Ở vùng ven biển phía Bắc, mùa đông chịu ảnh hưởng của khối không khí lạnh cực đới từ phía Bắc tràn xuống có nền nhiệt độ thấp, mùa hè chịu ảnh hưởng của khối khí nhiệt đới có nhiệt độ cao nên khí hậu ở vùng này phân hóa thành hai mùa nóng và lạnh rõ rệt, do đó, tính thời vụ trong hoạt động du lịch ở các khu du lịch biển miền Bắc thể hiện rõ nét nhất.
Mùa lạnh (từ tháng 11-tháng 4) có nền nhiệt độ thấp, tiết trời lạnh, cuối mùa đông tuy nhiệt độ có tăng nhưng đa phần vẫn thấp hơn 20 độ C lại thêm mưa phùn nên hoạt động nghỉ dưỡng, tắm biển ở các điểm, khu du lịch biển vào thời điểm này không thể diễn ra. Đây cũng chính là mùa vắng khách tại các điểm du lịch biển miền Bắc Việt Nam.
Trong mùa vắng khách, tại các điểm, khu du lịch ven biển phía Bắc hầu như mọi hoạt động du lịch ở đây đều bị ngừng trệ. Điều này gây khó khăn cho việc tổ chức và quản lý các hoạt động du lịch, kinh doanh, đầu tư và nâng cấp các cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch. Nhưng một số điểm du lịch như Hạ Long, Huế vẫn có khách vào mùa này, đặc biệt là khách du lịch quốc tế.
Điểm khác biệt trong biến trình khách theo năm này do tại các khu du lịch trên có tài nguyên du lịch phong phú và tại đây đã đưa vào khai thác một số loại hình du lịch ít phụ thuộc vào điều kiện khí hậu như du lịch tham quan, du lịch sinh thái...
Vào mùa nóng (từ tháng 5-tháng 10), gió mùa cực đới đã chấm dứt, nền nhiệt độ cao (nhiệt độ trên 20 độ C) là thời kỳ thuận lợi nhất cho hoạt động du lịch và là mùa đông khách tại các điểm du lịch biển miền Bắc. Song do sự phân hóa về mùa mưa, bão mà ở từng điểm, khu du lịch có thời gian tập trung khách khác nhau.
Khu vực ven biển thuộc vùng khí hậu Đông Bắc và đồng bằng Bắc Bộ có mưa nhiều vào các tháng 7, 8, 9 và cũng chính là mùa bão ở khu vực này nên lượng khách giảm đáng kể. Các tháng có điều kiện thuận lợi nhất và có lượng khách đông nhất là tháng 5, 6 và tháng 10.
Tại khu vực ven biển thuộc vùng khí hậu Bắc Trung Bộ, mùa mưa lùi dần về cuối hè và đầu đông. Vào các tháng 9, 10, 11 có lượng mưa lớn nhất nên vắng khách, thậm chí không có khách. Các tháng tập trung khách nhất là các tháng 6, 7 còn các tháng đầu mùa hạ (tháng 4, 5) lượng khách cũng ít vì vào thời gian này có thời tiết khô nóng do ảnh hưởng của hiệu ứng phơn. Nhìn chung, tại các khu du lịch biển miền Bắc điều kiện khí hậu thuận lợi cho hoạt động du lịch chỉ có thể diễn ra vào mùa hè.
Chính vì thế, tính thời vụ du lịch ở các khu du lịch biển miền Bắc rất rõ, độ dài mùa du lịch ngắn, cường độ dao động về khách cao, khách du lịch tập trung nhiều vào các tháng mùa hè, các tháng còn lại hầu như không có khách.
Do vậy đã hình thành nên bức tranh toàn cảnh về hoạt động du lịch ở các khu du lịch biển phía Bắc với sự phân hóa theo mùa rất sâu sắc. Hoạt động du lịch diễn ra hết sức sôi động trong mùa du lịch (mùa hè) với lượng khách du lịch rất lớn và những người làm dịch vụ du lịch (nguồn lao động trực tiếp và lao động gián tiếp trong lĩnh vực du lịch) cũng tập trung trong một khoảng thời gian rất ngắn khiến cho các khu du lịch biển ở đây luôn ở tình trạng quá tải, vượt quá sức chứa của điểm, khu du lịch.
Sự tập trung số lượng lớn khách du lịch theo mùa gây ảnh hưởng đến tất cả các hợp phần trong hệ thống lãnh thổ du lịch như phân hệ tài nguyên du lịch, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, lao động trong du lịch, khách du lịch và vấn đề bảo vệ môi trường du lịch.
Khác với khu vực ven biển miền Bắc, khu vực ven biển miền Nam có điều kiện khí hậu thuận lợi với nền nhiệt độ cao đều quanh năm (nhiệt độ trên 25 độ C) và ít chịu ảnh hưởng của bão và gió mùa Đông Bắc lạnh cực đới. Với điều kiện khí hậu thuận lợi, kết hợp với cảnh quan đẹp, tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn phong phú nên hoạt động du lịch biển ở đây có thể diễn ra quanh năm.
Tuy vậy, đối với khu vực miền Nam, khí hậu có sự phân hóa thành hai mùa là mùa khô và mùa mưa với mức thuận lợi đối với hoạt động du lịch biển khác nhau. Mùa khô là mùa thuận lợi nhất cho hoạt động du lịch nói chung và hoạt động du lịch và nghỉ dưỡng biển nói riêng.
Vào mùa khô, nền nhiệt độ cao đều, lượng mưa nhỏ kết hợp với vai trò điều hòa khí hậu của biển tạo điều kiện thuận lợi cho khai thác các loại hình du lịch biển. Mùa khô là thời kỳ có lượng mưa trung bình tháng nhỏ hơn 100mm.
Dựa vào chỉ tiêu đó cho thấy các khu du lịch biển thuộc vùng khí hậu Nam Trung Bộ có điều kiện khí hậu thuận lợi nhất, mùa khô ở đây sâu sắc nhất và dài nhất. Trong thực tế, khu vực này tập trung những điểm, khu du lịch có sức hẫp dẫn lớn đối với du khách, hoạt động du lịch biển diễn ra sôi động nhất Việt Nam như Đà Nẵng, Nha Trang, các bãi biển ở Ninh Thuận, Bình Thuận...
Khu vực Nam Bộ có đặc điểm khí hậu nhiệt đới với hai mùa là mùa khô và mùa mưa (từ tháng 4-5 đến tháng 10-11). Nhiệt độ của khu vực này cao quanh năm. Khí hậu ít biến động nhiều trong năm. Đối với các khu du lịch biển thuộc vùng khí hậu Nam Bộ, thời kỳ có điều kiện khí hậu thuận lợi ngắn hơn so với Nam Trung Bộ, do mùa mưa dài hơn.
Trong mùa mưa (những tháng có lượng mưa trung bình trên dưới 100mm), điều kiện để phát triển du lịch biển chỉ kém thuận lợi hơn mùa khô chút ít vì vào mùa mưa, lượng mưa trung bình tháng không lớn và mưa thường tập trung vào buổi chiều dưới hình thức mưa rào và dông, thời gian còn lại ban ngày vẫn có nắng và ấm, vẫn có thể tiến hành hoạt động du lịch biển.
Với đặc điểm khí hậu trên, các khu du lịch biển miền Nam có điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch quanh năm (mùa du lịch cả năm). Chính vì thế, thời vụ du lịch ở các khu du lịch biển miền Nam không mang đặc điểm, tính chất thời vụ sâu sắc như ở các khu du lịch biển miền Bắc. Cường độ dao động về khách trong năm không cao, mùa du lịch dài. Tính thời vụ du lịch biển ở đây chủ yếu phụ thuộc vào thời gian rỗi của khách. Lượng khách đến với các khu du lịch biển ở đây đông nhất vào mùa nghỉ hè.
Đây là mùa nghỉ hè của học sinh, sinh viên trên toàn quốc và loại hình du lịch biển là loại hình rất được ưu thích của lứa tuổi này. Ngoài ra, tính thời vụ ở các khu du lịch biển miền Nam còn thể hiện ngay cả trong chu kỳ tuần, đặc biệt là các điểm, khu du lịch biển gần các thành phố lớn và các khu công nghiệp. Lượng khách tăng lên một cách đáng kể vào các ngày cuối tuần, còn các ngày khác thường vắng khách hơn. Thời vụ du lịch nói chung và du lịch biển nói riêng có ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động du lịch.
Để khắc phục tính thời vụ trong hoạt động du lịch biển ở Việt Nam cần có những định hướng và giải pháp cụ thể như đa dạng hóa các loại hình và sản phẩm du lịch, phát triển các loại hình du lịch ít chịu ảnh hưởng của điều kiện khí hậu như tham quan, du lịch sinh thái...
Ngoài ra, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị phục vụ du lịch, quy hoạch các điểm, xúc tiến quảng bá cho du lịch biển và bảo vệ tài nguyên du lịch biển...nhằm làm giảm cường độ của thời vụ du lịch, kéo dài thời gian mùa du lịch trong năm.
Sự phân hóa khí hậu theo mùa và theo lãnh thổ dọc dải ven biển Việt Nam tạo nên sự khác nhau về đặc điểm và tính chất của thời vụ du lịch biển. Điểm đồng nhất trong thời vụ du lịch biển ở Việt Nam là có một mùa đông khách và một mùa vắng khách.
Tại các khu du lịch biển miền Bắc, tính thời vụ có sự phân hóa rõ nét nhất và được biểu hiện thông qua độ dài mùa du lịch ngắn và cường độ dao động lớn. Tại các khu du lịch biển miền Nam, tính thời vụ du lịch biểu hiện không rõ nét, mùa du lịch diễn ra quanh năm, biên độ dao động giữa mùa đông khách và ít khách không lớn.
Tính thời vụ dù sâu sắc hay không sâu sắc thì đều có ảnh hưởng tiêu cực đến du lịch. Nó ảnh hưởng đến tất cả các hợp phần của hệ thống lãnh thổ du lịch như tài nguyên du lịch, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, lao động trong du lịch, khách du lịch và mức độ tác động đến môi trường./.
Nguồn: TTXVN